|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành lúa gạo tổn thất đến 50 tỉ đồng/ngày, DN kiến nghị thông quan ngay 300.000 tấn gạo đang nằm tại cảng

08:36 | 17/04/2020
Chia sẻ
Tổn thất này còn chưa kể đến những thiệt hại kéo theo đến ngày xuất khẩu gạo, khi nhận hàng chất lượng gạo xuống cấp sẽ bị đối tác nước ngoài khiếu kiện sau này.

Chiều 16/4, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) tiếp tục có văn bản yêu cầu giải quyết khẩn cấp lần 3 gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) liên quan đến hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4.

Theo đơn "cầu cứu" này, hiện nay có khoảng 300.000 tấn gạo đang nằm tại cảng tiếp tục chờ xuất khẩu và ngành lúa gạo Việt Nam mỗi ngày lại mất khoảng 50 tỉ đồng (trước đó, từ ngày 24/3 đến ngày 11/4, ngành lúa gạo bị thiệt hại hàng trăm tỉ đồng).

Chưa kể đến những thiệt hại kéo theo đến ngày xuất khẩu gạo đi được, khi nhận hàng chất lượng gạo xuống cấp sẽ bị đối tác nước ngoài khiếu kiện sau này và tháng 5/2020. thu hoạch Hè Thu nông dân sẽ bán lúa đi đâu?, Công ty Trung An cho biết.

Ngành lúa gạo tổn thất đến 50 tỉ đồng/ngày, DN kiến nghị thông quan ngay 300.000 tấn gạo đang nằm tại cảng - Ảnh 1.

Ảnh chụp văn bản yêu cầu giải quyết khẩn cấp lần 3 của Công ty Trung An.

Do đó, doanh nghiệp này kiến nghị Thủ tướng ra chỉ thị để Bộ Tài chính thi hành ngay chỉ đạo của Thủ tướng vào ngày 10/4. Cụ thể, cho thông quan xuất khẩu ngay khoảng 300.000 tấn gạo đang nằm chờ tại cảng từ ngày 24/3 đến nay, trong hạn ngạch 400.000 tấn tháng 4/2020 như báo cáo nhanh của Hiệp hội lương thực Việt Nam.

Kèm theo văn bản gửi Thủ tướng, Công ty Trung An cũng đưa ra thư yêu cầu trả tiền cọc và bồi thường hợp đồng của khách hàng, lên tới hàng trăm ngàn USD.

Trước đó, trong hai ngày liên tiếp (13 và 14/4) ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An, đã gửi liên tiếp hai văn bản "cầu cứu" đến Thủ tướng và các Bộ ngành liên quan vì cho rằng hải quan mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai từ 0 giờ đến 3 giờ ngày 12/4 là không minh bạch.

Đồng thời, chỉ ra "lỗ hổng" trong việc mở tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu gạo của Tổng cục Hải quan rằng: "Nếu chỉ cho khai đến 400.000 tấn rồi đóng "cổng thông tin" dẫn đến vấn đề tờ khai "xí chỗ", theo đó, dù doanh nghiệp xuất hàng không kịp và tụt lại phía sau theo qui định nhưng khi Hải quan mở "cổng" đợt mới lại khai được tiếp. Trong khi các doanh nghiệp đợt đầu khai không được thì đến đợt 400.000 tấn sau cũng lại khai không được", ông Bình chia sẻ.

Do vậy, đại diện doanh nghiệp này cho rằng hải quan nên cho khai mới và cho khai với số lượng không hạn chế, ví dụ cho khai tự do đến 2 triệu tấn thay vì chỉ 400.000 tấn theo hạn ngạch.

Ngay sau đó, ngày 15/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã có kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét phân luồng xanh và vàng cho các lô hàng gạo đã có sẵn tại cảng để thông quan nhanh chóng vì thuế xuất khẩu gạo là 0%.

Nguyên nhân khi phân luồng đỏ tất cả lô hàng sẽ dẫn đến tình trạng mất rất nhiều thời gian thông quan và chi phí phát sinh cho việc kiểm hóa kéo theo rất tốn kém và có thể khiến tình trạng tiêu cực xảy ra.

Đối với những tờ khai có dấu hiệu giữ chỗ như chưa có hàng tại cảng, chưa có thông tin tên tàu, tàu chưa cập phao,… VFA đề nghị vẫn phải phân luồng đỏ và kiểm hóa chặt chẽ.

Ngoài ra, Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra các tờ khai chặt chẽ để phát hiện các trường hợp doanh nghiệp khai khống về số lượng, số container, số seal thực tế, không có hàng hóa khi kiểm hóa nhằm giữ hạn ngạch và áp dụng chế tài xử lí như hủy toàn bộ tờ khai của doanh nghiệp khai khống.

Như Huỳnh

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.