|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hai nhà sáng lập startup làm tay robot: Người từng khởi nghiệp với mảng thời trang, người từng làm công tác giảng dạy

14:38 | 17/05/2021
Chia sẻ
Bà Trịnh Khánh Hạ, đồng sáng lập Vulcan Augmetics, từng khởi nghiệp và là cố vấn cho nhiều startup Việt Nam. Còn ông Rafael Masters tạo ra startup này khi đang làm trong ngành giáo dục, hiện ông vừa điều hành startup vừa là cố vấn tại đại học RMIT.

Vulcan Augmetics, một startup sản xuất tay robot cho người khuyết tật, vừa gọi vốn thành công tại chương trình Shark Tank Việt Nam với lời đề nghị 5 tỷ đồng cho 23% cổ phần từ bà Đỗ Thị Kim Liên, Nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm Lian.

Lời mời đầu tư gồm 13% cổ phần cùng với 10% là cổ phiếu ưu đãi kèm theo cam kết hoàn thành các thỏa thuận trong thời gian 1-3 tháng.

Theo trang tin Đổi mới sáng tạo, Vulcan Augmetics là một trong 7 dự án được Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp 2020 (SpeedUp 2020) của Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM ký hợp đồng hỗ trợ trong 6 tháng đầu năm 2020.

Vulcan cũng là quán quân giải thưởng doanh nhân cộng đồng Blue Venture Award năm 2018 và trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia vào vòng thi quốc tế The Venture tổ chức tại châu Âu năm 2019 và lọt vào top 10.

Trước khi lên sóng Shark Tank, startup này đã trải qua ba vòng gọi vốn với ba đơn vị khác nhau, tổng tiền nhận đầu tư là 180.000 USD. Trong đó, ở vòng gọi vốn gần nhất, Vulcan được định giá 1,4 triệu USD.

Các nhà sáng lập startup cánh tay robot Vulcan Augmetics là ai? - Ảnh 1.

Các nhà sáng lập startup cánh tay robot Vulcan Augmetics là ai? (Ảnh: Shark Tank).

Về hai nhà sáng lập Vulcan Augmetics xuất hiện trên sóng truyền hình, bà Trịnh Khánh Hạ  từng là ngời sáng lập startup Boss Lady trong lĩnh vực thời trang với mong muốn phụ nữ thể hiện suy nghĩ độc lập, tự do, kiểm soát ước mơ và số phận của mình qua gu thời trang.

Trong khi vẫn đang điều hành startup riêng, bà Khánh Hạ gặp gỡ ông Rafael Masters, nhà sáng lập chính kiêm CEO của Vulcan Augmetics, và cùng vận hành Vulcan từ tháng 5/2018. Sau đó, bà quyết định bỏ lại startup Boss Lady vào tháng 12/2018 sau đúng một năm vận hành để tập trung toàn lực vào Vulcan Augmetics cho tới nay.

Bà Khánh Hạ đồng thời làm cố vấn khởi nghiệp tại quỹ Hult Prize Foundation và được mời tham gia đào tạo về thuyết trình cho 16 startup tại Việt Nam, cố vấn cho 3 startup lọt vào vòng chung kết và giám khảo cho Bán kết khu vực của cuộc thi Hult Prize.

Trong khi đó, ông Rafael Masters, từng là giáo viên và làm việc trong lĩnh vực giáo dục từ năm 2008 tại TP HCM. Đồng thời, ông cũng thành lập Vulcan vào tháng 8/2017.

Sau này, ông rời khỏi công việc giảng dạy cũ để tập trung nhiều hơn cho startup có từ 11 đến 50 nhân viên của mình và gia nhập vào ban cố vấn ngành công nghiệp tại Đại học RMIT, TP HCM.

Chia sẻ trên Techfest Việt Nam 2020, bà Khánh Hạ cho biết lý do ông Masters sáng lập ra startup này là ông quan niệm công nghệ nên được áp dụng để giúp cho nhiều người nhưng ý tưởng cánh tay giả cho người khuyết tật lại chưa một ai thực hiện.

"Những người khuyết tật lẽ ra có thể được hỗ trợ để có một cuộc sống trọn vẹn hơn, một cuộc sống mà họ có thể tự tạo ra thu nhập cho chính bản thân họ", bà Khánh Hạ nói.

Các nhà sáng lập startup cánh tay robot Vulcan Augmetics là ai? - Ảnh 2.

Những người khuyết tật được lắp cánh tay robot của Vulcan Augmetics. (Ảnh: Vulcan).

Mô hình kinh doanh của Vulcan Augmetics hướng đến là sản phẩm bộ phận chi người có chất lượng tốt, có thể nâng cấp và tùy chỉnh nhưng đồng thời chi phí thấp nhất có thể. Cụ thể, các sản phẩm tay chân chức năng trên thị trường đều 100% ngoại nhập từ châu Âu, châu Mỹ, với giá từ 60 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi sản phẩm. 

Không chỉ giá cao, việc bảo trì, bảo hành cũng không dễ dàng vì hầu hết các sản phẩm đều nhập khẩu qua các nhà phân phối đơn lẻ, không có trung tâm tư vấn, bảo hành, sửa chữa nâng cấp tại Việt Nam. Vì vậy, Vulcan cho ra đời các sản phẩm và đang được bán trên thị trường với giá khoảng 1.000 USD (~23 triệu đồng), rẻ hơn khoảng 1/3 so với các sản phẩm khác.

Đối tượng khách hàng Vulcan nhắm tới là khoảng 8 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên tại Việt Nam, trong đó, 40% bị thất nghiệp. Và xa hơn là khoảng 57 triệu người khuyết tật tay, chân trên thế giới.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có ba trung tâm mang về cho Vulcan từ 1 – 2 khách hàng và công ty đang chỉ có khoảng 20 người dùng sản phẩm thực tế, các nhà sáng lập Vulcan cho biết trên Shark Tank.

Thực tế, các sản phẩm của họ vì mục tiêu cộng đồng nhưng không phải 100% từ thiện. Chia sẻ trên trang Đổi mới sáng tạo, bà Khánh Hạ mong muốn rằng sản phẩm tay Vulcan sẽ được sử dụng như một chiếc điện thoại hay đồng hồ thông minh tân tiến hơn là một vật mà người khuyết tật cảm thấy đó "tượng trưng cho sự thiếu thốn, sự thương xót từ cộng đồng".

Tường Vy