|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bloomberg: Ít nền kinh tế nhỏ đối mặt với rủi ro vỡ nợ

15:25 | 18/11/2022
Chia sẻ
Phân tích của Bloomberg cho thấy rủi ro về khủng hoảng nợ đang bị nghiêm trọng hóa quá mức. Đa số các nền kinh tế mới nổi sẽ thoát được cảnh vỡ nợ, ngay cả trong trường hợp áp lực tăng lên.

Theo Bloomberg, các thị trường mới nổi đang chịu áp lực từ nợ lên cao, tăng trưởng chậm và lợi suất tăng. Sri Lanka, cùng với Lebanon (Li-băng) và Zambia đã rơi vào cảnh vỡ nợ.

Tuy vậy, sự hoảng loạn dường như đang trở nên thái quá. Mô hình của Bloomberg cho thấy rủi ro vỡ nợ chỉ tập trung ở một số nền kinh tế nhỏ. Các quốc gia đang phát triển lớn nhiều khả năng sẽ tránh được vỡ nợ, ngay cả khi áp lực lên thị trường cận biên tăng lên.

Mô hình của Bloomberg đánh giá rủi ro vỡ nợ của 41 thị trường mới nổi trong vòng 12 tháng tới. Trong số này, chỉ có 11 nước có nguy cơ vỡ nợ lớn hơn 10%, bao gồm Argentina, Ecuador, và Ethiopia.

Chỉ có 11 quốc gia có nguy cơ vỡ nợ trên 10%.

Những quốc gia có rủi ro lớn nhất chỉ đóng góp khoảng 3% cho nền kinh tế toàn cầu. Nhiều nước như Pakistan hay Ghana đã nhận được hoặc đang tìm kiếm sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Những yếu tố trên sẽ giúp hạn chế rủi ro lan rộng.

Các nền kinh tế lớn hơn, chẳng hạn như Brazil, Ấn Độ, Indonesia hay Mexico không gặp rủi ro, ngay cả khi áp lực tăng lên. Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ không nằm trong nhóm các quốc gia may mắn trên.

Theo Bloomberg, có 5 yếu tố khiến rủi ro nợ của các thị trường mới nổi tăng lên trong năm 2022.

Thứ nhất, lượng vốn vay tại các nền kinh tế đã tăng từ hơn 1/2 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2019 lên gần 2/3 trong năm nay. Đại dịch COVID đã dẫn đến sự gia tăng trong chi tiêu công và giảm thu thuế.

Thứ hai, lãi suất toàn cầu đang tăng với tốc độ chưa từng thấy trong 4 thập kỷ. Động thái thắt chặt của các ngân hàng trung ương sẽ khiến việc thanh toán các khoản nợ bằng ngoại tệ trở nên nặng nề hơn.

Thứ ba, đồng nội tệ yếu đi ở các thị trường mới nổi đang làm tăng thêm chi phí nợ nước ngoài. Hầu hết các đồng tiền đều đã mất giá ở mức hai con số so với USD kể từ cuối năm 2020. Các chính phủ nhận doanh thu bằng nội tệ, và trả nợ bằng ngoại tệ sẽ cảm thấy khó khăn.

Thứ tư, các ngân hàng trung ương tại một số nước đang phát triển đã nâng lãi suất với tốc độ còn nhanh hơn Mỹ. Động thái này có thế chế ngự lạm phát và giảm sự suy yếu của đồng tiền, đồng thời làm tăng gánh nặng nợ công.

Cuối cùng, những vụ vỡ nợ tại Belarus, Nga và Sri Lanka đang tạo ra sự lo lắng.

Các quốc gia đáng chú ý

Bloomberg đã kết hợp những yếu tố như nợ, lãi suất, tỷ giá hối đoái với những tín hiệu khác như điều kiện tài chính để ước tính xác suất vỡ nợ. 

Kết quả là, ngoại trừ những nước đã vỡ nợ rồi, chỉ có 11 nền kinh tế khác chịu xác suất mất khả năng thanh toán ở mức lớn hơn 10%. Những quốc gia trên kết hợp các yếu tố như có nợ vượt quá 60% GDP, thiếu sự hỗ trợ từ thị trường tài chính, và mức lợi suất của khoản nợ USD vượt quá 20%.

Ngược lại, Indonesia, Philippines và Việt Nam ít có khả năng vỡ nợ nhất. Nợ của những quốc gia này hầu hết ở mức dưới 45% GDP. Đây cũng là những nước có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, hầu hết trên 5%/năm và được tiếp cận các khoản vay với lãi suất tương đối thấp.

Phân tích của Bloomberg không nắm bắt được hết tất cả các yếu tố, chẳng hạn như chính trị. Yếu tố này có thể khiến các quốc gia ưu tiên nhập khẩu hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men, thay vì trả nợ. Các yếu tố pháp lý cũng có thể khiến một số quốc gia có khả năng tài chính mà vẫn không thể thanh toán nợ, như trường hợp của Nga.

Kết quả Bloomberg phù hợp với dữ liệu từ thị trường tài chính. Tuy vậy, cũng có một số điểm khác biệt đáng chú ý. Một số nước Nam Mỹ, chẳng hạn như Uruguay và Peru, có lịch sử dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng như Argentina và Ecuador. Những mối lên kết kinh tế này dẫn đến khả năng vỡ nợ cao hơn so với những gì mà thị trường tài chính gợi ý.

Một ngoại lệ khác là Ai Cập. Mô hình cho thấy rủi ro nợ của quốc gia Bắc Phi này đang thấp hơn so với kỳ vọng thị trường. 

Không tồi tệ như những năm 1980

Mô hình cũng cho thấy rằng khả năng về một cuộc khủng hoảng nợ như những năm 1980 sẽ khó xảy ra. Ngày nay, số lượng quốc gia có nguy cơ vỡ nợ ít hơn so với 4 thập kỷ trước. Chỉ số khả năng vỡ nợ trung bình của Bloomberg hiện ở mức gần 10%, thấp hơn gần 5 lần so với mức cao nhất vào giữa năm 1980.

Rủi ro cũng tập trung vào những nền kinh tế mới nổ nhỏ hơn. Rủi ro trung bình tính theo GDP PPP cho thấy nguy cơ vỡ nợ ngày nay thấp hơn nhiều so với đầu những năm 1980. Các nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil, Mexico và Ba Lan, vốn đều vỡ nợ vào những năm 1980, vẫn đang mạnh mẽ trong thời điểm này.

Nguyên nhân là bởi các quốc gia trên đang tăng cường vay nợ bằng nội tệ, cũng như tiết kiệm nhiều hơn trước. Những món nợ này dễ thanh toán hơn so với nợ bằng ngoại tệ. Giá cả hàng hóa cao cũng đang tạo điều kiện cho một số nhà xuất khẩu lớn. 

Rủi ro vỡ nợ trung bình lẫn rủi ro trung bình tính theo GDP PPP đều đang thấp hơn rất nhiều so với những năm 1980.

Bloomberg cũng đã xây dựng kịch bản khủng hoảng nợ tại những nền kinh tế nhỏ hơn lan rộng sang những nước lớn. Trong mô hình này, chi phí đi vay ở 8 quốc gia gặp khó khăn sẽ tăng mạnh như 9 tháng đầu năm 2022, và lan tỏa sang các nền kinh tế khác dựa theo mối tương quan lịch sử.

Xác suất vỡ nợ trung bình tính theo GDP PPP sẽ tăng từ 1,5% lên 5% vào năm 2023. Rủi ro vỡ nợ tại các thị trường mới nổi lớn như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng lên 40%. Tuy vậy, các nền kinh tế khác như Brazil hay Ba Lan vẫn an toàn.

Trong kịch bản lãi suất tại Mỹ lên mức 5% vào quý II/2023, hiệu ứng đối với các nền kinh tế mới nổi sẽ khá nhỏ. Mức lãi suất từ 0% lên 3% gây nhiều đau đớn. Tuy vậy, lãi suất từ 3% lên 5% sẽ chỉ tăng dần thêm thiệt hại.

Việc vỡ nợ có thể khiến một tình huống từ xấu trở thành rất xấu, như trường hợp của Lebanon và Sri Lanka. Ở cả hai quốc gia này, suy thoái sâu, lạm phát lên rất cao và nền chính trị trở nên bất ổn.

Tuy vậy, vẫn có một tia hy vọng. Các biện pháp can thiệp gần đây của IMF, chẳng hạn như tại Ecuador vào năm 2020, đã giúp giảm thời gian nước này trong cảnh vỡ nợ thông qua các giải pháp nhanh chóng.

Minh Quang