|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Long An kiến nghị xuất khẩu gạo nếp không giới hạn số lượng

10:44 | 07/04/2020
Chia sẻ
Các hợp đồng mà doanh nghiệp kí kết chưa giao hàng từ nay đến cuối năm 2020 khoảng 204.570 tấn gạo, trong đó thị trường Trung Quốc là 44.303 tấn, chủ yếu là nếp. Tồn kho nếp của doanh nghiệp hiện gần 56.000 tấn.

Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho cơ chế xuất khẩu lại loại nếp mã số HS 1006.30 không giới hạn số lượng.

Tại văn bản, ông Trần văn Cần cho biết diện tích trồng nếp tại Long An chiếm khoảng 30 - 32% diện tích trồng lúa của tỉnh. Điển hình như vụ Đông Xuân 2019 - 2020, diện tích trồng nếp khoảng 65.000 ha.

Do thói quen của người dân Việt Nam có nhu cầu về lương thực thực phẩm chủ yếu là gạo, không có thói quen dùng nếp nhiều, trong khi đó, các hợp đồng mà doanh nghiệp kí kết chưa giao hàng từ nay đến cuối năm 2020 của doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Long An khoảng 204.570 tấn gạo, trong đó thị trường Trung Quốc là 44.303 tấn, chủ yếu là nếp. Tồn kho nếp của doanh nghiệp hiện gần 56.000 tấn.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Long An đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho xuất khẩu lại mặt hàng nếp không hạn chế số lượng, có mã số HS 1006.30, nhằm giải quyết xuất khẩu lượng tồn kho nếp trong các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp tục thu mua nếp trong nông dân với giá thu mua tốt hơn, bảo đảm mục tiêu duy trì sản xuất, tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, theo Công văn số 2237/BCT-XNK ngày 28/3/2020 của Bộ Công Thương báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho xuất khẩu gạo lại, trong đó có đề xuất trước tiên sẽ cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020. Tuy nhiên, Bộ Công Thương chưa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho xuất khẩu mặt hàng nếp với cơ chế xuất khẩu đặc biệt, không hạn chế số lượng.

Tại cuộc họp ngày 26/3/2020 do Thứ trưởng Bộ Công Thương chủ trì về họp bàn xuất khẩu gạo, tỉnh Long An và nhiều tỉnh, thành khác cũng có kiến nghị cho xuất khẩu nếp, vì mặt hàng trong nước sản xuất nhiều, nhất là tỉnh Long An và An Giang, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng trong nước rất ít.

Theo báo Long An, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 24 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. 

Tổng hợp kết quả xuất khẩu gạo và mức dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng sản lượng xuất khẩu 6 tháng trước đó của thương nhân (từ tháng 10/2019 đến 3/2020), tính đến thời điểm ngày 6/4, tổng sản lượng xuất khẩu của các thương nhân có kho trên địa bàn trong 6 tháng là 314.070 tấn và lượng dự trữ lưu thông của thương nhân không được bán ra là 26.204 tấn, chiếm 8,34%, vượt mức 5% theo qui định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP.

Ngoài ra, tồn kho thực tế của các thương nhân có kho trên địa bàn là 352.322 tấn lúa, gạo.

Về đề xuất cho phép xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng, đơn vị này cho biết sau khi tính toán kĩ để đảm bảo an ninh lương thực, Bộ đề xuất trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo.

Vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.

Bộ Công Thương cũng tính toán lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 khoảng 800.000 tấn. Lượng được phép xuất khẩu này giảm 40% so với cùng kì năm ngoái và giảm 35,7% so với cùng giai đoạn năm 2018.

Như Huỳnh