Giá xăng tăng kéo doanh thu hàng hóa sụt giảm
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2022 tại TP HCM đạt 89.093 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tính chung hai tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 177.803 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải nguyên nhân tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn giảm, các đơn vị sản xuất kinh doanh tại TP HCM cho rằng, giá xăng, dầu điều chỉnh tăng liên tục đã tác động mạnh đến sức mua trên thị trường hàng hóa tiêu dùng.
Đặc biệt, mới đây giá xăng, dầu tăng đạt mức kỷ lục sau 6 lần điều chỉnh giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến bài toán chi tiêu hàng ngày của người dân.
Điển hình, trong tháng 2/2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 53.079 tỷ đồng, chiếm 59,6% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, giảm 3,1% so với tháng trước. Trong tháng, gần như các nhóm ngành hàng của hoạt động bán lẻ đều có doanh thu giảm so với tháng 1/2021 (trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022).
Chỉ riêng một số mặt hàng có doanh thu tăng so với tháng trước là vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 8,3% do học sinh, sinh viên trở lại trường học trực tiếp. Ngoài ra, nhóm mặt hàng đá quý, kim loại quý cũng tăng 4,8% so với tháng trước do biến động giá vàng trong thời gian qua, cũng như do nhu cầu mua sắm của người dân tăng vào Ngày vía Thần Tài 2022.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, anh Hùng Cường, chủ cửa hàng kinh doanh nhu yếu phẩm trên đường Phan Văn Lưu, quận Phú Nhuận, TP HCM đánh giá sức mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu từ khi ra Tết đến nay khá yếu và không khí bán buôn cũng kém sôi động.
Tại cửa hàng chỉ có một số mặt hàng như gạo, dầu ăn, nước mắm; sản phẩm diệt khuẩn, vệ sinh nhà cửa... đắt hàng, còn nhiều nhóm hàng khác hầu như số lượng bán ra rất ít.
Tương tự, chị Minh Anh, tiểu thương chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết, giá xăng, dầu tăng kéo theo giá vận chuyển, giao hàng tăng, nhưng hoạt động kinh doanh lại không khả quan trong những tháng gần đây. Hiện số lượng hàng hóa bán ra giảm 30%-50% so với những tháng cuối năm 2021.
Ghi nhận ý kiến một số đơn vị sản xuất kinh doanh khác trên địa bàn TP HCM cũng cho hay, người dân có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm nên chủ yếu mua sắm những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đồng thời chỉ mua sắm đủ dùng, chứ không có tâm lý mua dự trữ như trước đây.
Chính vì vậy, những nhóm ngành hàng như lương thực, thực phẩm, rau củ, quả, trái cây; gạo, mì gói... vẫn duy trì được doanh thu, nhưng một số sản phẩm như bia, nước giải khát, bánh, kẹo... gần như sụt giảm doanh thu ngay sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Ở góc độ người tiêu dùng, bạn Việt Tiến, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, TP HCM cho hay, là sinh viên năm nhất mới vào TP HCM nhập học trực tiếp sau thời gian học trực tuyến, do đó giá cả xăng, dầu và hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có xu hướng tăng nên cũng gây áp lực lên kinh tế gia đình.
Để tiết kiệm chi tiêu hàng ngày, hầu hết sinh viên đều ưu tiên lựa chọn di chuyển bằng xe buýt vì có trợ giá, đồng thời áp dụng phương thức "ăn chung" nhằm tiết kiệm điện, nước, gas...
Trong khi đó, nhiều bà nội chợ tại TP HCM chia sẻ bí quyết tiết kiệm trong bối cảnh giá cả thị trường có xu hướng tăng bằng cách mua sắm ở những kênh bán lẻ có khuyến mãi, giảm giá và ưu đãi cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng thông minh cần chú trọng "săn" hàng khuyến mãi, giảm giá, nhưng phải tập trung vào nhóm ngành hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho gia đình, chứ không phải sản phẩm nào có giá ưu đãi cũng mua sắm.
Để hỗ trợ người tiêu dùng, cũng như kích cầu thị trường bán lẻ, tất cả trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... kinh doanh đa dạng ngành hàng đều triển khai luân phiên những chương trình giảm giá, khuyến mãi, tạo điều kiện mua sắm tiết kiệm cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào giảm giá, khuyến mãi cũng thu về doanh thu cao, mà chỉ những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu mới bán được hàng.
Khảo sát thực tế tại Co.opXtra Phạm Văn Đồng, thành phố Thủ Đức, TP HCM cho thấy, các hoạt động kích cầu tiêu dùng tập trung vào một số nhóm ngành hàng như thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau củ, quả; quần áo thời trang, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm...; trong đó, những sản phẩm thuộc những nhóm ngành hàng này được áp dụng mức giảm giá từ 5%-30%, tùy theo chủng loại hàng hóa.
Cụ thể, rau xà lách mỡ 22.000 đồng/kg, cải thìa 14.500 đồng/gói; tương ớt Nam Dương pet 250g 9.500 đồng/sản phẩm, mì Deuchi H.F 200g 12.700 đồng/sản phẩm... Cùng với đó, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cũng đang thực hiện chương trình giải cứu nông sản với giá tốt, nên người tiêu dùng có thể mua sắm đa dạng mặt hàng trái cây với giá ưu đãi như dưa hấu, thăng long, bưởi...
Còn tại trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... như LOTTE Mart, MM Mega Maket, Big C, Aoen Mall... cũng đang tung ra chương trình chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ - Ngày 8/3, với hoạt động ưu đãi cho phong phú ngành hàng. Đồng thời, các nhà bán lẻ cũng song song chạy chương trình "Giá sốc" theo ngày để thu hút người tiêu dùng mua sắm và nâng cao doanh thu các ngành hàng.
Mặc dù, các đơn vị sản xuất kinh doanh đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc bình ổn thị trường giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhưng trước tác động của giá xăng, dầu tăng đã gây ra nhiều thách thức không nhỏ. Theo tính toán của doanh nghiệp, vào thời điểm này giá xăng, dầu đã tác động đến sản xuất và giá cả nguyên vật liệu đầu vào đáng kể.
Theo phân tích của ông Đoàn Văn Nam, Phó giám đốc Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec), chi phí xăng, dầu tác động đến chi phí logistics và nguyên vật liệu đầu vào sản xuất; trong đó, một số nguyên vật liệu nhập khẩu như dầu cọ, bột lòng trắng trứng gà... đã tăng mạnh ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải có giải pháp cân chỉnh với đối tác và chia sẻ trong giai đoạn khó khăn này.
Liên quan đến vấn đề điều chỉnh giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại TP HCM cũng cho thấy quan điểm đồng hành với người tiêu dùng chia sẻ cùng nhau vượt qua thời điểm biến động thị trường.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ... cũng chủ động làm việc, đàm phán với đối tác, nhà cung cấp và chuỗi cung ứng để bình ổn giá thành sản phẩm và hạn chế tối đa tăng giá trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của người dân.