|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giữ giá heo trên 50.000 đồng/kg sẽ có nhiều rủi ro

15:51 | 17/10/2018
Chia sẻ
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Việt Nam, cho biết bài học giá heonăm 2017 cho thấy việc điều tiết của thị trường chưa thực sự hiệu quả. Nếu giữ giá heo trên 50.000 đồng/kg thì sẽ có nhiều rủi ro. Đặc biệt là các vấn đề về dịch bệnh, giá heo cao sẽ kích thích người chăn nuôi tăng và không có khả năng kiểm soát, nguy cơ giá giảm lặp lại như lịch sử.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nhận định sự phát triển của ngành chăn nuôi hiện nay có sự tham gia tích cực của người nông dân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là các tổ chức FDI.

“Hễ có doanh nghiệp lớn nào lớn nào đầu tư vào thức ăn chăn nuôi thì đều có Việt Nam. Rõ ràng Việt Nam có chính sách lớn để thu hút đầu tư trong ngành này”, ông Dương nhìn nhận.

Thông tin trên được ông Dương chia sẻ tại Hội thảo Áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt trong chăn nuôi trong chuỗi sự kiện Vietstock 2018 diễn ra chiều 17/10 tại TP HCM.

giu gia heo tren 50000 dongkg se co nhieu rui ro
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Việt Nam. (Ẩnh: Ánh Dương).

Bài học giá heo của Việt Nam

Ông Dương cho biết, hiện gần như 100% đơn vị đầu tư cho chăn nuôi đều là doanh nghiệp tư và các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa. Như vậy ngành chăn nuôi Việt Nam đã hình thành nền tảng hệ thống hạ tầng, các doanh nghiệp, hiệp hội, hộ chăn nuôi đều đầu tư phát triển.

Năm 2017, Việt Nam gặp khó khăn trong chăn nuôi heo, chưa bao giờ giá thịt heo xuống sâu và lâu như vậy, có những lúc xuống 20.000 – 25.000 đồng/kg trong khi giá thành từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Tính cả năm 2017, chăn nuôi heo của Việt Nam lỗ lên đến 100.000 tỷ đồng.

Ông Dương nhìn nhận, đây là con số không hề nhỏ nhưng Việt Nam đã vượt qua bằng chính khả năng của mình. Bằng các chính sách để giảm cung tăng cầu, ngày 28/4/2017, phát động chương trình cả nước chung tay, chia sẻ khó khăn giúp người chăn nuôi vượt qua, ổn định phát triển. Chỉ sau một năm, ngành chăn nuôi Việt Nam lấy lại sự cân bằng và liên tục tăng từ tháng 4 đến nay.

Hiện giá heo đã cán đích tại 50.000 đồng/kg vào tháng 6 – 8; đến tháng 9 – 10, giá heo xoay quanh 49.000 – 50.000 đồng/kg ở miền Bắc, từ 50.000 – 51.000 đồng/kg ở miền Trung, từ 51.000 – 52.000 đồng/kg ở phía Nam, ông Dương thông tin.

Theo ông Dương, quản lý kinh tế thị trường lúc lên lúc xuống, do đó phải chấp nhận việc bị đào thải. Thế nhưng, cần phải thấy Việt Nam có những chính sách đặc biệt để phục hồi giá heo thời gian qua.

Đại diện Cục chăn nuôi cho hay, Trung quốc mất ba năm để lấy lại cân bằng giá, trong khi Việt Nam chỉ mất một năm. “Thái Lan và Trung Quốc không hiểu tại sao Việt Nam làm được. Người người ăn thịt heo, mua thịt heo chia cho người dân, chia sẻ cho người chăn nuôi heo gặp khó khăn, chúng ta có những chính sách đặc thù riêng đối với nền kinh tế thị trường hiện nay”, ông Dương nói.

Cách đây 10 ngày, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã họp mặt với 12 Doanh nghiệp có thị phần chăn nuôi chi phối tại Việt Nam nhằm bàn về việc giảm giá heo Việt Nam xuống.

Tại cuộc họp, ông Dương cho hay, các doanh nghiệp cho rằng giá heo nên để kinh tế thị trường điều tiết. Tuy nhiên, theo ông Dương, bài học giá heo năm 2017 cho thấy việc điều tiết của thị trường chưa thực sự hiệu quả. Nếu giữ giá heo trên 50.000 đồng/kg thì sẽ có nhiều rủi ro. Đặc biệt là các vấn đề về dịch bệnh, giá heo cao sẽ kích thích người chăn nuôi tăng và không có khả năng kiểm soát, nguy cơ giá giảm lặp lại như lịch sử, ông Dương giải thích.

Sản phẩm đạt chuẩn GAHP vẫn chưa được đối xử khác biệt trên thị trường

Năm 2018, chăn nuôi Việt Nam được mùa, được giá ở nhiều sản phẩm như giá bò, heo, gia cầm, sữa. Tuy nhiên, ngành vẫn còn những tồn tại như năng suất chưa cao, chất lượng chưa ổn định, an toàn thực phẩm chưa hoàn toàn kiểm soát.

Ông Dương cho hay, rủi ro an toàn trong sản phẩm chăn nuôi chúng ta rất lớn, người chăn nuôi chưa hoàn toàn tin tưởng. Ông nhắc lại lịch sử năm 2006 – 2008, Việt Nam bắt đầu xuất hiện chất cấm, sau khi tăng cường kiểm soát thì giảm và không còn. Nhưng đến năm 2012 chất cấm xuất hiện trở lại, mỗi tháng ngành chăn nuôi mất 2.000 – 3.000 tỷ đồng do giá heo giảm. Sau khi tăng cường kiểm soát, chất cấm giảm.

Đến giai đoạn 2015-2016, tình trạng sử dụng chất cấm như Salbutamol (chất tạo nạc) trở nên báo động, đặc biệt là tại các tỉnh thành nuôi heo lớn như Đồng Nai, TP HCM. Khi đó, công an và nhiều Bộ ngành đã phải vào cuộc để xử lý.

Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam không pháy hiện tình trạng sử dụng chất cấm. Tuy nhiên, đây chưa phải là tuyệt đối, bởi nguy cơ sử dụng chất cấm, kháng sinh vẫn tồn tại, ông Dương cho hay. 

Để có quy trình chăn nuôi tốt nhất, không sử dụng kháng sinh, chất cấm mà chất lượng vẫn đảm bảo, Việt Nam đã ban hàng quy trình chăn nuôi theo chuẩn VietGAHP. Song mức độ áp dụng còn thấp, ông Dương cho biết: “Bởi thói quen canh tác, chăn nuôi không thể thay đổi một sớm một chiều”.

Bên cạnh đó, ông Dương cho rằng, áp dụng chuẩn GAHP sẽ phát sinh nhiều chi phí trong hoạt động quản lý chăn nuôi, trong khi cách đối xử giữa sản phẩm có GAHP hay không có GAHP trên thị trường không có khác biệt, điều này khó tạo động lực cho việc áp dụng.

“Sản phẩm VietGAHP phải được bán giá tốt hơn, được người tiêu dùng chấp nhận hơn thì sẽ là động lực để người chăn nuôi thực hiện”, ông Dương nói.

Hiện VietGAHP không phải là quy phạm pháp luật, việc thực hiện trên tinh thần khuyến khích, và chỉ có GAHP mới kiểm soát được dịch bệnh, an toàn thực phẩm và mang lại hiệu quả chăn nuôi tốt. “Tôi tin một ngày không xa, nhiều người chăn nuôi sẽ áp dụng tiêu chuẩn GAHP, nhiều doanh nghiệp sẽ ký với các hộ chăn nuôi dựa vào quy trình GAHP. Bởi không ai quản lý chăn nuôi tốt bằng chính người chăn nuôi”.

Xem thêm

Ánh Dương