|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thép hôm nay 12/4: Tâm lý hồi phục cuối tuần

08:41 | 12/04/2025
Chia sẻ
Thị trường nhích nhẹ trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, giá sắt thép vẫn ghi nhận mức giảm mạnh trong tuần qua do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Giá sắt thép thế giới

Kết thúc phiên giao dịch 11/4, giá thép thanh kỳ hạn tháng 5 trên Sàn Thượng Hải tăng nhẹ 0,07% (2 nhân dân tệ/tấn) lên mức 3.044 nhân dân tệ/tấn. Tương tự, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn Đại Liên tăng 0,6% (4,5 nhân dân tệ) lên 753 nhân dân tệ/tấn, còn giá quặng trên Sàn Singapore giảm nhẹ 0,02 USD lên mức 97,12 USD/tấn.

So với cuối tuần trước, giá thép trên Sàn Thượng Hải, Đại Liên và Singapore giảm tương ứng 3,8%, 4,5% và 3,4%.

Giá thép thanh kỳ hạn tháng 5 trên Sàn SHFE. Nguồn: Barchart 

Giá quặng sắt ghi nhận mức giảm hàng tuần do căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm mờ đi triển vọng tiêu thụ. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã tăng thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu lên mức 125%.

Nhiều người e ngại căng thẳng Mỹ - Trung kéo dài sẽ tác động nặng nề tới thị trường sắt thép. Trong khi đó, theo các nhà phân tích của ANZ, căng thẳng thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và trong kịch bản xấu nhất, điều này có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Tình hình tiếp tục gây áp lực lên tâm lý thị trường kim loại nói chung, bất chấp một khoảng "thở phào ngắn" sau khi ông Trump bất ngờ tuyên bố tạm hoãn áp mức thuế cao trong vòng 90 ngày đối với các đối tác không trả đũa.

Tại Trung Quốc, theo Kallanish, nhà sản xuất thép hàng đầu Baosteel thông báo giữ nguyên giá bán đối với các sản phẩm thép dẹt trong nước vào tháng 5, tương đương với mức giá tháng 4.

Đây là tháng thứ hai liên tiếp công ty giữ nguyên mức chào giá. Quyết định này áp dụng cho tất cả các sản phẩm thép dẹt của Baosteel, bao gồm thép cuộn cán nóng, cán nguội và các sản phẩm có phủ lớp mạ.

Baosteel cũng giữ nguyên giá bán thép mạ kẽm nhúng nóng trong tháng 5, trong bối cảnh xu hướng hợp đồng tương lai HRC trên sàn SHFE biến động trái chiều, bị ảnh hưởng bởi nhu cầu thép nội địa yếu.

Hồi tháng 2, Baosteel từng nâng giá bán các sản phẩm thép dẹt trong tháng 3 thêm 100 nhân dân tệ/tấn (tương đương 14 USD/tấn) để đón đầu mùa cao điểm tiêu thụ.

Các nhà máy thép khác ở Đông Á, đặc biệt là tại Nhật Bản, vẫn chưa công bố kế hoạch giá bán tháng 5, và có khả năng sẽ theo sau Baosteel.

Vào cuối tháng 3, có 5 cơ quan chính phủ chủ chốt của Trung Quốc đã cùng ban hành một quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động xuất khẩu thép và tuân thủ luật thuế. Mục tiêu là hạn chế việc bán thép ra nước ngoài với mức giá quá thấp.

Cập nhật giá thép trong nước

Trước tác động từ căng thẳng thuế quan toàn cầu và của Việt Nam, ngày 12/4, giá thép xây dựng tại một số doanh nghiệp được điều chỉnh tăng.

Cụ thể, giá thép CB240 của Hòa Phát ghi nhận 13.550 đồng, tăng 20 đồng so với mức cũ 13.530 đồng, tương tự thép CB300 lên giá 13.600 đồng so với trước đây 13.580 đồng.

Tương tự, ở doanh nghiệp thép Việt Sing, giá thép CB240 ghi nhận 13.450 đồng, tăng 120 đồng, tương tự thép D10 CB300 báo giá lên 13.650 đồng.

Trong khi đó, thép Việt Đức tăng 60-70đ các loại, ghi nhận D10 C300 13.740 đồng, còn thép CB240 13.500 đồng.

Giá thép ghi nhận tới ngày /124/2025. Nguồn: SteelOnline.

 

Lan Hương