Gia đình đô thị (Urban Family) là gì? Lối sống của gia đình đô thị Việt Nam
Hình minh họa (Nguồn: iStock)
Gia đình đô thị (Urban Family)
Gia đình đô thị - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Urban Family.
Gia đình đô thị là tập hợp một nhóm người cùng sống chung trong một ngôi nhà ở khu vực đô thị, và họ dành hầu hết thời gian của mình vào ngôi nhà này. Gia đình đô thị có lối sống, phong cách sống ảnh hưởng bởi lối sống đô thị. (Theo Urban Dictionary)
Khác với gia đình ở nông thôn, gia đình đô thị thường có nhiều gia đình hạt nhân, gia đình hai thế hệ. Ở đô thị, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, sự phân công lao động và các nghĩa vụ gia đình mang tính bình đẳng hơn. Quan hệ giới cũng trở nên bình đẳng hơn...
Đặc điểm về lối sống của gia đình đô thị
- Cơ cấu và chức năng của gia đình thay đổi nhanh, khác với gia đình nông thôn.
- Trong chức năng tái sản xuất dân số, tỉ lệ sinh ở các gia đình đô thị luôn thấp hơn gia đình nông thôn. Lí do có thể là: phụ nữ đô thị tham gia tích cực hơn vào hoạt động sản xuất và đời sống xã hội; địa vị xã hội, học vấn, nghề nghiệp của cư dân đô thị có tác động quan trọng đến số con trong gia đình...
- Trong lĩnh vực giáo dục, gia đình đô thị có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện chức năng này (do đô thị có các cơ sở trường lớp, phương tiện và chất lượng giáo dục tốt hơn; gia đình đô thị thường có điều kiện vật chất cho giáo dục con cái nhiều hơn...)
- Tính đa dạng về nghề nghiệp của gia đình đô thị cao hơn, đặc biệt giữa vợ và chồng, giữa bố mẹ và con cái...
- Số lượng và chất lượng thời gian rỗi, cách thức tổ chức và sử dụng thời gian rỗi phong phú và đa dạng hơn.
Lối sống của gia đình đô thị Việt Nam thời kì đổi mới
Trong điều kiện xã hội Việt Nam thời kì đổi mới, có thể nhận thấy những biến đổi của lối sống gia đình đô thị Việt Nam hiện nay như sau:
- Do được ảnh hưởng thành quả của đổi mới nhiều nhất, có thể nói, các gia đình đô thị có những thay đổi nhanh nhất (so với gia đình nông thôn). Những điều kiện kinh tế - xã hội của đô thị như cơ sở hạ tầng, giao thông, tiếp cận thông tin, thị trường, công nghệ, vốn,... khiến cho dân cư đô thị có ưu thế hơn hẳn so với dân cư nông thôn ngay từ ngày đầu chuyển sang kinh tế thị trường.
- Trên bình diện kinh tế, các gia đình đô thị chuyển đổi nhanh chóng từ chỗ chủ yếu dựa vào bao cấp nhà nước sang việc cạnh tranh để dành các cơ hội kinh tế thời kì mở cửa.
- Sự thay đổi trong chiến lược gia đình theo hướng giảm tầm quan trọng gán cho khu vực nhà nước là một phần trong sự lựa chọn của cư dân đô thị. (Theo Giáo trình Xã hội học Đô thị, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội)