|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bế tắc chính trị ở Washington trở thành trợ lực cho thị trường chứng khoán Mỹ

15:30 | 17/11/2022
Chia sẻ
Chiến thắng của Đảng Cộng hoà ở Hạ viện sẽ khiến Tổng thống Biden khó thực hiện các thay đổi chính sách lớn và điều này thực chất lại có lợi cho thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, lợi ích đó có thể bị triệt tiêu hoặc lấn át bởi diễn biến của lạm phát.

 

(Hình minh họa: Getty Images). 

Lợi ích từ sự ổn định

Đảng Cộng hòa đã giành lại quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ với thế đa số mỏng manh, nhưng lại để mất Thượng viện vào tay Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden.

Điều này có nghĩa là Washington sẽ rơi vào thế bế tắc chính trị trong hai năm tới, bởi thông thường một dự luật phải nhận được sự ủng hộ của cả Nhà Trắng lẫn lưỡng viện Quốc hội thì mới được thông qua.

Theo Reuters, các nhà đầu tư nhận định rằng sự chia rẽ của Quốc hội có thể giúp ích cho thị trường chứng khoán Mỹ trong giai đoạn cuối năm, nhưng nhiều khả năng lạm phát và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn sẽ là các yếu tố quan trọng nhất.

Bà Lauren Goodwin, nhà kinh tế và quản lý danh mục đầu tư tại New York Life Investments, nhận xét: “Đối với nền kinh tế và thị trường, chính sách là thứ định đoạt kết quả chứ không phải chính trị. Quốc hội bị chia rẽ khiến cho các thay đổi chính sách lớn khó có thể được thông qua, và sự ổn định chính sách đó thường giúp nhà đầu tư an tâm”.

Lịch sử cho thấy chứng khoán Mỹ thường nhận được cú hích khi Quốc hội bị chia rẽ và tổng thống là người của Đảng Dân chủ.

Theo dữ liệu kể từ năm 1932 do RBC Capital Markets phân tích, tỷ suất lợi nhuận hàng năm trung bình của chỉ số S&P 500 khi Quốc hội bị chia rẽ và một tổng thống Đảng Dân chủ đang nắm quyền là 14%. Còn khi Đảng Dân chủ kiểm soát cả Nhà Trắng lẫn Quốc hội thì tỷ suất lợi nhuận là 10%.

Tác động đến từng ngành thì sao? Trong lưu ý mới, ông John Lynch, Giám đốc đầu tư của Comerica Wealth Management, cho biết việc Đảng Dân chủ lãnh đạo Thượng viện có thể có lợi cho các ngành tiện ích, tiêu dùng không thiết yếu, y tế và năng lượng sạch.

Trong khi đó, những ngành gần đây được hưởng lợi từ kỳ vọng Đảng Cộng hoà giành chiến thắng áp đảo có thể sẽ chững lại bởi nhà cần tư cần đánh giá lại các lợi thế tài khóa và chính sách trong tương lai. Những ngành này bao gồm năng lượng, công nghệ sinh học, tài chính và quốc phòng.

Các nhà phân tích tại UBS Global Wealth Management nhận định việc Washington bị chia rẽ có thể ngăn cản Đảng Dân chủ thông qua một số kế hoạch tài khóa lớn, bao gồm gói chi tiêu 369 tỷ USD cho các chính sách năng lượng và khí hậu và dự định đánh thuế lợi nhuận cao bất thường lên các công ty dầu khí.

Một số chuyên gia lo ngại rằng những khoản chi hàng trăm tỷ USD như vậy có thể sẽ thúc đẩy lạm phát đang ở mức cao nhất trong hàng thập kỷ.

Rủi ro của bế tắc

Nhưng thế bế tắc chính trị cũng đi kèm với những rủi ro riêng. Ví dụ, tranh cãi về trần nợ công có thể sẽ làm gián đoạn nền kinh tế trong lúc Fed vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức cao.

Ông Goodwin nói rằng tuy Quốc hội bị chia rẽ có thể làm giảm nguy cơ xảy ra một trận chiến khốc liệt về trần nợ, “New York Life Investments vẫn sẽ duy trì cảnh giác”.

Môi trường chính trị sẽ có sự thay đổi, nhưng trong năm 2022, các nỗi lo kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ mới là yếu tố chi phối thị trường. Và các nhà đầu tư tin rằng xu hướng đó sẽ không sớm thay đổi.

Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 10% kể từ đáy tháng 10. Dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng và lạm phát giá sản xuất thấp hơn dự kiến đã làm dấy lên hy vọng rằng Fed có thể sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất nhanh hơn suy nghĩ trước đó. Nhưng S&P 500 vẫn thấp hơn 17% so với đầu năm.

Ông Michael Antonelli, Giám đốc điều hành tại công ty quản lý tài sản Baird, khẳng định: “Lúc này, lạm phát quan trọng hơn tất thảy”.

Các nhà quản lý quỹ tham gia khảo sát mới của BofA Global Research cũng coi lạm phát cao dai dẳng là “rủi ro đuôi” hàng đầu. Trong tài chính, rủi ro đuôi là một dạng rủi ro của danh mục đầu tư, có xác suất xảy ra nhỏ nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận. 

Một số nhà đầu tư cũng đang cược rằng cổ phiếu sẽ nhận được cú hích từ mô hình giao dịch mang tính mùa vụ. Công cụ Stock Trader's Almanac cho thấy theo số liệu trung bình kể từ năm 1950, tháng 11 và 12 là hai tháng mà tỷ suất lợi nhuận của chỉ số S&P 500 tăng mạnh thứ hai và thứ ba trong năm.

Nhưng ông Antonelli cảnh báo: “Chúng ta nói rằng cuối năm thường là giai đoạn tích cực cho chứng khoán, nhưng điều này chỉ đúng với thị trường giá lên. Còn với thị trường gấu thì không có bằng chứng nào về tính mùa vụ trong hai tháng cuối năm”.

Giang