Financial Times: Các quốc gia chi tiêu phóng túng trong thời kỳ thắt chặt sẽ phải trả giá
Trong khi các nhà đầu tư toàn cầu ngày càng hiểu ra rằng thời kỳ tiền rẻ đã kết thúc, nhiều quốc gia vẫn chưa. Chia sẻ trên tờ Financial Times, ông Ruchir Sharma, Chủ tịch của Rockefeller International, cho rằng thị trường tài chính quốc tế đang trừng phạt những quốc gia này vì chi tiêu quá mức trong thời kỳ thắt chặt.
Vào những năm 2010 khi lãi suất thấp kỷ lục, không có mấy quốc gia rơi vào khủng hoảng vì sự vô trách nhiệm về tài chính và tiền tệ. Giờ đây, lạm phát đã quay trở lại, lãi suất đang tăng và mức nợ đi lên trên toàn thế giới. Thị trường đang nhắm tới ngày càng nhiều quốc gia có chính sách tài khóa lỏng lẻo.
Thị trường đã buộc Anh, Brazil, Chile, Colombia, Ghana, Ai Cập, Pakistan và cả Hungary, phải thay đổi chính sách, hoặc ít nhất là giọng điệu.
Những quốc gia này cùng gặp chung vấn đề là nợ tương đối cao, thâm hụt kép (thâm hụt tài khoản vãng lai và ngân sách quốc gia) ngày càng lớn, cùng với chính sách phi truyền thống làm cho gánh nặng tồi tệ hơn.
Chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ còn tiếp tục, và danh sách các quốc gia gặp khó sẽ ngày càng tăng. Không có nước nào là hoàn toàn miễn dịch, kể cả Mỹ, quốc gia có thâm hụt kép cao nhất trong thế giới phát triển.
Chính sách tiền tệ hiện nay đang siết chặt tất cả thị trường tài sản, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu, trừng phạt chính phủ cánh hữu và cánh tả, cũng như đặt ra câu hỏi rằng liệu các quốc gia có thể trang trải chi phí mà không cần đến tiền rẻ hay không.
Thủ tướng Anh Liz Truss, thuộc Đảng Bảo thủ, đã bị buộc từ chức vào tháng 10 sau khi thị trường phản ứng với chính sách "Ngân sách nhỏ" của bà bằng cách bán phá giá đồng bảng Anh. Người kế nhiệm bà Truss đã nhanh chóng loại bỏ chính sách trên.
Kế hoạch chi tiêu của ông Luiz Inácio Lula da Silva, Tổng thống sắp tới của Brazil, cũng đã gây ra một đợt bán tháo. Thị trường đã đẩy lãi suất thực tế của Brazil, vốn đã thuộc hàng cao nhất thế giới, lên hơn nữa.
Tổng thống cánh tả đầu tiên của Colombia, ông Gustavo Petro, hứa hẹn giáo dục đại học miễn phí, công việc cho mọi người thất nghiệp cũng như đa dạng hóa nền kinh tế khỏi dầu mỏ.
Nghi ngờ về khả năng ông Petro có thể đạt mục tiêu trên với doanh thu từ dầu mỏ giảm sút, các nhà đầu tư đã bán tháo đồng peso Colombia. Bộ trưởng Tài chính Colombia đã phải đứng ra đảm bảo rằng ông Petro “sẽ không làm những điều điên rồ”.
Ông Gabriel Boric, Tổng thống Chile, đã thúc đẩy một hiến pháp mới, với những lời hứa “không tưởng”, bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhà ở miễn phí. Các nhà đầu tư nhanh chóng tháo chạy, khiến đồng peso Chile mất 30% giá trị chỉ trong 6 tuần và thổi bùng làn sóng phản đối hiến pháp mới.
Trong thập kỷ qua, lãi suất thấp khiến việc cho vay đơn giản và tình trạng vỡ nợ hiếm khi xảy ra. Nhiều chính phủ đã từng dám vay mượn quá khả năng chi trả của mình. Giờ đây, khi chi phí đi vay và tỷ lệ vỡ nợ tăng lên, các quốc gia buộc phải thay đổi.
Ai Cập đã phải chịu áp lực phá giá đồng tiền và giảm thâm hụt kép để có được viện trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy vậy, các nhà chức trách đã cố gắng trì hoãn cải cách trong nhiều tháng. Cuối cùng, khi chấp nhận các điều khoản của IMF, đồng tiền của Ai Cập đã mất giá 20%.
Ghana cũng từ chối sự viện trợ của IMF, và coi các điều kiện kỷ luật tài chính như một sự xúc phạm. Kết quả là, đồng cedi của Ghana đã lao dốc, thúc đẩy những lời kêu gọi Tổng thống Nana Akufo-Addo từ chức. Cuối cùng, ông Akufo-Addo đã nhượng bộ và đề nghị IMF giúp đỡ.
Từ Pakistan tới Hungary, thị trường đã buộc các ngân hàng trung ương từ bỏ chính sách nới lỏng, quay trở lại mô hình kinh tế truyền thống và tiếp tục nâng lãi suất.
Hungary đã tăng lãi suất khẩn cấp. Các trợ lý của Thủ tướng Viktor Orbán, người từng thách thức Liên minh châu Âu (EU), phải hứa cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để được nhận trợ giúp tài chính từ EU.
Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuân theo chính sách phi truyền thống, và đang đối mặt với chi phí đi vay cao ngất ngưởng. Trong khi đó, Hy Lạp đã theo đuổi những cải cách truyền thống, và đang có vị thế tốt hơn hai nước trên.
Theo Finacial Times, ông Ruchir Sharma, Chủ tịch của Rockefeller International, cho rằng ngay cả các siêu cường cũng không nên đi vay như thể tiền còn miễn phí. Trong kỷ nguyên thắt chặt mới, thị trường có thể nhanh chóng chống lại những người chi tiêu quá mức, bất kể giàu có tới mức nào.