|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giám đốc Shark Tank: Có được cái bắt tay của 'cá mập' trên TV cũng là một phần thưởng đối với startup

11:24 | 24/05/2022
Chia sẻ
Chủ đề tranh luận trong nhiều ngày vừa qua là việc Shark Tank Việt Nam mùa 4 giải ngân vốn chỉ bằng 10% so với thực tế trên sóng truyền hình và đại diện của chương trình đã đưa quan điểm riêng.

 Giám đốc sản xuất chương trình Shark Tank Việt Nam, bà Lê Hạnh. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Mới đây, bà Lê Hạnh, Giám đốc sản xuất của chương trình Shark Tank Việt Nam đã lên tiếng sau khi dư luận nổi sóng tranh luận về nguồn vốn rót thực tế của chương trình cho các startup trong mùa 4.

Với cương vị là đại diện chương trình, cũng như là mentor cho các nhà khởi nghiệp, bà Lê Hạnh cho rằng: "Năm 2018, Shark Tank Úc cũng chỉ rót vốn cho 4 startups/27 TV Deals. Shark Tank Mỹ có tỷ lệ rót vốn cao nhất thế giới - 47% đầu tư. Lý do thành công cao: gọi vốn ít, tỷ lệ phần trăm hợp lý, startup biết người biết ta".

Giám đốc sản xuất của chương trình giải thích nếu theo format chương trình thì cái bắt tay giữa shark và startup trên TV là để bắt đầu tìm hiểu nhau, hay còn gọi là Due Dilligence (thẩm định doanh nghiệp - PV).

"Nếu bạn nghĩ bắt tay là đưa tiền thì bạn đang lầm tưởng. Có được cái bắt tay của Shark trên TV cũng là một phần thưởng đối với startup rồi. Báo chí đăng tin, nhân viên tự hào, đối tác chúc mừng, khách hàng tin tưởng… mất gì mà không bắt tay cái nào?" bà Hạnh nêu quan điểm.

Vị mentor cho rằng đời startup là gọi vốn không phải một vòng mà nhiều vòng và không có trường lớp nào bằng thực chiến. Bà Hạnh khuyên startup hay cố gắng đạt được cái bắt tay với shark trên sóng truyền hình.

"Sau mỗi cuộc thẩm định bạn sẽ có thêm trải nghiệm và full fill (hoàn thiện - PV) được skill set (bộ kỹ năng - PV) làm việc với nhà đầu tư", Giám đốc sản xuất Shark Tank cho biết.

Về ý kiến ý tưởng dễ bị sao chép khi lên truyền hình, bà Lê Hạnh thẳng thừng nhận xét: "Ý tưởng mà dễ sao chép thì chỉ đáng giá 1 đô la. . Không nghĩ đến cái được chỉ sợ mất thì chỉ có khởi nghiệp trong bóng tối".

Theo vị mentor này, startup lên Shark Tank gọi vốn là đang ở các giai đoạn thâm nhập thị trường (go to market), mở rộng tăng trưởng (scale-up, growth hack) nên không cần phải sợ mất ý tưởng.

Về lý do số tiền vốn thực tế rót xuống startup ở Shark Tank Việt Nam mùa 4 ít hơn so với cam kết trên sóng, bà Lê Hạnh cho biết ngay sau phát sóng mùa 4 là thời điểm dịch bệnh COVID-19 ập đến nhưng nguồn vốn đầu tư vẫn được rót cho startup, bên cạnh đó là những giá trị khá ngoài tiền khi được làm việc với shark.

"Sau 3 mùa rót vốn dường như các Shark cũng thay đổi chiến thuật: không đầu tư dàn trải mà chọn mặt gửi tiền. Số tiền đã giải ngân hơn 1 triệu USD cho 5 startup, tuy ít hơn các mùa trước khoảng 43% so với TV deals nhưng cũng ko phải là quá ít", bà Lê Hạnh nêu quan điểm.

Một startup từng gọi vốn thành công trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4 là Cuccu.vn (Shark Liên) cũng đã lên tiếng ủng hộ chương trình. "Không phải cứ lên truyền hình là được đầu tư... Trên truyền hình một vài tiếng chưa đủ cho nhà đầu tư và startup hiểu kỹ về nhau. Khi chưa hiểu kỹ về nhau, việc đầu tư không những không thuận lợi mà đôi khi thành rào cản. Giống như việc chưa yêu kỹ đã cưới, dẫn tới ly hôn không được, ở với nhau cũng không xong", ông Đỗ Thắng, CEO Founder Cuccu.vn nêu quan điểm. 

CEO Cuccu.vn cho rằng chương trình Shark Tank đã giúp cổ động phong trào startup đang diễn ra mạnh mẽ, giúp các nhà đầu tư, startup có cơ hội tiếp cận với nhau , đồng thời giúp startup tự tin đứng trước ống kính, đồng thời nhận được hiệu ứng truyền thông.

"Cá nhân mình cũng đã thuyết trình tốt và nhận được deal từ shark Liên, bên shark Liên cũng rất nhiệt tình triển khai thẩm định. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc mình nhận thấy Cuccu cần thêm thời gian để thực sự sẵn sàng đón nhận sự hỗ trợ lớn này", CEO Đỗ Thắng chia sẻ. Ở mùa 4, Cuccu đã thuyết phục Shark Liên với deal 3 tỷ cho 12% cổ phần.

Shark Tank Việt Nam mùa 5 sẽ được lên sóng vào giữa tháng tới nhưn hiện mới chỉ có 4 startup/35 deal của mùa 4 được thực rót vốn. 4 startup được rót vốn gồm Vua Cua (Shark Liên), Coolmate (Shark Bình), BluSaigon (Shark Việt), và AnHome (Shark Phú) với tổng vốn thực rót hơn 21 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% so với cam kết trên truyền hình là hơn 200 tỷ đồng.

Theo ban tổ chức chương trình, Shark Hưng đã đầu tư và đang mentor cho startup Cello Fundamentor. Một số thương vụ vẫn đang tiếp tục thẩm định như Global Star 3D (Shark Hưng), WiiBike (Shark Phú)…

Doanh Chính