|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hết thời lao động giá rẻ, Việt Nam phải làm gì để tăng trưởng?

12:01 | 23/02/2024
Chia sẻ
Theo GS Trần Văn Thọ, cả tích lũy tư bản, cải tiến công nghệ và cải cách thể chế đều là những yếu tố quan trọng để tăng năng suất, tạo sức bật cho nền kinh tế khi đã qua thời kỳ dân số vàng.

Nhìn lại sự phát triển của Việt Nam tại"Toạ đàm đối thoại chính sách: 30 năm phát triển của Việt Nam: Nhìn lại quá khứ và ứng phó với thách thức mới” diễn ra ngày 22/2, GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản đánh giá, sau 30 năm đổi mới Việt Nam đã đạt những thành tựu lớn về tăng trưởng thu nhập nhanh, xóa đói giảm nghèo, giáo dục...

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu hút FDI và tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do. "Một số doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao của Việt Nam có thể kể đến như Vin Group, Viettel, FPT....Nhưng Việt Nam cần nhiều hơn thế", GS Trần Văn Thọ nói.

 Tỷ trọng đóng góp của công nghiệp vào GDP trong giai đoạn dân số vàng. (Nguồn: WB, GS Trần Văn Thọ tổng hợp).

Theo ông, từ thập niên 90 Việt Nam tăng trưởng đáng kể nhưng nền kinh tế lại chưa có được thời kỳ phát triển cao (tăng trưởng mỗi năm đạt 10% duy trì liên tục trong 10 năm). Đã vậy, ở trong giai đoạn dân số vàng mức độ công nghiệp hóa của Việt Nam cũng rất thấp, khu vực phi chính thức còn lớn và tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ quá nhiều. 

Cách vượt qua bẫy thu nhập trung bình

Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và duy trì tăng trưởng để đạt mức thu nhập cao vào năm 2045, GS Trần Văn Thọ cho rằng quan trọng nhất là cần tăng năng suất lao động.

Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, nhờ vào tác động của các nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lí hóa sản xuất, cải tiến quản lí, nâng cao trình độ lao động … 

Kết quả sản xuất có thể được chia thành ba phần: phần do vốn tạo ra; phần do lao động tạo ra; và phần do nhân tố tổng hợp tạo ra.

"Nhiều nhà kinh tế Việt Nam cho rằng muốn tăng năng suất lao động cần có sự dẫn dắt của công nghệ dẫn dắt. Nhưng tôi cho rằng TFP không chỉ liên quan đến công nghệ mà còn cần cải cách thể chế".

Kinh nghiệm Nhật Bản trong giai đoạn phát triển cao độ (1955 - 1973) cho thấy tích lũy tư bản và cải tiến công nghệ đều quan trọng và có tác dụng hỗ trợ, kích thích lẫn nhau. Tuy nhiên, cải cách thể chế sẽ làm cho việc sử dụng vốn và các yếu tố sản xuất khác có hiệu quả hơn từ đó năng suất lao động sẽ tăng.

Lợi thế của kinh tế Việt Nam giai đoạn trước là lao động giá rẻ, tuy nhiên theo quá trình phát triển, tiền lương tăng, lao động rẻ đã hết.

"Khi đó, chúng ta buộc phải chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên khu vực mang lại giá trị gia tăng cao hơn, có hàm lượng công nghệ, tư bản cao hoặc lao động trình độ cao. Nếu thất bại trong việc chuyển dịch này các nước này sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình", GS. Trần Văn Thọ cho hay.

Để tránh bẫy thu nhập trung bình Việt Nam cần có các chính sách công nghiệp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực có giá trị gia tăng cao, và nỗ lực trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. 

GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản. (Ảnh: BTC).

 

Trong quá trình theo kịp các nước thu nhập cao, chuyển dịch cơ cấu từ khu vực năng suất thấp đến khu vực năng suất cao là lực đẩy quan trọng nhất để tăng năng suất và duy trì cạnh tranh quốc tế. Để làm được điều đó cả tích lũy tư bản, tiến bộ công nghệ đều quan trọng.

Ngoài ra, cải cách thể chế liên quan đến thị trường các yếu tố sản xuất nhằm thúc đẩy sự phân bổ tư bản và lao động hiệu quả hơn, nỗ lực cung cấp lao động có kỹ năng cao, và tăng năng lực đổi mới sáng tạo là điều kiện thiết yếu để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu.

"Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự chuyển hoán cơ cấu và liên tục tăng năng suất sẽ làm cho Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Con đường lý tưởng cho tương lai là liên tục chuyển cơ cấu lợi thế so sánh lên cao hơn" GS. Thọ nói.

Đồng quan điểm, GS Kenichi Ohno, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) cũng chỉ ra các vấn đề của còn tồn tại của nền kinh tế Việt Nam là tăng trưởng đang chậm lại quá sớm khi thu nhập mới ở mức trung bình; Phụ thuộc nhiều vào FDI để xuất khẩu, công nghệ và chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Bên cạnh đó, sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam còn mờ nhạt, chậm trong việc xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, đặc biệt là mạng lưới đường sắt đô thị....Thiếu kỹ sư, nhà đổi mới và nhà khoa học có tay nghề cao; Năng suất lao động và TFP ở mức trung bình.

“Để đối phó với những vấn đề này, Việt Nam cần nâng cao năng lực lãnh đạo quốc gia và các nhà kỹ trị kinh tế. Cần tích cực thúc đẩy công nghệ, đổi mới sáng tạo và giảm sự quan liêu của bộ máy hành chính”, GS Kenichi Ohno khuyến nghị. 

Hạ An