|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống khi quan chức Fed ra tín hiệu lãi suất sẽ còn tăng mạnh

07:20 | 18/11/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên 17/11 trong sắc đỏ khi lợi suất tăng và các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ra tín hiệu cho thấy chiến dịch nâng lãi suất để chống lạm phát còn lâu mới kết thúc.

Sau giai đoạn giảm sâu, Dow Jones đã hồi phục lên trên đường bình quân trượt MA 50 và MA 200.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,31% và 0,35%, đóng cửa ở tương ứng gần 3.947 điểm và 11.145 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 7,5 điểm, tương đương 0,02%, và kết phiên ở 33.546 điểm.

Các chỉ số hồi phục từ đáy của phiên khi cổ phiếu Cisco System bật tăng gần 5%. Công ty thiết bị mạng máy tính này thông báo kết quả kinh doanh quý vừa qua vượt dự báo của giới phân tích và đặt mục tiêu khả quan cho cả năm tài khóa. Các cổ phiếu công nghệ khác như Apple và Intel cũng đi lên lần lượt 1,3% và 1,2%.

Nasdaq giảm phiên thứ hai liên tiếp.

Nhà đầu tư đang đánh giá hàm ý trong bình luận của Chủ tịch chi nhánh St. Louis của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) James Bullard. Trong một bài phát biểu ngày 17/11, ông Bullard cho rằng “Lãi suất chính sách vẫn chưa ở trong vùng có thể được coi là đủ sức gây hạn chế hoạt động kinh tế”

“Sự thay đổi trong lập trường chính sách tiền tệ dường như mới chỉ có những tác động khá hạn chế đối với số liệu lạm phát, nhưng định giá của thị trường đang hàm ý rằng lạm phát được kỳ vọng sẽ giảm xuống trong năm 2023”, ông Bullard nói thêm.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm – biến số nhạy cảm với lãi suất chính sách của Fed – bật tăng lên mức 4,45%, khiến nhà đầu tư thêm lo ngại rằng mặt bằng lãi suất cao sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đi lên ngày 17/11 sau các phát biểu của quan chức Fed.

Bà Esther George, Chủ tịch chi nhánh Kansas City của Fed, trả lời tờ Wall Street Journal ngày 16/11: “Tôi thấy thị trường lao động đang thiếu hụt nguồn cung, và để hạ nhiệt lạm phát từ mức hiện nay, hoạt động kinh tế chắc chắn phải giảm tốc, thậm chí là nền kinh tế phải suy thoái để đạt được mục tiêu này”.

Những cổ phiếu nhạy cảm với suy thoái kinh tế là nhóm thiệt hại nặng nề nhất trong chỉ số S&P 500 phiên 17/11.

Đa phần nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều giảm sút trong phiên 17/11.

CNBC dẫn lời ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản toàn cầu UBS, nhận định: “Việc chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt và tác động lũy kế của các đợt nâng lãi suất từ đầu năm nay ngụ ý rằng rủi ro suy thoái vẫn đang rất cao”.

CNBC dẫn lời ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản toàn cầu UBS, nhận định: “Việc chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt và tác động lũy kế của các đợt nâng lãi suất từ đầu năm nay ngụ ý rằng rủi ro suy thoái vẫn đang rất cao”.

Theo ông Haefele, để thị trường chứng khoán đi lên bền vững cần các điều kiện vĩ mô tiên quyết là lãi suất giảm cùng với tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp đã chạm đáy. Hiện nay, các điều kiện này vẫn chưa được thỏa mãn.

Ông Chris Senyek, Giám đốc chiến lược đầu tư của Wolfe Research, tin rằng phát biểu của Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis cho thấy Fed sẽ không sớm đổi hướng chính sách tiền tệ trong tương lai gần. Ông Bullard cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ nên nâng lãi suất quỹ liên bang lên khoảng tối thiểu 5 – 5,25% và có thể cao tới 7%.

Ông Chris Senyek cho rằng việc lãi suất quỹ liên bang tăng lên mức 6% là kịch bản cơ sở. “Theo quan điểm của chúng tôi, các phát biểu của Fed gần đây ủng hộ kịch bản lãi suất sẽ lên 6%. Dự đoán thị trường tiêu cực trong trung hạn của chúng tôi vẫn được giữ nguyên”, ông Senyek viết trong một bài phân tích ngày 17/11. 

Đức Quyền