Giá xăng dầu liên tục phá đỉnh, Bộ Tài chính tính đến phương án giảm thuế môi trường
Ở kỳ điều hành ngày 1/3, giá xăng dao động 26.077 - 26.834 đồng/lít, giá dầu khoảng 18.468 - 21.310 đồng/lít, kg; mức giá cao nhất trong khoảng 8 năm trở lại đây.
Trước áp lực của giá xăng dầu lên giá cả hàng hóa, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân thì phương án giảm thuế được Bộ Tài chính tính đến, theo Vietnamnet.
Theo đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến đề xuất về việc điều chỉnh Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị đánh giá kết quả thực hiện Luật thuế Bảo vệ môi trường trong 10 năm qua, kể từ ngày 1/1/2012 với các tiêu chí như góp phần hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích việc sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường...
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá mức độ phù hợp của khung và mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành đến mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hàng hóa đang thuộc đối tượng chịu thuế để kiến nghị sửa đổi, bổ sung khung, mức thuế cho phù hợp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính của chất thải hoặc sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường để có ý kiến đề xuất, bổ sung đối tượng chịu thuế và biểu khung thuế bảo vệ môi trường, từ đó đề xuất sửa đổi Luật Thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp.
Chia sẻ với báo Sài Gòn Giải phóng, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc giảm thuế xăng dầu ở thời điểm này "cần nhưng chưa đủ".
Bởi, ở khía cạnh vĩ mô, việc giảm thuế xăng dầu sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, giảm khả năng chi tiêu của Chính phủ cho các mục tiêu hồi phục và phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và hỗ trợ an sinh xã hội, giúp đỡ những nhóm lao động yếu thế trong xã hội.
Do vậy, việc giảm thuế xăng dầu chỉ nhằm hỗ trợ hồi phục kinh tế là chính sách trong giai đoạn trước mắt. Còn thuế là chính sách dài hạn, cần sự ổn định trong thời gian nhất định.
Mặt khác, để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế, chỉ giảm thuế xăng dầu thôi chưa đủ. Quan trọng vẫn cần có các biện pháp hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mức độ, đúng thời gian, góp phần giảm bớt các khó khăn cho các chủ thể trong giai đoạn hồi phục kinh tế.
Chính phủ cần xem xét việc miễn, giảm các chi phí về kiểm định, xe lăn bánh, logistics, kho bãi, bến cảng, điểm đỗ, sân bay… Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để ổn định thị trường.
Ngoài ra, ông Thịnh cho rằng bản thân các doanh nghiệp cũng cần tính toán đưa chi phí xăng dầu vào hàng hóa, dịch vụ của mình. Nhà nước rất khó giảm giá xăng dầu theo yêu cầu của một số cá nhân và doanh nghiệp.
Bởi vì "nước nổi bèo nổi", giá xăng dầu Việt Nam phụ thuộc vào giá thế giới và phải điều chỉnh theo sự biến động của giá xăng dầu thế giới. Việt Nam đã đi theo nền kinh tế thị trường nên tất yếu thị trường xăng dầu cũng cần thực hiện theo các yêu cầu của kinh tế thị trường.