|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

TikTok thà đóng cửa, không chấp nhận bán mình

15:20 | 28/04/2024
Chia sẻ
TikTok không chấp nhận bán mình bởi thuật toán của công ty - thứ được coi là tài sản bí mật khó có thể chia sẻ cho các bên mua lại.

Theo Reuters, ByteDance - chủ sở hữu của TikTok thà đóng cửa ứng dụng tại Mỹ còn hơn bán nó đi trong trường hợp công ty Trung Quốc này sử dụng hết các lựa chọn pháp lý để chống lại đạo luật cấm nền tảng chia sẻ video ngắn này hoạt động tại Mỹ.

Các nguồn tin cho biết thuật toán của TikTok được coi là cốt lõi cho hoạt động tổng thể của ByteDance, điều này sẽ khiến việc bán ứng dụng cùng với thuật toán trở nên khó xảy ra.

TikTok chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu và người dùng hoạt động hàng ngày của ByteDance, vì vậy công ty mẹ thà đóng cửa ứng dụng ở Mỹ trong trường hợp xấu nhất còn hơn bán nó cho một bên mua tiềm năng ở Mỹ.

Bên cạnh đó, nguồn tin cho biết đóng cửa TikTok ở Mỹ sẽ hạn chế tác động tới ByteDance, thay vì chia sẻ thuật toán. ByteDance từ chối bình luận về thông tin nói trên.

Trong một tuyên bố đăng trên nền tảng Toutiao của hãng, ByteDance cho biết họ không có kế hoạch bán TikTok. Đây là thông tin đáp lại bài báo của The Information cho biết ByteDance đang tìm hiểu việc bán mảng kinh doanh TikTok của Mỹ mà không có thuật toán đề xuất video cho người dùng TikTok.

 TikTok không chấp nhận bán mình. (Ảnh: Reuters).

Hôm 24/4, Giám đốc điều hành của TikTok, Chew Shou Zi, tự tin rằng công ty sẽ thắng kiện pháp lý trong việc ngăn chặn đạo luật cấm ứng dụng video ngắn hoạt động ở Mỹ.

Trước đó một ngày, dự luật này đã được Thượng viện Mỹ thông qua và đang chờ Tổng thống Joe Biden ký. Các nhà lập pháp Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của người Mỹ hoặc theo dõi cá nhân thông qua nền tảng.

ByteDance không công khai tình hình tài chính của công ty hay bất cứ công ty thành viên nào. Doanh thu của ByteDance chủ yếu đến từ Trung Quốc với các nền tảng như Douyin - phiên bản Trung Quốc của TikTok.

Theo một nguồn tin, Mỹ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của TikTok vào năm ngoái.Người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) của TikTok ở Mỹ cũng chỉ chiếm khoảng 5% tổng số DAU trên toàn thế giới của ByteDance, một nguồn tin cho biết.

Reuters đã phỏng vấn hơn nửa tá nhà đầu tư ngân hàng và họ đều đồng tình rằng rất khó để định giá TikTok so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Meta Platforms, Facebook và Snap do số liệu kinh doanh không được công bố.

Các nguồn tin cho hay doanh thu năm 2023 của ByteDance tăng lên gần 120 tỷ USD trong năm 2023. Năm 2022, con số này là 80 tỷ USD.

Thuật toán của TikTok được đánh giá tốt hơn các đối thủ của ByteDance như Tencent và Xiaohongshu. Các nguồn tin cho biết việc bán TikTok cùng với thuật toán là điều không thể vì giấy phép sở hữu trí tuệ được đăng ký dưới tên ByteDance ở Trung Quốc. Do đó, nó khó có thể tách rời khỏi công ty mẹ.

Hơn nữa, việc tách rời các thuật toán khỏi tài sản của TikTok ở Mỹ sẽ là một thủ tục cực kỳ phức tạp và ByteDance không cân nhắc tới phương án này.

Bốn nguồn tin cho biết ByteDance cũng sẽ không đồng ý bán một trong những tài sản giá trị nhất của mình cho các đối thủ cạnh tranh, ám chỉ thuật toán của TikTok.

Năm 2020, chính quyền Tổng thống Trump đã tìm cách cấm TikTok và WeChat do Trung Quốc sở hữu nhưng bất thành. Kể từ đó, ứng dụng video ngắn này đã phải đối mặt với lệnh cấm một phần và các nỗ lực cấm ở Mỹ và các quốc gia khác.

Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ việc "ép" ByteDacne thoái vốn khỏi ứng dụng TikTok hồi tháng 3 năm ngoái. "Trung Quốc sẽ kiên quyết phản đối (việc bán cưỡng bức TikTok)," một phát ngôn viên của Bộ Thương mại cho biết.

"Việc bán hoặc thoái vốn khỏi TikTok liên quan đến xuất khẩu công nghệ và phải trải qua thủ tục cấp phép hành chính theo luật và quy định của Trung Quốc", vị này nói thêm.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, vào năm 2020, nước này đã công bố Luật Kiểm soát Xuất khẩu và văn bản cuối cùng đã mở rộng định nghĩa về "hàng hóa kiểm soát" so với các dự thảo trước đó. Theo đó, việc xuất khẩu thuật toán, mã nguồn và dữ liệu tương tự phải tuân theo quy trình phê duyệt.

Bên cạnh thuật toán, các tài sản chính của TikTok bao gồm dữ liệu người dùng, hoạt động vận hành và quản lý sản phẩm.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin từng bày tỏ sự quan tâm đến việc tập hợp một nhóm nhà đầu tư để cố gắng mua TikTok. Các nguồn tin cho biết ByteDance có thể gặp khó khăn trong việc thu hút bất kỳ người mua nào cho tài sản của TikTok ở Mỹ ngoại trừ thuật toán.

ByteDance được hậu thuẫn bởi Sequoia Capital, Susquehanna International Group, KKR & Co. và General Atlantic cùng một số công ty khác. Tháng 12/2023, công ty được định giá 268 tỷ USD khi đề nghị mua lại khoảng 5 tỷ USD cổ phiếu từ các nhà đầu tư.

Thành Vũ

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.