|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiến kế cứu gạo xuất khẩu chất đống tại cảng

11:00 | 17/04/2020
Chia sẻ
Kiến nghị hủy toàn bộ tờ khai xuất khẩu gạo nếu phát hiện không có tàu tại phao, khai khống số lượng, không xuất trình được hàng hóa khi kiểm hóa...

Từ vụ trục trặc mở tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu gạo lúc nửa đêm của Tổng cục Hải quan, nhiều doanh nghiệp (DN), chuyên gia đã đề xuất các giải pháp khắc phục, đồng thời gợi ý nhiều phương án nhằm giải quyết căn cơ bài toán xuất khẩu gạo của Việt Nam.

GS VÕ TÒNG XUÂN, chuyên gia nông nghiệp:

Nếu Việt Nam chậm chân, khách sẽ mua gạo của nước khác

Hiến kế cứu gạo xuất khẩu chất đống tại cảng - Ảnh 1.

 Nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo tạm ngưng rồi mở lại gặp nhiều khó khăn làm cho các DN bức xúc một phần nằm ở khâu đấu thầu gạo dự trữ quốc gia. Cụ thể, hai ông lớn là Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) trúng thầu cung cấp gạo dự trữ cho Tổng cục Dự trữ chủ yếu là loại gạo trắng IR50404.

Thời điểm trúng thầu cung cấp gạo dự trữ giá thấp nhưng do loại gạo trắng IR50404 vụ đông xuân năm nay nông dân trồng ít, giá cao nên hiện nay các công ty trúng thầu mua vào sẽ lỗ nên không chịu mua. Hệ quả là không hoàn thành việc cung cấp gạo cho Tổng cục Dự trữ.

Như vậy rõ ràng lệnh tạm ngưng xuất khẩu chỉ có lợi cho những ông lớn trúng thầu này. Vì sao? Khi ngưng xuất, toàn bộ các DN không xuất khẩu được thì họ không mua lúa cho nông dân dẫn đến giá lúa gạo sẽ rẻ, khi đó các ông lớn trúng thầu này có cơ hội mua vào giá rẻ, cung cấp gạo dự trữ mới có lời.

Từ sự phân tích trên, tôi cho rằng nếu các DN trúng thầu cung cấp gạo cho Tổng cục Dự trữ nhưng lại không giao gạo thì phải chịu phạt, thậm chí không cho tham gia đấu thầu năm sau. Số tiền phạt những DN vi phạm thì Tổng cục Dự trữ có thể sử dụng để mua gạo dự trữ theo giá thị trường cho đủ để dự trữ như kế hoạch.

Theo tính toán, sau khi dự trữ đủ 1,5 triệu tấn gạo như kế hoạch của Chính phủ, hiện vẫn còn dư tới hơn 3 triệu tấn gạo. Số gạo này nên cho phép xuất khẩu trở lại bình thường vì đây là thời điểm gạo xuất khẩu bán được giá cao, khách hàng mua nhiều. Nếu Việt Nam chậm chân thì khách sẽ mua gạo Thái Lan và các nước khác, khi đó nước ta dư gạo tồn kho, bán rẻ cũng không ai mua.

Việc xuất khẩu nên theo trình tự từ trước đến sau. Theo đó, những DN có hợp đồng ký trước, ví dụ hợp đồng xuất khẩu ký từ tháng 2, tháng 3 thì ưu tiên cho xuất khẩu trước; những đơn vị nào ký từ tháng 4 thì cho xuất khẩu sau. Đồng thời, các cơ quan quản lý kiểm tra các hợp đồng để xác định đúng thời điểm ký hợp đồng, kiểm tra cả gạo trong kho, năng lực thực sự của DN đó… Nếu anh ký gian dối, không có hàng thì không cho xuất.

Hiến kế cứu gạo xuất khẩu chất đống tại cảng - Ảnh 2.

Nhiều DN xuất khẩu gạo đang gặp khó vì không xuất khẩu được gạo theo hợp đồng đã ký. Ảnh minh họa: GIA TUỆ

Ông NGUYỄN THANH LONG, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt:

Nên cho xuất khẩu gạo thơm, nếp, gạo đồ bình thường

Hiến kế cứu gạo xuất khẩu chất đống tại cảng - Ảnh 3.

 Tôi cho rằng giải pháp quan trọng nhất để không lặp lại như vụ mở tờ khai lúc 0 giờ ngày 12-4 là thông tin phải rõ ràng, minh bạch và có lộ trình cho DN chuẩn bị.

Cách mở tờ khai điện tử như vừa qua và quy định số lượng xuất cũng không ổn. Theo tôi, nên giải quyết trước cho phép xuất khẩu gạo thơm, gạo nếp, gạo đồ trở lại bình thường trong thời điểm này. Vì gạo dự trữ cho nhu cầu trong nước chính là gạo trắng thường chứ không phải những loại gạo trên. Do vậy, cho xuất gạo thơm, nếp, đồ… không ảnh hưởng gì đến dự trữ quốc gia, vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Còn gạo trắng thì ưu tiên cho các DN xuất khẩu đã có hàng ở cảng.

Ưu tiên hai đối tượng trên xuất trước là hợp tình, hợp lý, đúng thực tế của ngành gạo. Sau đó, từ tháng 5, khi vào vụ hè thu, hạn mặn giảm, cho xuất khẩu tất cả loại gạo trở lại bình thường.

Phải chế tài đối tượng không mua gạo dự trữ

Tại báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến một lần nữa khẳng định: Với diễn biến mùa vụ hiện nay, Việt Nam hoàn toàn chủ động đủ sản lượng lương thực cho tiêu dùng trong nước với 30 triệu tấn thóc và dư 6,5- 6,7 triệu tấn phục vụ xuất khẩu trong năm nay.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho biết đối với tình trạng kéo dài thời gian ký hợp đồng và không thực hiện thương thảo hợp đồng cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia, bộ đã đề nghị Bộ Tài chính rà soát quy định của pháp luật về hợp đồng, đấu thầu. Qua đó để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chế tài phù hợp đối với các đối tượng này, tránh để tình trạng này diễn ra trong thời gian tới.



Hiến kế cứu gạo xuất khẩu chất đống tại cảng - Ảnh 5.

Ông PHẠM THÁI BÌNH, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An:

Những lô hàng gạo đang nằm tại cảng phải xuất trước

Tôi cho rằng trước tiên nên cho phép các DN khai tiếp những lô đang khai dở dang và thông quan hết toàn bộ số lượng gạo đã nằm trên cảng, khoảng 250.000 tấn.

Sau đó, cơ quan hải quan mở cổng kê khai thủ tục điện tử cho khai mới một cách công bằng, minh bạch. DN nào khai tờ khai trước thì xuất khẩu trước cho đến khi thông quan đạt mốc 400.000 tấn thì dừng xuất khẩu. Như vậy, các DN đều theo dõi được và tự điều chỉnh tiến độ.

Ông ĐỖ HÀ NAM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA):

Nên cho phép xuất khẩu 600.000 tấn/tháng

Hiến kế cứu gạo xuất khẩu chất đống tại cảng - Ảnh 6.

 Cái gốc của vấn đề hiện nay là 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 là quá ít so với thực tế nhu cầu của DN và lượng tồn kho ở mức 3 triệu tấn. Ngoài ra, lượng gạo xuất khẩu cho phép thấp hơn năng lực thực tế của các cảng biển về bốc xếp, vận chuyển bình quân lên tới 600.000 tấn gạo/tháng.

Với số lượng gạo được xuất ở trên thì DN nào cũng chết. DN lớn thì vay ngân hàng nhiều, áp lực trả lãi cao hơn, chết nhanh hơn. DN nhỏ cũng vậy, không xuất được, tồn kho nhiều thì cũng chết.

Vì vậy, Chính phủ nên cho phép xuất khẩu lượng lớn trong hai tháng 4 và 5 với số lượng 600.000 tấn/tháng vì hiện nay áp lực tồn kho rất lớn, thị trường lại đang được giá. Khi cho phép xuất khẩu với số lượng trên, chắc chắn sẽ không có DN nào khiếu nại! Bởi con số này đúng với năng lực mỗi tháng của các cảng biển Việt Nam, bằng đúng mức xuất khẩu trung bình hằng tháng của ngành gạo nước ta.

Đề nghị công khai danh sách DN đăng ký tờ khai

Theo nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM, ngày 15-4, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc thực hiện hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4. Nguồn tin cho biết trong những ngày qua, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều văn bản của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phản ánh việc đăng ký tờ khai hải quan đã xuất hiện một số bất cập như thương nhân không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai xuất khẩu nên không đăng ký được kịp thời, hoặc không tiếp cận được hệ thống (báo lỗi), cá biệt có trường hợp đã đăng ký được nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống... Bộ Công Thương cho rằng để các thương nhân có thể nắm rõ hơn về quy trình triển khai nghiệp vụ hải quan và có thông tin chi tiết hơn về việc thực hiện tờ khai hải quan xuất khẩu, đề nghị Bộ Tài chính công bố công khai danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4. Danh sách cụ thể gồm có tên, số lượng, thị trường xuất khẩu, cảng/cửa khẩu xuất khẩu... đến thời điểm hiện nay.

Để có cơ sở tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5 đúng thời hạn, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính cung cấp số liệu xuất khẩu gạo, gửi về Bộ Công Thương trước 17 giờ hằng ngày, từ nay đến hết ngày 25-4.

An Hiền



Quang Huy - An Hiền