|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dù chặng đường tăng trưởng còn chông gai, nền kinh tế toàn cầu đang nhận được một vài tin tốt

08:42 | 18/11/2022
Chia sẻ
Dù khó khăn vẫn còn chồng chất, một số tin tức tích cực đang tiếp thêm sinh khí cho nền kinh tế toàn cầu.

Tin tức đáng khích lệ

Những thách thức của nền kinh tế thế giới hiện nay là rất nghiêm trọng, cho nên một thông tin bình thường - không quá tốt cũng chẳng quá xấu, đôi khi lại có thể khích lệ công chúng toàn cầu.

Đơn cử, trong những ngày gần đây, chính phủ Trung Quốc đã điều chỉnh lại chiến lược Zero COVID bởi đây đang là một lực cản lớn đối với hoạt động thương mại toàn cầu. Đồng thời, Bắc Kinh còn phát triển các giải pháp để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang trên đà sụp đổ.

Mặt khác, các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc đã thiết lập một giai điệu tích cực hơn cho mối quan hệ song phương, sau khi Tổng thống Joe Biden gặp mặt trực tiếp người đồng cấp Tập Cận Bình tại Bali (Indonesia) hồi đầu tuần này.

Ngoài ra, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây cũng phát tín hiệu ủng hộ ngân hàng trung ương giảm nhịp độ tăng lãi suất bởi chu kỳ thắt chặt chính sách của Fed đang gây ra những thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, trong các phiên giao dịch gần đây, đồng USD đã hạ nhiệt phần nào. Từ đầu năm đến nay, đồng bạc xanh đã tăng phi mã so với rổ tiền tệ chính và gây căng thẳng cho hệ thống tài chính toàn cầu.

Trung Quốc đang dần chuyển mình khỏi chính sách Zero COVID. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Không điều nào trong các diễn biến kể trên tạo ra một bước tiến nhảy vọt cho nền kinh tế thế giới, Bloomberg nhận xét. Tuy nhiên, chúng quả thực đang giúp giải quyết một số rắc rối, ngay cả khi chỉ là tạm thời.

Từ lâu, công chúng đã thắc mắc rằng khi nào Trung Quốc sẽ từ bỏ Zero COVID - chính sách đã khiến nhiều đô thị lớn của Trung Quốc phải phong toả, người dân bị hạn chế đi lại và kéo lùi tăng trưởng kinh tế.

Chia sẻ tại một diễn đàn do Bloomberg tổ chức ở Singapore, ông Ken Griffin - nhà sáng lập quỹ phòng hộ Citadel, nhận định: “Bây giờ, chính quyền ông Tập Cận Bình cam kết sẽ một lần nữa thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc”.

Thiệt hại mà các biện pháp chống dịch hà khắc gây ra có thể kéo dài trong nhiều năm, nhưng ít nhất là Bắc Kinh hiện giờ đã ngầm thừa nhận rằng con đường trước đó là không bền vững.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn những vấn đề lớn. Nền kinh tế Trung Quốc - vốn là một động cơ cho nền kinh tế thế giới trong hàng chục năm qua, đang tiếp tục gặp khó khăn. Dữ liệu mới công bố cho thấy doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp đều suy giảm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang ngày càng trở nên ảm đạm hơn về tình hình kinh tế thế giới. Cơ quan này cho rằng những khó khăn trước mắt là “vô cùng lớn”.

Các nhà hoạch sách đang cố gắng điều phối chính sách trong bối cảnh lạm phát lên cao và tăng trưởng chững lại.

Đối với những ai đã đổ mồ hôi hột trong vài tháng qua vì đồng USD đắt đỏ và những rủi ro mà nó gây ra, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi, hãy lưu ý đến bình luận hồi đầu tuần này của Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard.

Bà Brainard, một người đặc biệt quan tâm tới nền kinh tế toàn cầu, đã phát tín hiệu rằng ngân hàng trung ương Mỹ nên hạ tốc độ tăng lãi suất ngay trong tháng 12 tới.

Ông Christopher Waller - một trong các thống đốc Fed “diều hâu” nhất, cũng cho thấy sự ủng hộ đối với mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, thay vì 75 điểm như trong 4 cuộc họp liền trước.

Trong cuộc phỏng vấn cùng CNBC, bà Mary Daly - Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, cũng nhấn mạnh rằng “chúng tôi quả thực đang cân nhắc giảm nhịp độ tăng lãi suất”.

Chủ tịch Fed Jerome Powell và Phó Chủ tịch Lael Brainard. (Ảnh: Bloomberg).

Cuộc chiến khống chế lạm phát của Fed, hay hầu hết ngân hàng trung ương khác trên thế giới, chắc chắn vẫn chưa xong. Tuy nhiên, giai đoạn thắt chặt tiền tệ căng thẳng nhất có vẻ đã ở sau lưng chúng ta.

Đó là thông điệp mà ông Francois Villeroy de Galhau - thành viên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã cố truyền tải tới công chúng, tờ Bloomberg cho hay.

“Các đợt tăng lãi suất mạnh tay sẽ không trở thành thói quen mới của các ngân hàng trung ương”, ông cho hay tại một hội nghị ở Tokyo hôm 15/11.

Biên bản từ cuộc họp tháng 11 của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) cũng cho thấy các nhà hoạch định chính sách nước này nhiều khả năng sẽ không tăng mạnh lãi suất, mà thậm chí là có thể tạm dừng tăng.

Công chúng ngày càng nghe nhiều hơn từ các quan chức ngân hàng trung ương về độ trễ của chính sách tiền tệ. Đây chính là dấu hiệu mà họ muốn phát đi để tìm kiếm cơ hội giảm tốc độ tăng lãi suất vào cuối năm nay và tạm dừng chu kỳ tăng vào năm sau.

Vẫn nên thận trọng

Một số nhà kinh tế cho rằng một số ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất trong năm tới, một phần là do tăng trưởng giảm sút sẽ giúp làm hạ nhiệt giá cả. Mặc dù đây có thể được coi là tin tốt, chúng ta vẫn cần phải thận trọng.

Các nhà hoạch định chính sách đã đoán sai về lạm phát vào năm ngoái, Bộ trưởng cấp cao của Singapore - ông Tharman Shanmugaratnam, nhắc nhở trong tuần này. Ông nói: “Suy thoái là cái giá mà chúng ta phải trả”.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng không thể đột ngột quay lại những ngày tươi sáng. Theo một cuộc khảo sát gần đây, các nhà phân tích dự đoán công cuộc từ bỏ Zero COVID của Trung Quốc có thể kéo dài cho đến cuối năm sau.

Việc mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc chỉ bắt đầu từ khoảng tháng 4 và quá trình bình thường hoá sẽ diễn ra rất chậm chạp, các nhà phân tích lưu ý.

Nhìn chung, nền kinh tế thế giới rõ ràng đang không ở trạng thái tốt. Các nhà hoạch định đã mắc phải sai lầm. Tuy nhiên, tuần qua đã chứng kiến một số diễn biến đáng chú ý mà chúng ta có thể ăn mừng.

Khả Nhân