|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo trở tay không kịp vì mở tờ khai hải quan lúc nửa đêm, liệu có sự không minh bạch?

16:26 | 14/04/2020
Chia sẻ
Chỉ trong "nháy mắt" hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4 đã đủ chỉ tiêu, nhiều doanh nghiệp dù "túc trực" chờ tin vẫn không thể đăng kí, khiến hàng nghìn tấn gạo tiếp tục ùn ứ.

Trở tay không kịp vì mở tờ khai hải quan lúc nửa đêm

Chỉ trong khoảng 3 tiếng đồng hồ từ 0h ngày 12/4, hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu vừa được Chính phủ phê duyệt đã được lấp đầy. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đã có 40 doanh nghiệp đăng kí tờ khai xuất khẩu tại 13 chi cục hải quan với số lượng gạo đã đăng kí tờ khai xuất khẩu 399.999,73 tấn.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng hoạt động mở tờ khai hải quan không minh bạch gây thiệt thòi cho các đơn vị xuất khẩu. Doanh nghiệp không được thông báo cụ thể về thời gian đăng kí và trang đăng kí online của Tổng cục hải quan liên tục bị lỗi.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho biết ngày 11/4 sau khi nhận được thông tin Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu với hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4, doanh nghiệp đã “túc trực trên máy tính” đến 21h cùng ngày để được mở tờ khai cho những lô hàng khai dang dở từ ngày 24/3/2020, nhưng hệ thống phần mềm Hải quan điện tử không mở.

“Chúng tôi lên hệ thống phần mềm Hải quan điện tử VNACCS (phần mền khai báo hải quan của Tổng cục hải quan) để lấy thông tin tờ khai, thì chỉ nhận được thông báo “Thực hiện không thành công, kết thúc bất thường được phát hiện ở Trung tâm”, ông nói.

Đến sáng Chủ nhật (ngày 12/4), đơn vị này tiếp tục lên hệ thống để thực hiện mở tờ khai, thì hệ thống công bố là “đủ chỉ tiêu”.

 gạo - Ảnh 2.

Bộ Công Thương tính toán có thể xuất khẩu 800.000 tấn gạo trong tháng 4 và tháng 5/2020; trước mắt xuất 400.000 tấn trong tháng 4. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, ông Bình cũng cho biết thêm theo lời ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, do quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương được ban hành vào tối 10/4, rơi vào ngày cuối tuần (thứ Sáu) nên đến thời điểm hiện tại Cục Hải quan TP HCM chưa nhận được văn bản hướng dẫn thực hiện thông quan đối với xuất khẩu mặt hàng gạo,.. 

Cục trưởng cũng cho biết sớm nhất ngày 13/4 (thứ Hai) Bộ Tài chính và Tổng Cục Hải quan mới có văn bản hướng dẫn cho Cục Hải quan các tỉnh, thành. Khi có thông tin cụ thể, Cục Hải quan thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu gạo.

Những thông tin này hoàn toàn khác với thực tế diễn ra, khiến doanh nghiệp không nắm được thông tin và "hụt" mất cơ hội xuất khẩu chỉ sau một đêm, qua đó ông Bình cho rằng việc làm của Hải quan là không minh bạch. 

Ngày 13/4, Công ty Trung An đã có văn bản "kêu cứu" tới Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương về việc Hải quan mở hệ thống phần mềm khai hải quan điện tử không minh bạch.

Ông đặt ra thắc mắc rằng tại sao lại mở hệ thống phần mềm khai hải quan điện tử vào "lúc nửa đêm", vốn không phải thời gian làm việc của cơ quan nhà nước và nhiều doanh nghiệp khiến việc đăng kí tờ khai hải quan thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp.

Hơn nữa số lượng xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn là con số không phải quá lớn so với năng lực sản xuất lúa gạo của Việt Nam, (ước khoảng 20,2 triệu tấn thóc trong 6 tháng đầu năm 2020). Do đó, việc đăng kí tờ khai hải quan sẽ đủ số lượng trong "tích tắc" nếu doanh nghiệp "chậm chân".

Ông Bình cho biết, từ trước ngày 24/3 đến nay, Công ty Trung An đã phải tạm dừng đăng kí và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu đã và đang trên đường lên cảng. Hiện tại, trên 2.000 tấn gạo của công ty vẫn đang nằm tại các cảng đang chờ thông qua. 

 gạo - Ảnh 1.

Ảnh chụp Văn bản Đề nghị giải quyết khẩn cấp về việc Hải quan mở hệ thống phầm mềm khai hải quan điện tử không minh bạch của Công ty Trung An. Nguồn: Công ty Trung An.

Lí giải về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho rằng Hệ thống xử lí dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) hoạt động theo nguyên tắc xử lí tự động. Hệ thống sẽ tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu theo nguyên tắc tờ khai đăng kí trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước, ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, không có sự can thiệp của công chức hải quan.

"Hệ thống sẽ dừng tiếp nhận thông tin đăng kí tờ khai hải quan nếu số lượng đăng kí chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4, tức là 400.000 tấn", Tổng cục Hải quan cho biết.

Mặc dù vậy, lời giải thích này dường như vẫn chưa làm hài lòng cho các doanh nghiệp nhất là trong việc minh bạch thông tin, thông báo kịp thời tới các doanh nghiệp về qui trình thực hiện áp dụng các chính sách mới.

Cho biết về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chia sẻ rất nhiều doanh nghiệp thành viên của VFA cũng không kịp mở tờ khai hải quan để xuất khẩu gạo sau khi Thủ tướng cho phép xuất trở lại.

"Nhiều doanh nghiệp phản ảnh cách làm của hải quan không hợp lí bởi nhiều doanh nghiệp không có thông tin nên không kịp trở tay", ông Kiên xác nhận và cho biết Hiệp hội đang tập hợp ý kiến của các đơn vị để làm kiến nghị gửi Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan.

Cần ngăn chặn sự 'không minh bạch' và cấp phép xuất khẩu một cách hợp lí

Nhu cầu được xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp hiện nay là rất lớn khi nhiều container đã nằm tồn, chờ xuất tại các cảng từ ngày 24/3 đến nay, khoảng 200.000 tấn. Và đương nhiên doanh nghiệp nào cũng mong muốn có được một phần trong hạn ngạch 400.000 tấn được mở ra vào tháng 4.

Tuy nhiên, có lẽ rằng điều mà nhiều nhà xuất khẩu băn khoăn hiện nay là làm sao để đạt được sự minh bạch, hợp lí trong chính sách, công bằng giữa các doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Thái Bình, cần ưu tiên mở tờ khai xuất khẩu cho số gạo đang tồn tại các cảng trước, sẽ mở tiếp tờ khai hải quan mới cho tới khi đạt đủ số lượng theo hạn ngạch 400.000 tấn.

"Với cách làm hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu gạo chịu rất nhiều thiệt thòi", ông Bình nói.

Tại văn bản "kêu cứu", Công ty Trung An đề nghị Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công Thương xem xét có biện pháp ngăn chặn để tránh “trục lợi chính sách của lợi ích nhóm".

Ông Nguyễn Đình Bích, nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương mại của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng việc hạn ngạch xuất khẩu thấp hơn nhu cầu của doanh nghiệp nên cần có cách phân bổ hợp lí, theo báo Người Lao động.

"Có lẽ chúng ta nên chia theo cách truyền thống là dựa vào thành tích xuất khẩu gạo trong 6 tháng qua của doanh nghiệp. Ví dụ, 6 tháng qua cả nước xuất khẩu được 3 triệu tấn, sản lượng đã xuất khẩu của doanh nghiệp là bao nhiêu thì giờ được xuất theo tỉ lệ tương đương, doanh nghiệp nào hiện không có hợp đồng thì mất quyền xuất khẩu", ông Bích đề xuất.

Như Huỳnh