|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu tăng sốc, doanh nghiệp vận tải, sản xuất 'thấm đòn'

07:48 | 25/02/2022
Chia sẻ
Giá xăng dầu tăng "nằm ngoài dự tính" đang tác động trực tiếp đến khả năng phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành vận tải, logistics. Còn với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có nguy cơ hòa hoặc lỗ vốn khi giá xăng dầu đẩy chi phí logistics, nguyên liệu lên cao.

Doanh nghiệp vận tải sống mòn, sản xuất có nguy cơ lỗ vốn

Mới hoạt động được vài tháng trong trạng thái "bình thường mới", doanh nghiệp vận tải hành khách chưa kịp lấy lại phong độ, lượng khách đã phải đối mặt với việc giá xăng dầu tăng đỉnh trong 8 năm.

Hiện, giá xăng đang dao động 25.532 - 26.287 đồng/lít, tăng 52 – 56% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, giá dầu cũng tăng 42 – 64%, dao động 17.932 - 20.801 đồng/lít, kg. Mức giá này đang một lần nữa thách thức sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Cụ thể, ở thời điểm này một xe Ford 16 chỗ bơm 70 lít dầu diesel cần gần 1,5 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021, số tiền này chỉ hơn 900.000 đồng.

Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên cho biết giá xăng dầu càng tăng, doanh nghiệp càng lỗ nặng vì mặt hàng này chiếm 40% chi phí của mỗi chuyến xe.

"Dù doanh nghiệp chạy xe xuyên Tết, trừ mùng 1 nhưng lượng khách đi xe rất ít vì COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh. Hiện, công suất hoạt động của đội xe chỉ được 50%, thậm chí có nhiều chuyến xe chỉ "chở gió".

Dù không có lãi, thậm chí lỗ nhưng chúng tôi vẫn cố gắng cầm cự để khách hàng biết nhà xe vẫn hoạt động", ông Xuyên nói.

Giá xăng dầu phi mã nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19, một mét đất, ba nhà xe thì chuyện tăng giá vé ở thời điểm này sẽ là bài toán khó cho các doanh nghiệp vận tải hành khách như Phúc Xuyên. Nguồn thu eo hẹp trong khi hàng tháng doanh nghiệp vẫn phải gánh chi phí bảo dưỡng xe, bến bãi, lương nhân viên…

Giá xăng dầu tăng sốc, doanh nghiệp vận tải, sản xuất 'ốm đòn' - Ảnh 1.

Doanh nghiệp vận tải chưa kịp phục hồi đã vấp phải cú sốc giá xăng dầu. (Ảnh: TTXVN)

Dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp như doanh nghiệp vận tải, logistics nhưng giá xăng dầu tăng cũng khiến các công ty xuất khẩu hàng dệt may chịu thiệt hại không nhỏ.

Chia sẻ về điều này, ông Phạm Văn Việt, TGĐ Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết giá xăng dầu tăng ảnh hưởng tới chi phí xuất khẩu, đội giá nhập khẩu nguyên liệu.

"Ngay từ trước Tết, doanh nghiệp đã ký hợp đồng đến tháng 9 và chốt xong giá sản phẩm. Khi đàm phán hợp đồng, VitaJean đã tính tới những yếu tố như giá xăng dầu, nhân công, nguyên vật liệu... song việc giá xăng dầu tăng đỉnh nằm ngoài dự tính.

Điều này đồng nghĩa chúng tôi có nguy cơ lỗ hoặc hòa vốn với những đơn hàng này", ông Việt nói.

Hiện, chi phí vận tải sang Mỹ là 20.000 USD/container, châu Âu dao động trong khoảng 17.000 - 18.000 USD/container. Đại diện VitaJean lo ngại việc giá dầu thô trên thế giới tiếp tục leo thang có thể đẩy chi phí logistics sẽ thiết lập mặt bằng giá mới trong tháng 3 hoặc tháng 4, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Giảm thuế có hạ nhiệt được giá xăng dầu?

Như vậy, giá xăng dầu tăng sốc đang kìm hãm đà phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp vận tải, sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mở cửa, thích ứng với COVID-19.

Ở tình cảnh này, nhiều chuyên gia cho rằng cần xem xét đến công cụ thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu, "giảm đau" cho doanh nghiệp.

Trao đổi với báo Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết giá xăng dầu của một nước phụ thuộc vào giá thế giới và chính sách tài chính của mỗi một quốc gia (thuế).

Loại xăng/dầu

Giá cơ sở

Thuế

Tỷ trọng 

thuế/giá cơ sở

Xăng E5RON92

24.771 đồng/lít

10.576 đồng/lít

42,7%

Xăng RON95

25.332 đồng/lít

10.942 đồng/lít

43,2%

Dầu Diesel

20.265 đồng/lít

5.294 đồng/lít

26,1%

Dầu hỏa

18.851 đồng/lít

4.005 đồng/lít

21,2%

Dầu mazut

17.659 đồng/kg

4.809 đồng/kg

27,2%

Song, ở Việt Nam mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường "cõng" 4 loại thuế, đặc biệt là thuế môi trường lên đến 4.000 đồng/lít với xăng và 2.000 đồng/lít, kg với dầu.

"Khi giá xăng dầu thế giới tăng thì Việt Nam có 2 van để giảm giá là thuế và Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, Quỹ Bình ổn thì không bàn nữa vì chuẩn bị âm.

Bộ Tài chính đang nói thuế xăng dầu của Việt Nam không cao, thấp hơn nhiều nước, nhưng nhiều ý kiến cho rằng vẫn cần phải giảm. Cá nhân tôi thấy thuế bảo vệ môi trường hiện đang ở mức cao. Phải chăng nên xem xét lại mức thuế này", ông Long nói.

Giá xăng dầu tăng sốc, doanh nghiệp vận tải, sản xuất 'ốm đòn' - Ảnh 3.

Nhiều chuyên gia kiến nghị hạ thuế xăng dầu để giảm đau cho doanh nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Về vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang, giả sử giá dầu thô vượt 100 USD/thùng, ngoài việc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá, Bộ có thể sẽ tính đến công cụ khác là thuế phí.

"Nếu giá xăng dầu cao quá sẽ làm vô hiệu hoá một số công cụ, chính sách đang triển khai trong Chương trình phục hồi kinh tế, kể cả việc giảm thuế VAT 2%", ông Đông nói.

Cập nhật đến thời điểm 19 giờ 42 phút ngày 24/2, giá dầu Brent tiến 8,4% lên 104,99 USD/thùng, sau khi chạm mốc 105,79 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu này vượt qua ngưỡng 105 USD/thùng kể từ năm 2014. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 8% (7,33 USD) lên 99,43 USD/thùng.

Như vậy, kịch bản giá dầu thế giới vượt 100 USD/thùng đã trở thành hiện thực sau những căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh dự báo rằng với diễn biến này, giá xăng dầu trong nước ở kỳ điều hành sắp tới (1/3) sẽ tiếp tục leo thang, phá đỉnh mới.

Hoàng Anh