|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia UOB: Ba yếu tố vĩ mô mới tác động đến Việt Nam năm 2024

17:15 | 29/01/2024
Chia sẻ
Các chuyên gia UOB chỉ ra ba yếu tố mới tác động đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2024 so với 2023 bao gồm: Xung đột Biển Đỏ, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và việc sửa đổi một số Luật quan trọng.

Tại báo cáo mới nhất, Ngân hàng UOB dự báo năm 2024, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức và bất lợi do những bất ổn và rủi ro phát sinh từ các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở những nơi khác trên thế giới, những tranh chấp địa chính trị giữa các cường quốc và môi trường lãi suất cao.

Những yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến kinh tế 2024

Theo các chuyên gia từ Ngân hàng này, so với 2023 có nhiều yếu tố mới tác động đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2024.

Đầu tiên là ảnh hưởng từ xung đột quanh khu vực Biển Đỏ, khu vực đang chiếm 12% thương mại toàn cầu với 17.000 tàu đi qua/năm. Cuộc xung đột này khiến các công ty vận tải toàn cầu phải định tuyến lại quanh Mũi Hảo Vọng, do đó kéo dài hành trình, gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển, làm cho chi phí giao hàng cao hơn và sự gián đoạn trong mạng lưới vận chuyển.

Điều này sẽ gây tổn hại không chỉ cho người tiêu dùng và người sử dụng cuối cùng, mà cả các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam, vì các đơn đặt hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ và chi phí cao hơn, và do đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Thứ hai là việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp đa quốc gia, có hiệu lực từ ngày 1/1. Theo ước tính, 122 công ty nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này, với mức tăng doanh thu thuế hàng năm là 14,6 nghìn tỷ đồng (601 triệu USD) cho nhà nước.

Với sự thay đổi này, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần tính đến chi phí thuế cao. Vì vậy, các doanh nghiệp FDI đang rất mong chờ các chính sách ưu đãi để bù đắp phần tăng thêm khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, chẳng hạn như giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh của Việt Nam như một điểm đến đầu tư.

Ở thời điểm hiện tại, triển vọng của Việt Nam được củng cố nhờ sự phục hồi nhu cầu ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, cũng như sự chuyển dịch chuỗi cung ứng phần lớn có lợi cho Việt Nam và các nước ASEAN khác.Tuy nhiên, nếu không có những chính sách tăng cường để thu hút FDI thế hệ mới, nguồn vốn đầu tư này có thể giảm sút.

Thứ ba là các yếu tố vĩ mô trong đó việc áp dụng nhiều bộ Luật quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi) hay Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). 

Về lãi suất, các chuyên gia UOB đánh giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phản ứng nhanh chóng vào đầu năm 2023 trước tình trạng suy thoái kinh tế và những thách thức với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp nhanh chóng. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6 năm 2023 khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,50%.

Với tốc độ phục hồi kinh tế tốt hơn vào năm 2024, khó có khả năng NHNN sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất.

"Vì vậy, chúng tôi cho rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%. Thay vì tiếp tục hạ lãi suất, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế mà một trong số đó tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối với doanh nghiệp", các chuyên gia từ UOB kiến nghị.

Một yếu tố vĩ mô nữa là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7. Việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng tạo khung pháp lý cho các khoản vay đặc biệt từ NHNN, bao gồm các khoản vay không lãi suất và các khoản vay không cần thế chấp.

Từ đó, NHNN có thể triển khai hoạt động thanh khoản khẩn cấp khi cần thiết, chẳng hạn như các trường hợp rút tiền hàng loạt tại ngân hàng. Điều này phản ánh động thái Chính phủ trong việc hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

UOB duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% cho năm 2024, nằm trong mục tiêu chính thức là 6,0-6,5%. Tuy nhiên, áp lực lạm phát sẽ tiếp tục tăng, CPI năm 2024 được dự báo sẽ tăng lên mức 3,7% từ mức 3,25% vào năm 2023.

Làm mới những động lực tăng trưởng

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB. (Ảnh: Nhadautu).

Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh trên, ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho rằng Việt Nam cần xây dựng những động lực tăng trưởng mới trên nền móng hiện tại, sau đó khiến nền móng vững hơn và tiếp tục đi lên. 

Trong đó, nâng cao giá trị gia tăng là một yếu tố rất quan trọng trong năng suất. Chính phủ cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng làm sao cải thiện chi phí, tăng năng suất thông qua đổi mới sáng tạo. 

Với lĩnh vực đầu tư, Việt Nam vẫn là quốc gia đang phát triển nguồn vốn không quá dồi dào nhưng lại có nhiều lĩnh vực phải đầu tư. Vì vậy, cần chọn ra những dự án đầu tư công ưu tiên về cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế... qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thu hút nguồn lực từ bên ngoài.

Cơ sở hạ tầng điện phải ổn định, vận tải đường bộ, đường hàng không phải phát triển, cố gắng giảm chi phí logistics. Bên cạnh đó, cũng cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

"Bởi vậy, Chính phủ phải có những kế hoạch dài hơi trong từng lĩnh vực, chẳng hạn như 5 năm, 10 năm hay 20 năm. Như tại Singapore, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch tới 30 năm, tầm nhìn dài hạn sẽ mang đến những thay đổi đồng bộ, tích cực trong tương lai", ông Suan Teck Kin nói.

Với ngành bán dẫn, Việt Nam đang ở những công đoạn có giá trị gia tăng thấp hơn của chuỗi sản xuất. Những  công đoạn có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao sẽ cần khoản đầu tư giá trị cao. Vì vậy, theo ông Suan Teck Kin, Chính phủ cần có sự hỗ trợ, chẳng hạn như chính sách thuế để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tới và đầu tư từ đó kết nối được với các doanh nghiệp trong nước. 

Với động lực từ xuất khẩu, đây là động lực quan trọng đối với tăng trưởng GDP trong nhiều năm qua nhưng cũng cần nghĩ đến việc đa dạng hóa thị trường bởi các thị trường truyền thống của Việt Nam đang giảm sút.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nên bất cứ vấn đề bất ổn nào xảy ra tại Mỹ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Vì vậy, muốn giữ vững đà tăng trưởng thì cần đa dạng hoá thị trường. Ngoài sản phẩm xuất khẩu chủ lực như: Linh kiện, điện thoại, thiết bị di động… Việt Nam cũng có tiềm năng phát triển những mảng khác như đồ nội thất hay nông sản.

Muốn gia tăng sức cạnh tranh với các mặt hàng này cần nâng cao sản lượng và giảm chi phí, chẳng hạn như cách Malaysia bán sầu riêng cho Trung Quốc. 

Cần đầu tư, nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp tốt hơn, có năng suất cao hơn và ưu tiên phát triển hạ tầng. "Đừng đánh giá thấp tiềm năng của nông nghiệp, nhiều bang tại Mỹ như California hay Florida hiện coi sản xuất nông nghiệp là trọng tâm phát triển. Lĩnh vực này cũng mang lại thành quả và đóng góp lớn cho nền kinh tế", Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho hay.

Hạ An

Những người thuộc nhóm 0,001% giàu nhất thế giới đầu tư vào đâu?
Danh mục đầu tư của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao rất khác với người thường. Các chuyên gia cho biết những cá nhân này không lựa chọn tiền mã hóa và cũng ít khi nắm giữ cổ phiếu. Đối với họ, đẳng cấp của một người được xác định bằng cổ phần trong một đội thể thao.