|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cao su hôm nay 12/4: Kết thúc một tuần giảm sâu 10% ở Thái Lan

08:56 | 12/04/2025
Chia sẻ
Thị trường cao su Thượng Hải và Thái Lan đều tăng trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, xu hướng chung của tuần này vẫn giảm rất mạnh trước tác động từ cuộc chiến thuế quan toàn cầu.

Cập nhật giá cao su thế giới

Kết thúc phiên giao dịch 11/4, tại Nhật Bản, giá cao su kỳ hạn tháng 4 giảm trở lại 0,9% (2,6 yên) về mức 296,5 yen/kg. Ở Trung Quốc, giá cao su tiếp tục tăng 1,9% (275 nhân dân tệ) lên mức 14.700 nhân dân tệ/tấn; trong khi tại Thái Lan, giá cao su kỳ hạn tháng 4 chỉ tăng nhẹ 0,2% (0,16 baht/kg) lên mức 72,63 baht/kg.

So với cuối tuần trước, giá cao su tại Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan thay đổi tương ứng -9,8%, -7,5% và -10,5%. Tâm lý thị trường được hỗ trợ bởi giá dầu thô và lo ngại về tình trạng thiếu nguyên liệu ở quốc gia sản xuất cao su tự nhiên, cùng với sự lạc quan ngày càng tăng về khả năng Trung Quốc đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế.

 Nguồn: Lan Hương tổng hợp từ Sở giao dịch Osaka và Hiệp hội cao su Thái Lan 

Trong một diễn biến khác, tại Campuchia, trong quý I/2025, xuất khẩu cao su của Campuchia đã mang lại hơn 116 triệu USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2024, theo Phnom Penh Post. Bên cạnh đó, nhu cầu về mủ cao su từ các nhà máy sản xuất lốp xe trong nước cũng tiếp tục tăng ổn định.

Trong tổng số đó, xuất khẩu mủ cao su chiếm 114,93 triệu USD, trong khi gỗ cao su mang lại 1,33 triệu USD. Năm 2024, mủ cao su xuất khẩu đạt 100,48 triệu USD, còn gỗ cao su chỉ đạt 355.694 USD.

Báo cáo cũng nêu rõ rằng trong quý I, giá trung bình của mủ cao su là 1.923 USD/tấn – tăng 474 USD, tương đương 32,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Ken Oudomonysinat, Tổng giám đốc công ty Sailun Tire Cambodia – một nhà sản xuất lốp xe đặt tại Khu Kinh tế Đặc biệt Sihanoukville – chia sẻ với tờ The Post rằng chỉ vài năm trước, ngành cao su Campuchia gần như hoàn toàn phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các công ty quốc tế xây dựng nhà máy lốp xe tại Campuchia đã dần thay đổi xu hướng này.

Ông tin rằng, do nhu cầu nội địa tăng cao, xuất khẩu có thể giảm đến một nửa trong tương lai gần nếu không có thêm đồn điền cao su mới được trồng. Tuy vậy, mức giảm này có khả năng được bù đắp bằng lượng xuất khẩu lốp xe thành phẩm tăng lên.

“Nhu cầu mủ cao su từ các nhà sản xuất lốp xe trong nước tiếp tục tăng. Riêng trong năm 2025, nhà máy của chúng tôi có thể cần khoảng 100.000 tấn mủ cao su trong nước, và các nhà máy khác cũng có thể có nhu cầu tương tự,” ông giải thích.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, để đảm bảo tính bền vững của thị trường xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu trong nước, Campuchia có thể cần mở rộng diện tích trồng cao su. Hiện tại, quốc gia này có sáu nhà máy sản xuất lốp xe đang hoạt động, cùng với một số nhà máy khác đang được xây dựng.

Cập nhật giá cao su trong nước

Trong nước, một số doanh nghiệp vẫn giữ giá cao su bình ổn. Cụ thể, Công ty Cao su Phú Riềng giữ nguyên giá thu mua mủ tạp ở mức 400 đồng/DRC, mủ nước là 440 đồng/TSC.

Tại Công ty Cao su Bà Rịa, giá thu mua mủ nước ở mức 462 đồng/độ TSC/kg (áp dụng cho độ TSC từ 25 đến dưới 30); mủ đông DRC (35 - 44%) ở mức 13.600đ/kg; mủ nguyên liệu dao động từ 16.900 - 18.200 đồng/kg.

Trong khi đó, Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua mủ nước khoảng 443 – 447 đồng/TSC, còn mủ đông tạp khoảng 406 - 461 đồng/DRC. Giá thu mua có hiệu lực từ ngày 14/3/2025.

Lan Hương