Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (Recording Industry Association of Vietnam - RIAV) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: RIAV online)
Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam
Khái niệm
Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam trong tiếng Anh gọi là: Recording Industry Association of Vietnam - RIAV.
Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, phi chính phủ, phi lợi nhuận của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất băng đĩa ghi âm (bao gồm các sản phẩm ghi âm, ghi hình) ở Việt Nam.
Hiệp hội hoạt động theo qui định của pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều lệ của Hiệp hội được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, chịu sự quản lí Nhà nước của Bộ Văn hoá - Thông tin.
Mục đích hoạt động
1. Tập hợp các đơn vị sản xuất băng đĩa ghi âm vào một tổ chức Hiệp hội nhằm hợp tác, hỗ trợ nhau để thúc đẩy phát triển sản phẩm băng đĩa ghi âm, góp phần thúc đẩy sáng tạo, phổ biến các giá trị âm nhạc và các loại hình nghệ thuật dân tộc khác và tinh hoa âm nhạc thế giới tới công chúng.
2. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất đối với các chương trình băng đĩa ghi âm.
3. Hỗ trợ phát hành để đưa tác phẩm tới công chúng một cách thuận lợi.
4. Tham gia tư vấn về việc hoạch định cơ chế, chính sách về bản quyền và các chính sách liên quan đối với các cơ quan quản lí Nhà nước.
5. Mở rộng hợp tác, giao lưu với các tổ chức tương ứng của các nước, quốc tế trong việc sản xuất và quản lí tập thể quyền tác giả trong lĩnh vực công nghiệp ghi âm theo qui định pháp luật.
Nguyên tắc hoạt động, tư cách hoạt động, trụ sở
1. Hiệp hội được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải.
2. Hiệp hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
3. Trụ sở chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiệm vụ
1. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền tác giả và công nghệ ghi âm đến các hội viên và công chúng; thông tin, tư vấn về tiến bộ của lĩnh vực công nghệ ghi âm tới các thành viên.
2. Thu thập ý kiến, nguyện vọng của hội viên để kiến nghị về việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật quyền tác giả và công nghệ ghi âm với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
3. Thực hiện việc đàm phán, quản lí các quyền nhân thân và quyền tài sản trong việc khai thác tác phẩm theo sự uỷ thác của các hội viên.
4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên khi bị xâm hại.
5. Thực hiện các hoạt động khuyến khích sáng tạo và các hoạt động xã hội khác.
6. Tổ chức hoà giải khi có tranh chấp giữa các hội viên.
7. Hợp tác với các tổ chức tương ứng của quốc tế và các quốc gia trong việc phát triển công nghiệp ghi âm và bảo vệ quyền tác giả ở lĩnh vực này.
8. Báo cáo theo định kì hàng năm và đột xuất cho các cơ quan Nhà nước liên quan.
(Tài liệu tham khảo: Điều lệ Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam)