|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (Vietnam Association of Craft Villages - VICRAFTS) là gì?

16:38 | 19/11/2019
Chia sẻ
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Association of Craft Villages - VICRAFTS) là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động về làng nghề.
làng nghề

Hình minh họa (Nguồn: Brad Bernard‏)

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

Khái niệm

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trong tiếng Anh gọi là: Vietnam Association of Craft Villages - VICRAFTS.

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam là:

Một tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của nhiều ngành hàng từ các làng nghề, phố nghề Việt Nam, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, văn hoá, các doanh nhân đang hoạt động trong làng nghề, nghệ nhân, các cá nhân có tâm huyết giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghề thủ công mĩ nghệ Việt Nam.

Mục đích của Hiệp hội là: 

Tập hợp, đoàn kết các làng nghề, các tổ chức kinh tế, văn hoá, các nghệ nhân trong làng nghề, phố nghề, các nhà quản lí, nhà khoa học, nhà văn hoá, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo để cùng với các cơ quan Nhà nước thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về khôi phục và phát triển làng nghề, góp sức bảo tồn, phát triển làng nghề Việt Nam; 

Thực hiện liên kết, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế - kĩ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị văn hóa của các mặt hàng của làng nghề; hỗ trợ nhau trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệp hội

1. Đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên theo qui định của pháp luật; góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động của các làng nghề và lao động nông thôn.

2. Tham gia tuyên truyền giáo dục cho hội viên hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề, phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm môi trường sinh thái, nâng cao đời sống người lao động làng nghề.

3. Động viên nhiệt tình và khả năng lao động sáng tạo của hội viên, hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế - kĩ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các sản phẩm của làng nghề truyền thống trên cơ sở trao đổi kinh nghiệm, phổ biến và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới;

Đoàn kết giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn chấn hưng làng nghề đã có, phát triển làng nghề mới…góp phần dần dần nâng cao đời sống người lao động nông thôn.

4. Trợ giúp, tư vấn cho hội viên trong qui hoạch mặt hàng, sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng…tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu. 

Kêu gọi các nhà đầu tư mở rộng và nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm. Trợ giúp hội viên trong việc đăng kí và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi có yêu cầu theo qui định của pháp luật.

Tập hợp sức mạnh các làng nghề cùng nhau tiến hành xúc tiến thương mại, tạo lập thương hiệu, logo, cung cấp thông tin về thị trường giá cả, mẫu mã, các qui định mới của Nhà nước, lập trang Web chung trên mạng. 

Tổ chức các cuộc triển lãm, hội chợ, chợ phiên, hội nghị, hội thảo để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, khuyến khích hợp tác, liên kết giữa các hội viên theo qui định của pháp luật.

5. Trợ giúp việc tổ chức du lịch làng nghề gắn với du lịch văn hoá, du lịch sinh thái; từng bước hình thành các điểm du lịch làng nghề đặc trưng của mỗi vùng, mỗi nghề truyền thống theo qui định của Nhà nước.

6. Mở các lớp dạy nghề; đào tạo bồi dưỡng trình độ quản lí; đặc biệt coi trọng việc truyền nghề của các nghệ nhân lão thành cho lớp trẻ nhằm phát triển làng nghề bền vững trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa theo qui định của Pháp luật.

7. Tổ chức tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chương trình, dự án, các cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển làng nghề, phố nghề nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng theo đúng qui luật của phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Tham gia công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội các cơ chế, chính sách, dự án của Nhà nước khi được yêu cầu, tiếp nhận dịch vụ công và tổ chức đào tạo, đào tạo lại, truyền nghề nhằm bảo tồn, phát huy làng nghề, phố nghề trong quá trình hội nhập quốc tế.

8. Đại diện cho hội viên tập hợp ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của hội đề nghị với Nhà nước về những chủ trương, chính sách, biện pháp khuyến khích, giúp đỡ bảo tồn, phát triển làng nghề, tăng giá trị kinh tế, giá trị văn hoá các sản phẩm làng nghề truyền thống và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên;

Giải quyết các trường hợp, vụ việc gây thiệt hại đến quyền lợi của hội viên; động viên Hội viên thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ đối với Nhà nước.

9. Hiệp hội có thể được các cơ quan Nhà nước ủy nhiệm thực hiện một số chương trình, dự án trong nước và do tổ chức quốc tế tài trợ theo qui định của Pháp luật.

10. Khen thưởng hoặc đề nghị nhà nước khen thưởng các nghệ nhân, đặc biệt là các nghệ nhân cao tuổi nhằm tôn vinh các nghệ nhân tinh hoa của làng nghề Việt Nam; tạo điều kiện và khuyến khích họ truyền nghề, dạy nghề cho các thế hệ kế tiếp cũng như bảo vệ các giá trị văn hóa của dân tộc.

11. Xây dựng tổ chức Hiệp hội và phát triển hội viên, xây dựng cơ sở vật chất và mở rộng phạm vi của Hiệp hội.

12. Xây dựng và phát triển các mối quan hệ quốc tế với các cá nhân và tổ chức quốc tế trong khu vực Đông Nam Á và các nước trên thế giới theo qui định của pháp luật.

13. Được thành lập các  đơn vị dịch vụ, tư vấn, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ…trực thuộc Hiệp hội hoạt động theo qui định của pháp luật.

Xuất bản sách, báo, các tài liệu phổ biến kĩ thuật, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, kinh nghiệm quản lí doanh nghiệp, quảng bá văn hoá làng nghề…theo qui định của pháp luật.

(Tài liệu tham khảo: Điều lệ Hiệp hội Làng nghề Việt Nam)

Tuyết Nhi