|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cần bao nhiêu tiền để lọt top 1% người giàu nhất thế giới?

17:03 | 06/03/2024
Chia sẻ
Để vào nhóm 1% người giàu nhất ở Mỹ, tài sản ròng của cá nhân cần phải đạt ít nhất 5,8 triệu USD. Nhưng nếu ở Trung Quốc, bạn chỉ cần 1,1 triệu USD là có thể gia nhập câu lạc bộ này.

 (Hình minh họa: Freepik). 

 

Câu lạc bộ 1%

Trang đầu của báo cáo The Wealth Report năm 2024 do tập đoàn Knight Frank thực hiện định nghĩa các cá nhân siêu giàu (UHNWI) là những người có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên.

Nhìn vào con số này, bạn nghĩ rằng những người thuộc top 1% giàu nhất thế giới có bao nhiêu tài sản? Ít hơn hay nhiều hơn hẳn 30 triệu USD?

Câu trả lời, đáng ngạc nhiên, là "ít hơn". Trên thực tế, gia nhập câu lạc bộ 1% người giàu có nhất thế giới lại dễ dàng hơn nhiều việc có được danh hiệu UHNWI.

 

Trong mọi quốc gia và vùng lãnh thổ mà Knight Frank phân tích, Monaco là quốc gia có yêu cầu cao nhất, nhưng cũng chỉ đòi hỏi các thành viên “câu lạc bộ 1%” có tài sản ròng từ 12,9 triệu USD trở lên.

Theo sau là Luxembourg và Thụy Sỹ, với tiêu chuẩn lần lượt là 10,8 và 8,5 triệu USD.

Điều đáng ngạc nhiên là Mỹ chỉ đứng thứ 4. Mỗi cá nhân cần có tài sản ròng đáp ứng ngưỡng 5,8 triệu USD là đã lọt vào top 1% người giàu nhất ở siêu cường số một thế giới.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Singapore là đất nước có tiêu chí khắt khe nhất - 5,2 triệu USD.

Các nhà nghiên cứu của Knight Frank chỉ ra rằng sự phân bổ của cải giữa các nước có sự khác biệt đáng kể. Những quốc gia nhỏ hơn thực chất lại có khuynh hướng có “chuẩn đầu vào” cao hơn đối với top 1% những người giàu nhất.

Của cải đến từ đâu?

Số lượng UHNWI trên toàn cầu năm 2023 là 626.619 người, cao hơn 4,2% so với năm trước đó.

Ở cấp độ khu vực, Bắc Mỹ là nơi có mức tăng UHNWI cao nhất - 7,2% trong năm 2023. Mỹ Latin là khu vực duy nhất chứng kiến số lượng các cá nhân siêu giàu sụt giảm.

Ở cấp độ các quốc gia đơn lẻ, Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu danh sách với số UHNWI tăng 10%, Mỹ đứng thứ hai với mức tăng trưởng 8%.

Của cải trên toàn cầu tăng thêm là nhờ vào đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới và sự phục hồi của thị trường chứng khoán.

Hầu hết các nền kinh tế lớn đều tránh được suy thoái trong năm 2023. GDP toàn cầu tăng 3,1% - rõ ràng không thể gọi là yếu kém. Dẫn đầu cuộc hồi phục kinh tế là các nền quốc gia mới nổi và châu Á. 

Nền kinh tế châu Âu gần như chững lại trong năm 2023, nhưng trong nhóm các quốc gia phát triển, Mỹ chứng tỏ được sức mạnh kinh tế nổi trội, một phần nhờ các biện pháp kích thích của chính phủ.

Thị trường chứng khoán toàn cầu có màn phục hồi ngoạn mục trong năm 2023 sau khi lao dốc nặng trong năm 2022. Trong nửa đầu năm, giá cổ phiếu tăng mạnh nhờ vào sự quan tâm của nhà đầu tư với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Sang nửa cuối năm, xu hướng này suy yếu nhưng thị trường vẫn có động lực đi lên nhờ lạm phát hạ nhiệt và kỳ vọng về các đợt cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương. Kết năm 2023, chỉ số S&P Global 100 tăng 25,4%.

Giá vàng tăng 15% và bitcoin nhảy vọt 155% trong năm 2023, lấy lại phần lớn mất mát trong năm 2022. Giá trái phiếu cũng có diễn biến khả quan trong ba tháng cuối năm 2023 nhờ tín hiệu giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Lĩnh vực bất động sản thương mại gặp khó khăn vì lãi suất cao, nhưng bất động sản dân cư bất ngờ tăng giá. Đối với các nhà đầu tư, lợi nhuận từ phân khúc bất động sản dân cư được thúc đẩy bởi việc giá cho thuê tại các thị trường cao cấp tăng mạnh hơn hẳn mức trung bình trong dài hạn.

Giang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.