Kỷ nguyên tiền rẻ của Mỹ đã kết thúc, hệ lụy lan rộng tới người tiêu dùng, doanh nghiệp, các quốc gia
Theo Bloomberg, thời kỳ tiền rẻ đã ngừng lại vào năm 2022, khi các ngân hàng trung ương chuyển sang thắt chặt để chiến đấu với lạm phát. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất cơ bản từ mức gần bằng 0 lên 4% chỉ trong vòng 6 tháng.
Doanh nghiệp, quốc gia và người tiêu dùng từng mạnh tay vay nợ khi tiền rẻ, giờ đây đang đối mặt với những căng thẳng mới. Việc điều kiện tín dụng đột ngột bị thắt chặt không chỉ tăng rủi ro suy thoái và vỡ nợ, mà còn làm dấy lên nỗi lo về những lỗ hổng tài chính trước kia từng được lấp đầy bởi các khoản vay.
Vì sao tiền trước đây rẻ thế?
Ngân hàng trung ương đã nới lỏng tiền tệ nhằm ngăn không cho Khủng hoảng Tài chính 2008 gây ra một cuộc suy thoái. Các ngân hàng đã sử dụng lãi suất và những giải pháp khác để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Lãi suất đã được giữ ở mức thấp trong nhiều năm khi nền kinh tế phục hồi chậm chạp. Đại dịch COVID bùng phát một lần nữa khiến các ngân hàng trung ương mạnh tay nới lỏng chính sách.
Fed hạ lãi suất về gần bằng 0 vào đầu năm 2020 và tới tháng 3/2022 mới nâng lên. Trước đó, Fed liên tục giữ lãi suất thấp từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2015.
Kết quả của tiền rẻ
Việc giữ lãi suất thấp đã mở ra một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ trong thị trường tài chính Mỹ, ngoại trừ thời gian sụt giảm ngắn và sâu do COVID vào năm 2020. Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng 580% kể từ sau cuộc Khủng hoảng Tài chính 2008.
Đồng thời, động thái nới lỏng cũng dẫn tới các khoản nợ ngày càng lớn của doanh nghiệp và quốc gia. Theo dữ liệu được Giáo sư tài chính Ed Altman tổng hợp, trong giai đoạn 2007 - 2020, tỷ lệ nợ chính phủ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng từ 58% lên 98%. Nợ của doanh nghiệp phi tài chính so với GDP tăng từ 77% lên 97%.
Trong nỗ lực tìm kiếm lợi nhuận cao hơn những tài sản an toàn như Trái phiếu Kho bạc Mỹ, các nhà đầu tư đã ném tiền vào doanh nghiệp, mua trái phiếu rủi ro với lợi suất cao, mà bỏ qua đánh giá tín dụng kém.
Bất chấp khoản nợ ngày càng phình to, lạm phát vẫn được kiểm soát tại đa số các nền kinh tế phát triển. Ở Mỹ, lạm phát hiếm khi chạm tới mục tiêu 2% của Fed.
Điều gì đã thay đổi?
Lạm phát bắt đầu tăng nhanh vào năm 2021 khi những hạn chế COVID được dỡ bỏ, trong khi chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn. Vào năm 2022, lạm phát đã lên 9% tại Mỹ và hơn 10% tại châu Âu do khủng hoảng năng lượng và tác động từ cuộc xung đột Ukraine.
Dẫn đầu bởi Fed, các ngân hàng trung ương bắt đầu nâng lãi suất với tốc độ cao nhất trong vòng 4 thập kỷ. Mục tiêu của các ngân hàng là làm chậm tăng trưởng bằng cách hạ nhu cầu tiêu dùng, với hy vọng rằng giá cả cũng sẽ giảm theo.
Trong giai đoạn tháng 3-11/2022, Fed đã tăng giới hạn trên của Lãi suất Quỹ Liên bang từ 0,25% lên 4%. Các nhà kinh tế dự kiến Fed sẽ nâng lãi suất này lên 5% vào tháng 3/2023, và giữ nguyên trong gần như cả năm sau.
Nhà đầu tư và thị trường chịu ảnh hưởng như thế nào?
Khi quá trình thắt chặt bắt đầu, thị trường chứng khoán Mỹ đã sụt giảm 25% từ mức đỉnh do các nhà đầu tư lo ngại sự chậm lại của hoạt động kinh tế.
Giá trái phiếu đã tụt mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, khi kỳ vọng những đợt phát hành mới mang lại lợi tức cao hơn khiến các trái phiếu đã phát hành mất đi giá trị. Các doanh nghiệp được xếp hạng đầu tư (investment-grade) hoặc có lợi suất cao (high-yield grade) đều cắt giảm hoạt động đi vay.
Bất động sản, một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất của nền kinh tế Mỹ, đã chứng kiến doanh số chậm lại đáng kể. Những nhà đầu tư có xu hướng né tránh loại tài sản nhiều rủi ro, chẳng hạn như các khoản vay có đòn bẩy.
Tác động tới người tiêu dùng và doanh nghiệp
Ở Mỹ, tính đến tháng 11, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng đầu tư đã lên khoảng 6%, trong khi lợi suất trái phiếu lợi suất cao gần chạm 10%. Đồng thời, doanh nghiệp còn đối mặt với chi phí lao động tăng, đặc biệt ở những lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe.
Người mua nhà cũng đang đối mặt với những khoản chi trả lãi suất hàng tháng ngày càng đắt đỏ. Lãi suất thế chấp cố định trong 30 năm đã vượt qua 7%, mức cao nhất trong vòng hai thập kỷ.
Và bất chấp việc người lao động Mỹ được tăng lương đáng kể trong hai năm qua, lạm phát kỷ lục đang bắt đầu ăn mòn thu nhập.
Ngoài nước Mỹ, việc Fed tăng lãi suất cũng đang làm đồng USD mạnh lên. Kết quả là những khoản nợ bằng USD của các thị trường mới nổi đang ngày càng đắt đỏ.
Rủi ro khi tiền không còn rẻ
Tiền rẻ ở Mỹ đã khiến cho nợ của những doanh nghiệp rủi ro nhất ngày càng tăng, đặc biệt là các công ty được quỹ đầu tư tư nhân sở hữu.
Tỷ lệ nợ trên thu nhập đã tăng lên trên thị trường cho vay có đòn bẩy trong vòng 10 năm qua. Các khoản vay có thế chấp đang trở nên ngày càng rủi ro.
Trên toàn cầu, “doanh nghiệp thây ma” - những công ty không kiếm đủ tiền để trang trải cho chi phí - đã trở nên ngày càng phổ biến hơn. Chi phí đắt đỏ hơn, từ vốn, lao động cho tới hàng hóa, đã tạo ra kỳ vọng rằng nguy cơ vỡ nợ sẽ tăng lên, đặc biệt tại những doanh nghiệp nhiều nợ.
Nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính khác
Các quy tắc cho vay đã được thắt chặt sau sự sụp đổ của thị trường tín dụng vào năm 2008. Tuy vậy, tốc độ tăng lãi suất đang làm gia tăng lo ngại rằng một phần nào đó trong hệ thống tài chính sẽ bị phá vỡ.
Vào tháng 9, chiến lược phòng ngừa rủi ro thường được các quỹ hưu trí của Anh sử dụng đã phản tác dụng, khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã phải can thiệp để xoa dịu tình trạng hỗn loạn trên thị trường.
Có lý do cho sự lạc quan?
Cho đến nay, người tiêu dùng Mỹ và những người đi vay vẫn đủ sức chịu đựng. Khả năng tiếp cận thị trường dễ dàng sau đại dịch đã giúp nhiều doanh nghiệp tái cấp vốn cho các khoản nợ ở mức lãi suất thấp.
Các khoản kích thích trong đại dịch và mức lương cao hơn sau đó đã giúp hộ gia đình có một tấm đệm để vượt qua một số suy thoái kinh tế. Nhìn chung, tỷ lệ rủi ro của người tiêu dùng trong vay thế chấp và mua ô tô đã giảm kể từ năm 2006, theo một báo cáo của UBS.