|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những người thuộc nhóm 0,001% giàu nhất thế giới đầu tư vào đâu?

08:00 | 28/04/2024
Chia sẻ
Danh mục đầu tư của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao rất khác với người thường. Các chuyên gia cho biết những cá nhân này không lựa chọn tiền mã hóa và cũng ít khi nắm giữ cổ phiếu. Đối với họ, đẳng cấp của một người được xác định bằng cổ phần trong một đội thể thao.

(Hình minh họa: Getty Images). 

Những người siêu giàu có lối sống cực kỳ khác người thường. Chiến lược đầu tư của họ cũng vậy.

Ông Kevin Teng, CEO của WRISE Wealth Management Singapore, cho biết: “Tuy không có tiêu chuẩn chính thức, những cá nhân có tổng tài sản ròng trên 100 triệu USD thường được coi là đủ điều kiện để gia nhập câu lạc bộ 0,001%”. WRISE là công ty phục vụ cho những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao.

Theo dữ liệu của WRISE, thế giới có khoảng 28.420 cá nhân với tài sản ròng trên 100 triệu USD. Họ sống chủ yếu ở thành phố New York, vùng Vịnh San Francisco, Los Angeles, London và Bắc Kinh.

Chia sẻ với CNBC, ông Teng nói: “Những thành phố đó có cơ sở hạ tầng tài chính mạnh mẽ, hệ sinh thái doanh nghiệp sôi động và thị trường bất động sản sinh lời. Do đó, chúng là điểm đến hấp dẫn đối với giới siêu giàu”.

Và khi xem xét các khoản đầu tư, những cá nhân “giàu có cực độ” chọn lọc rất kỹ càng, ông Teng cho biết.

Ông Salvatore Buscemi, CEO văn phòng đầu tư gia đình Dandrew Partners, tiết lộ: “Người siêu giàu không đầu tư vào những sản phẩm hứa hẹn làm giàu nhanh chóng hay có tính thanh khoản thấp. Điều này có nghĩa là họ không thực sự mua bán cổ phiếu trên sàn. Họ thậm chí còn không đầu tư vào tiền mã hóa".

1. Bất động sản

Ông Busceimi cho biết danh mục đầu tư của người siêu giàu thường có “những bất động sản rất mạnh và ổn định”. Các cá nhân này bị thu hút bởi bất động sản hạng A “thể hiện địa vị của chủ nhân” hoặc những tài sản hạng đầu tư được xây dựng trong vòng 15 năm trở lại.

Ông Michael Sonnenfeldt, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của Tiger 21 - mạng lưới kết nối các doanh nhân và nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng cực cao – tiết lộ bất động sản đầu tư thường chiếm 27% danh mục của những cá nhân này.

Cảng Moncaco tại French Riviera. (Ảnh: Getty Images). 

2. Văn phòng gia đình

Ông Andrew Amoils, nhà phân tích tại New World Wealth, cho biết những người có trên 100 triệu USD thường để các văn phòng gia đình quản lý tiền của họ. Những văn phòng này xử lý mọi công việc của khách hàng, bao gồm tài sản thừa kế, phí sinh hoạt, thẻ tín dụng, tiền cấp cho vợ chồng, con cái,...

Ông nói thêm: “Các văn phòng gia đình thường có quỹ từ thiện và quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào các startup tăng trưởng cao”.

Kể từ năm 2019 đến 2023, số lượng văn phòng gia đình trên toàn thế giới đã tăng gấp ba lần. Ước tính, 4.500 văn phòng gia đình đang quản lý khoảng 6.000 tỷ USD tài sản.

3. Các khoản đầu tư thay thế

CEO Buscemi của Dandrew cho biết các cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao cũng cân nhắc phương án mua cổ phần trong các đội thể thao chuyên nghiệp. Ông lưu ý: “Đó là khoản đầu tư cực kỳ đặc biệt và để có được thì bạn cần nhiều thứ khác chứ không chỉ tiền”.

Ông giải thích rằng tính riêng biệt là sức hút lớn bởi người siêu giàu muốn hòa nhập với những người có địa vị tương tự. Ông cho biết sở hữu cổ phần trong một đội thể thao là cách để những cá nhân này khẳng định vị thế xã hội của họ.

Ông Buscemi nói: “Tại Mỹ, bạn được coi là quý tộc khi sở hữu một đội chơi trong giải bóng bầu dục quốc gia”. Chẳng hạn, tỷ phú Jerry Jones đã mua lại đội Dallas Cowboy vào năm 1989.

Tỷ phú Jerry Jones, chủ sở hữu đội bóng Dallas Cowboys. (Ảnh: Getty Images). 

CEO Kevin Teng của WRISE cũng lưu ý rằng so với người thường, các cá nhân trong nhóm 0,001% giàu nhất thế giới chú ý nhiều hơn đến chứng khoán trả thu nhập cố định, tín dụng tư nhân và các khoản đầu tư thay thế.

Tín dụng tư nhân là các khoản vay cấp cho những doanh nghiệp hoặc cá nhân gặp khó khăn trong việc tiếp cận tiền vay từ ngân hàng hoặc thị trường đại chúng. Các khoản đầu tư thay thế bao gồm khoản đầu tư mạo hiểm, bất động sản và quỹ đầu tư tư nhân.

Ông Teng bình luận: “Xu hướng trên phản ánh nhu cầu ngày càng lớn đối với các tài sản phi truyền thống có tính rủi ro và khả năng sinh lời đặc biệt”. 

Giang

Techcombank, MB, VietinBank dẫn đầu về độ chịu chi cho nhân viên 9 tháng đầu năm
9 tháng đầu năm 2024, Techcombank tiếp tục là ngân hàng chịu chi nhất cho nhân viên với mức bình quân gần 49 triệu đồng hàng tháng trong khi đó ACB đã vươn lên dẫn trước BIDV ở khoản mục này.