|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hệ số hoạt động (Operating Ratio) là gì? Đặc điểm, công thức và hạn chế

11:27 | 13/06/2020
Chia sẻ
Hệ số hoạt động (tiếng Anh: Operating Ratio) cho biết hiệu quả quản lí của công ty bằng cách so sánh tổng chi phí hoạt động của công ty với doanh thu thuần.
Tỉ số hoạt động (Operating Ratio) là gì? Đặc điểm, công thức và hạn chế - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: eduCBA)

Hệ số hoạt động

Khái niệm

Hệ số hoạt động trong tiếng Anh là Operating Ratio.

Hệ số hoạt động cho biết hiệu quả quản lí của công ty bằng cách so sánh tổng chi phí hoạt động (Total operating expense) của công ty với doanh thu thuần.

Hệ số hoạt động cho thấy hiệu quả quản lí của một công ty trong việc giữ chi phí thấp trong khi vẫn tạo ra doanh thu hoặc doanh số. Hệ số hoạt động càng nhỏ thì công ty càng tạo ra doanh thu hiệu quả so với tổng chi phí.

Đặc điểm của Hệ số hoạt động

Công thức tính hệ số hoạt động là:

               Hệ số hoạt động = (Chi phí hoạt động + Giá vốn hàng bán) / Doanh thu thuần

- Từ báo cáo thu nhập của công ty, ta có được giá vốn hàng bán và tổng chi phí hoạt động.

- Chia tổng chi phí hoạt động và giá vốn hàng bán cho tổng doanh thu thuần, ta có được hệ số hoạt động.

Một số công ty bao gồm giá vốn hàng bán trong phần chi phí hoạt động trong khi các công ty khác liệt kê hai chi phí này riêng biệt.

Hệ số hoạt động cho biết điều gì?

Các nhà phân tích đầu tư có nhiều cách để phân tích hiệu suất công ty. Bởi tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi, một trong những cách phổ biến nhất để phân tích hiệu suất là đánh giá hệ số hoạt động.

Cùng với tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản trên tài sản (ROA) và tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), hệ số hoạt động thường được sử dụng để đo lường hiệu quả hoạt động của công ty.

Theo dõi hệ số hoạt động trong một khoảng thời gian là hữu ích để xác định xu hướng về hiệu quả hoạt động hoặc không hiệu quả của công ty.

Hệ số hoạt động đang tăng lên được xem là một dấu hiệu tiêu cực, vì điều này cho thấy chi phí hoạt động đang tăng lên so với doanh thu hoặc doanh số. 

Ngược lại, nếu hệ số hoạt động giảm, là chi phí giảm hoặc doanh thu tăng hoặc kết hợp cả hai. Một công ty có thể cần thực hiện kiểm soát chi phí để cải thiện tỉ suất lợi nhuận, nếu như hệ số hoạt động của công ty cứ tăng theo thời gian.

Các thành phần của Hệ số hoạt động

Chi phí hoạt động về cơ bản là tất cả các chi phí trừ đi thuế và các khoản thanh toán lãi vay. Ngoài ra, các công ty thường sẽ không bao gồm chi phí từ những hoạt động khác (Non-operating expense) trong hệ số hoạt động.

Chi phí hoạt động là chi phí liên quan đến việc điều hành doanh nghiệp không liên quan trực tiếp đến việc sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ.

Chi phí hoạt động bao gồm các chi phí chung như chi phí bán hàng, chi phí chung và chi phí quản lí.

Một ví dụ về chi phí chung có thể là chi phí thuê văn phòng công ty bởi vì mặc dù cần thiết, nhưng không trực tiếp gắn liền với sản xuất. Chi phí hoạt động có thể bao gồm:

- Phí kế toán và pháp lí

- Phí ngân hàng

- Chi phí bán hàng và tiếp thị

- Chi phí nghiên cứu và phát triển không dùng làm vốn

- Chi phí văn phòng phẩm

- Chi phí thuê văn phòng và các tiện ích

- Chi phí sửa chữa và bảo trì

- Chi phí tiền lương và tiền công

Chi phí hoạt động cũng có thể bao gồm giá vốn hàng bán (Cost of goods sold), là chi phí trực tiếp gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, hầu hết các công ty tách biệt chi phí hoạt động với giá vốn hàng bán. Do đó, hai chi phí phải được cộng lại với nhau để tạo thành tử số trong tính toán hệ số hoạt động.

Doanh thu hoặc doanh thu thuần là dòng trên cùng của báo cáo thu nhập và là số tiền mà công ty tạo ra trước khi trừ đi chi phí.

Tất cả các chi tiết đơn hàng này được liệt kê trên báo cáo thu nhập. Các công ty phải nêu rõ chi phí nào đang hoạt động và chi phí nào được chỉ định cho các mục đích khác.

Ví dụ về Hệ số hoạt động

Báo cáo thu nhập của Apple Inc. công bố ngày 29 tháng 12 năm 2018 có các số liệu như sau:

Apple đã báo cáo tổng doanh thu ròng là 84,31 tỉ USD trong giai đoạn báo cáo.

Tổng chi phí bán hàng (hay giá vốn hàng bán) là 52,28 tỉ USD trong khi tổng chi phí hoạt động là 8,685 tỉ USD.

Hệ số hoạt động = (52,28 tỉ USD + 8,70 tỉ USD) / 84,31 tỉ USD = 0.72 = 72%

Hệ số hoạt động của Apple bằng 72% có nghĩa là 72% doanh thu thuần của công ty là chi phí hoạt động.

Hệ số hoạt động của Apple phải được kiểm tra trong nhiều quí để biết được liệu công ty có quản lí chi phí hoạt động hiệu quả hay không.

Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể theo dõi riêng chi phí hoạt động và giá vốn hàng bán (hoặc chi phí bán hàng) để xác định xem chi phí có tăng hay giảm theo thời gian hay không.

Hạn chế của Hệ số hoạt động

Hạn chế của hệ số hoạt động là nó không bao gồm nợ. Một số công ty chấp nhận chịu một khoản nợ lớn, có nghĩa là họ chấp nhận trả các khoản thanh toán lãi vay lớn, không bao gồm trong chi phí hoạt động của hệ số hoạt động.

Hai công ty có thể có cùng hệ số hoạt động với mức nợ khác nhau rất lớn, vì vậy điều quan trọng là phải so sánh tỉ lệ nợ trước khi đưa ra bất kì kết luận nào.

Hệ số hoạt động phải được theo dõi qua nhiều kì báo cáo để xác định xem có xu hướng tồn tại hay không. Các công ty đôi khi có thể cắt giảm chi phí trong ngắn hạn, do đó làm tăng thu nhập của họ trong ngắn hạn.

Các nhà đầu tư phải theo dõi chi phí để xem liệu họ tăng hay giảm theo thời gian đồng thời so sánh các kết quả đó với hiệu suất của doanh thu và lợi nhuận.

So sánh hệ số hoạt động giữa các công ty khác trong cùng ngành là điều quan trọng. Nếu một công ty có hệ số hoạt động cao hơn so với mức trung bình của đối thủ, thì có thể cho thấy sự không hiệu quả.

Nên kết hợp hệ số hoạt động với những chỉ số khác để có thể đưa ra nhận định toàn diện hơn.

(Theo Investopedia)

Minh Hằng