|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhân lúc lạm phát dịu bớt và thị trường bình ổn, doanh nghiệp Mỹ gấp rút huy động tiền

15:58 | 14/11/2022
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn để có thể nhanh chóng phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu ngay khi thị trường có cải thiện.

 

(Hình minh họa: Getty Images). 

Chớp thời cơ

Thị trường chứng khoán Mỹ ổn định trở lại và dữ liệu lạm phát thấp hơn dự kiến mở ra cơ hội hiếm hoi để doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu.  

Thị trường trái phiếu vừa tận hưởng tuần bận rộn nhất trong suốt nhiều tháng, tờ Financial Times cho biết. Trong khi đó, 2 tỷ USD cổ phiếu đã được bán ra trong các giao dịch thứ cấp - giá trị lớn nhất kể từ đợt bùng nổ ngắn sau kỳ nghỉ lễ Lao động Mỹ ngày 5/9. 

Các nhà đầu tư và giới ngân hàng dự đoán hoạt động huy động nguồn tiền sẽ tiếp tục bởi doanh nghiệp và cổ đông vẫn sẽ tận dụng tâm lý tích cực trên thị trường. Tuần trước, các đợt chào bán cổ phiếu của doanh nghiệp đại chúng và đợt bán ra của cổ đông trên thị trường thứ cấp cũng gia tăng.

Giá trị các trái phiếu cao cấp và trái phiếu rác được phát hành lần lượt đạt 45 và 6 tỷ USD, gấp hơn ba lần so với tuần trước đó. Đây là khoảng thời gian các giao dịch trái phiếu rủi ro diễn ra sôi nổi nhất kể từ tháng 6.

Oracle và General Electric Healthcare đi đầu trong nhóm các nhà phát hành nợ có rủi ro thấp. Hai công ty này lần lượt huy động được 7 và 8,3 tỷ USD từ trái phiếu và thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Ông Andy Brenner, trưởng bộ phận chứng khoán có thu nhập cố định tại NatAlliance, bình luận: “Bất cứ ai muốn tham gia thị trường đều đã có mặt trong tuần qua”.

Các giám đốc ngân hàng cho biết nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn để có thể hành động ngay khi điều kiện trên thị trường được cải thiện, bởi khả năng cao là từ giờ đến cuối năm sẽ không có nhiều cơ hội để họ phát hành thêm chứng khoán nữa.

Ông David Ludwig, Giám đốc bộ phận thị trường vốn cổ phần tại Goldman Sachs chia sẻ: “Chúng tôi khuyên các tổ chức phát hành và người bán chứng khoán tiếp tục hành động nhanh nhẹn. Thị trường đang ở trong giai đoạn đón nhận tích cực.

Những công ty sẵn sàng phát hành vốn một cách nhanh chóng đã đạt được mục tiêu huy động vốn với các điều khoản thuận lợi hơn bình thường”.

Kỳ vọng về Fed

Sự quan tâm đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp lớn đến mức nhu cầu dành cho trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm trong buổi đấu giá hôm 9/11 bị suy giảm đôi phần.

Kết phiên đấu giá quy mô 35 tỷ USD, đại lý sơ cấp – các tổ chức tài chính đóng vai trò là người mua nốt số trái phiếu Kho bạc mà những nhà đầu tư khác không hứng thú – đã buộc phải mua vào lượng trái phiếu lớn nhất trong hơn một năm.

 

Nhà đầu tư được khích lệ bởi phản ứng của thị trường sau dữ liệu lạm phát thấp hơn dự kiến. Hôm 10/11, chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh nhất trong hơn hai năm, các thước đo biến động cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8 dựa trên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.

Theo công cụ FedWatch của CME, giới đầu tư đang cược rằng Fed có thể sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) trong cuộc họp tiếp theo, với xác suất là 81% - cao hơn hẳn con số 62% một tuần trước.

Ông Marty Fridson, Giám đốc đầu tư tại Lehmann, Livian, Fridson Advisors, nói: “Tôi nghĩ các nhà đầu tư đang hy vọng là họ sẽ không cần tin lời cảnh báo của Chủ tịch Jerome Powell và Fed sẽ phải nương tay với lãi suất.

Bất cứ khi nào có chút tin tức tốt – bao gồm số liệu CPI tháng 10, nhà đầu tư lại nghĩ rằng ‘giờ ông Powell sẽ bớt diều hâu hơn’”.

Nhưng dù các điều kiện tài chính đã được cải thiện, hầu như không ai tin rằng các thương vụ IPO sẽ nóng lên.

Doanh nghiệp đại chúng có thể hoàn tất các đợt phát hành thêm trái phiếu khá nhanh chóng. Ngược lại, những công ty muốn lên sàn thường cần ít nhất một tuần để tổ chức các sự kiện thuyết phục nhà đầu tư tiềm năng. Trong khoảng thời gian này, thị trường rất có thể sẽ đổi chiều và khiến toàn bộ các tính toán bị đảo lộn. 

Giang