Hệ số vòng quay khoản phải thu (Receivable turnover ratio) là gì?
(Nguồn: blog.apruve.com)
Hệ số vòng quay khoản phải thu
Khái niệm
Hệ số vòng quay khoản phải thu hay Hệ số quay vòng các khoản phải thu, trong tiếng Anh là Receivable turnover ratio hay Accounts receivable turnover ratio.
Hệ số vòng quay khoản phải thu là một cách tính trong kế toán để kiểm tra độ hiệu quả của công ty trong việc thu hồi khoản phải thu và tiền nợ của khách hàng. Tỉ lệ này cho thấy mức độ hiệu quả của một công ty trong việc cấp tín dụng cho khách hàng của họ và khả năng thu hồi nợ ngắn hạn.
Công thức và cách tính hệ số vòng quay khoản phải thu
Hệ số vòng quay khoản phải thu = ( Doanh thu bán chịu ròng ) / ( Trung bình khoản phải thu )
Trong đó:
Trung bình khoản phải thu được tính bằng cách tính trung bình cộng của khoản phải thu đầu kì và khoản phải thu cuối kì.
Doanh thu bán chịu ròng được tính bằng cách lấy tổng doanh thu bán chịu trong kì trừ đi khoản doanh thu bán chịu đã được khách hàng thanh toán bằng tiền mặt.
Ý nghĩa của hệ số vòng quay khoản phải thu
Công ty có nhiều khoản phải thu cũng giống như cho khách hàng vay tiền mà không lấy lợi nhuận. Thường khi một công ty bán hàng cho một khách hàng, có thể kèm theo một điều khoản yêu cầu khách hàng thanh toán trong vòng 30 đến 60 ngày.
Hệ số vòng quay khoản phải thu giúp đánh giá khả năng thu hồi khoản phải thu của một công ty hay hiệu quả của việc cấp tín dụng hiện tại của công ty đó. Hệ số này cũng cho thấy số lần khoản phải thu được chuyển thành tiền mặt của một công ty. Hệ số khoản phải thu có thể được tính hàng năm, hàng quý hay hàng tháng.
Hệ số vòng quay khoản phải thu cao và thấp
Hệ số vòng quay khoản phải thu cao cho thấy khả năng thu hồi hiệu quả khoản phải thu và nợ từ khách hàng. Hệ số vòng quay khoản phải thu cao cũng có thể là dấu hiệu nhận biết một doanh nghiệp đang hoạt động chủ yếu dựa vào tiền mặt.
Hệ số vòng quay khoản phải thu cao cũng cho thấy công ty đang thận trọng trong việc cấp tín dụng cho khách hàng. Một chính sách tín dụng thận trọng có thể đem lại lợi ích vì nó giúp công ty phần nào ngăn ngừa rủi ro nợ khó đòi. Tuy nhiên, nếu quá thận trọng, công ty có thể khiến cho khách hàng tiềm năng rơi vào tay các công ty cạnh tranh có chính sách tín dụng mềm mỏng hơn.
Hệ số vòng quay khoản phải thu thấp cho thấy công ty có quy trình thu hồi kém, chính sách tín dụng không tốt hay những khách hàng của họ không có khả năng chi trả.
Thường thì một công ty có hệ số vòng quay khoản phải thu thấp nên sửa đổi lại chính sách tín dụng của mình để đảm bảo thời gian thu hồi tiền. Tuy nhiên, nếu một công ty đang có hệ số vòng quay khoản phải thu thấp chỉnh sửa hiệu quả lại quy trình thu hồi của mình, thì có thể sẽ xuất hiện dòng tiền lớn trong báo cáo tài chính từ việc thu hồi những khoản nợ tồn đọng cũ.
(Theo Investopedia)