|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu trong nước sẽ chưa hạ nhiệt khi căng thẳng chính trị Nga – Ukraine leo thang?

11:40 | 25/02/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia dự báo giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng, ít nhất trong kỳ điều chỉnh sắp tới (1/3) khi giá dầu thế giới vượt 105 USD/thùng, nguồn cung trong nước thiếu hụt. Dù vậy, chuyên gia khuyến cáo cân nhắc kỹ việc giảm thuế xăng dầu, tránh tạo cơ hội cho đối tượng xấu buôn lậu qua biên giới.

Giá xăng dầu trong nước có thể sẽ tăng trong ngày 1/3

Sau khi Nga phát động tiến công vào Ukraine, giá dầu lập tức tăng mạnh. Đáng chú ý, giá dầu Brent chạm mốc 105 USD/thùng vào cuối ngày 24/2. Đây là lần đầu tiên giá dầu Brent vượt ngưỡng này kể từ năm 2014. Giá dầu WTI cũng tiến sát mốc 100 USD/thùng.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam đánh giá: "Xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá dầu thô tăng nóng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Điều này có nghĩa giá xăng dầu trong nước trong kỳ điều chỉnh tới đây (1/3) có thể tiếp tục tăng cao và phá kỷ lục mới, đặc biệt khi nguồn cung trong nước thiếu hụt, Việt Nam tăng nhập khẩu xăng dầu", ông Minh cho biết.

Cụ thể, việc nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn phải cắt giảm công suất sản xuất xuống còn 55-60% vì khó khăn tài chính.

Năm 2021 Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sản xuất 6,7 triệu m3 xăng dầu, chiếm 34% sản lượng xăng dầu tiêu thụ cả nước.

Sự cố ở nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khiến lượng xăng dầu cung cấp cho thị trường trong tháng 3 sẽ vẫn ở mức thấp vì nguồn cung giảm mạnh. Tuy nhiên, tồn kho từ tháng 2 chuyển sang vẫn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của doanh nghiệp và người dân.

Để tránh thiếu hụt nguồn cung, Bộ Công Thương giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu cho quý II, trong đó có 840.000 m3 xăng và hơn 1,5 triệu m3 dầu.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng: "Cho đến khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động trở lại, nguồn cung bổ sung chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Do vậy, trong thời gian tới, giá xăng dầu Việt Nam sẽ tiếp tục tăng theo diễn biến theo giá thế giới", ông Thịnh dự báo.

Giá xăng dầu trong nước sẽ chưa hạ nhiệt khi căng thẳng chính trị Nga – Ukraine leo thang? - Ảnh 2.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm 50% công suất, nguồn cung xăng dầu trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Vị này khẳng định nền kinh tế không thể phụ thuộc vào một doanh nghiệp. Bộ Công Thương cần có kế hoạch nhập khẩu, báo sớm cho doanh nghiệp vì xăng dầu là mặt hàng nhập khẩu theo kỳ hạn, ít nhất là 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm.

"Nếu chỉ báo trước một tháng, doanh nghiệp nhập khẩu chỉ có thể "vắt chân lên cổ", chấp nhận giá cao, chi phí vận chuyển cao mới có thể đảm bảo được nguồn cung", ông Thịnh nói.

Như vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, giá xăng dầu trong nước tiếp tục đà tăng trong thời gian ngắn nếu không có các biện pháp bình ổn, giảm thuế...

Về triển vọng giá dầu năm 2022, ông Thế Minh cho rằng nếu vụ việc giữa Nga - Ukraine lần này chỉ ngắn hạn như những xung đột trước đây thì giá dầu sẽ sớm cân bằng trở lại.

Dù vậy, giá dầu năm 2022 sẽ vẫn ở mức cao, khoảng 90 USD/thùng vì kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi, các quốc gia khôi phục sản xuất, giao thương, điều này đồng nghĩa nhu cầu tiêu thụ sẽ ở mức cao. Do đó, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục ở ngưỡng cao, khó kỳ vọng có chu kỳ giảm giá mạnh.

Giá xăng dầu vượt ngưỡng 105 USD/thùng, cần thận trọng khi sử dụng công cụ thuế

Theo các chuyên gia, giá dầu thô vượt 105 USD/thùng tác động cả tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, ông Thế Minh cho rằng nhóm ngành khai thác, sản xuất và xuất khẩu dầu sẽ hưởng lợi từ đà tăng này. Bên cạnh đó, ngân sách thu về từ dầu thô cũng nhiều hơn.

Tuy nhiên, giá dầu thô, xăng dầu phi mã sẽ kéo theo chi phí logistic tăng cao, ảnh hưởng biên lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải, xuất khẩu thủy sản, dệt may…

Kịch bản giá dầu thế giới vượt 100 USD/thùng đã trở thành hiện thực sau những căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine. Tình hình địa chính trị và giá xăng dầu dựng đúng là kịch bản các doanh nghiệp không lường trước được.

Điều này đang kìm hãm đà tăng tốc của các doanh nghiệp xuất khẩu khi vừa mới hồi phục "sức khỏe" hậu giãn cách xã hội. Liệu, Liên Bộ Công Thương – Tài Chính sẽ có dùng công cụ thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu, giảm đau có doanh nghiệp như đã thông tin trước đó.

Giá xăng dầu trong nước sẽ chưa hạ nhiệt khi căng thẳng chính trị Nga – Ukraine leo thang? - Ảnh 3.

Bộ Công Thương thông tin có thể sẽ sử dụng đến công cụ thuế khi giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng. (Ảnh: Petrotimes)

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần cân nhắc kỹ việc giảm thuế xăng dầu. Bởi, thuế xăng dầu của Việt Nam chỉ hơn 38% giá cơ sở, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Campuchia 49%, Lào 56,5%, Trung Quốc 52%, Hàn Quốc 62%, Singapore 67%...

"Thực tế, giá xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn các nước xung quanh. Nếu giảm nữa, rất dễ xảy ra tình trạng buôn lậu qua biên giới, "tiếp tay" cho doanh nghiệp lãng phí xăng dầu.

Ngoài ra, doanh nghiệp nước ngoài mới là đối tượng sử dụng nhiều xăng dầu, việc giảm thuế chẳng khác nào móc túi ông nuôi gà rừng", ông Thịnh cảnh báo.

Ở một khía cạnh khác, vị này cho rằng dầu thô, xăng dầu đóng vai trò quan trọng trong thu ngân sách. Việc giảm thuế cũng khiến nguồn thu ngân sách rơi vào thế khó khi vừa phải chi khoản lớn cho chống dịch, phục hồi kinh tế...

"Ngân sách đã rất căng thẳng rồi. Nếu mà giảm nguồn thu từ xăng dầu thì không ổn. Cho dù phương án này khả thi cũng không thể thực hiện trong ngày một ngày hai, vì phải đưa ra Quốc hội thảo luận và quyết định", ông Thịnh nói.

Do đó, doanh nghiệp phải "tự thân vận động", tối ưu chi phí logistics, kinh doanh để giảm giá thành. Đồng thời, có thể tính toán đến giải pháp tăng giá sản phẩm để giảm thiểu rủi ro.

Phạm Mơ

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.