|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Từ Elon Musk đến Mark Zuckerberg, các 'thiên tài đơn độc' vừa trải qua một tuần đầy sóng gió

11:03 | 14/11/2022
Chia sẻ
Sự sụp đổ của sàn FTX, tình trạng hỗn loạn tại Twitter và cuộc sa thải quy mô lớn ở công ty mẹ của Facebook cho thấy mô hình quản trị kiểu thiên tài đơn độc có thể gây ra thất bại khổng lồ.

 

Hai tỷ phú Elon Musk (trái) và Mark Zuckerberg. (Ảnh: AP, Reuters). 

Quyền lực quá lớn

Sàn giao dịch FTX của “siêu sao” thế giới tiền mã hóa Sam Bankman-Fried đã phải đệ đơn xin phá sản. Twitter rơi vào hỗn loạn sau khi được Elon Musk mua lại. Rõ ràng, các thiên tài của giới công nghệ vừa trải qua một tuần thảm họa.

Elon Musk tuyên bố triều đại của ông ở Twitter sẽ “không nhàm chán”. Rõ là các quyết định đột ngột và gây tranh cãi của Musk đã làm được điều đó. Nhưng đồng thời, những quyết định này cũng làm lộ rõ các vấn đề quản trị doanh nghiệp thường gây tổn hại cho các cổ đông.

Ông Jeffrey Sonnenfeld, giáo sư tại Trường Quản lý Yale nói với CNBC: “Chắc chắn Sam Bankman-Fried là một thiên tài...nhưng phải có ai đó đủ sức hãm anh ta lại. Khi quyền lực của một thiên tài tại doanh nghiệp trở nên quá lớn, thì khó ai có thể quản được họ”.

Ít ai nghi ngờ về trí tuệ của Elon Musk, Sam Bankman-Fried hay Mark Zuckerberg và cũng chẳng mấy ai sẽ xếp công ty của họ vào cùng nhóm với các doanh nghiệp từng thất bại một cách ê chề. Nhưng ông Sonnenfeld chỉ ra điểm chung của các công ty này là chúng được phép vận hành mà không bị giám sát chặt chẽ.

“Nhiều công ty như Theranos, WeWork, Groupon, MySpace, WebMD hay Naptster đã rơi xuống vực thẳm vì không có hệ thống quản trị đúng đắn. Những công ty đó không hiểu được họ phải làm thế nào để phát huy tốt nhất khả năng của thiên tài". 

Trong trường hợp của Bankman-Fried, ông Sonnenfeld nói FTX thiếu một hội đồng quản trị (HĐQT) - những người nên đặt ra những câu hỏi hóc búa cho nhà quản lý. Nhưng ông cũng nói rằng các HĐQT thường không kiểm soát được các thiên tài.

Zuckerberg là một ví dụ khác. Khi Meta, công ty mẹ của Facebook, thông báo sẽ chuyển trọng tâm sang metaverse hồi năm ngoái, ông Sonnenfeld cho biết các thành viên HĐQT gần như không có tiếng nói.

Meta sa thải 11.000 nhân viên trong tuần vừa rồi và thông báo sẽ tạm ngừng tuyển dụng. Doanh thu của Meta sụt giảm nhưng chi tiêu gia tăng vì metaverse, ván cược mà Zuckerberg cảnh báo là có thể phải mất cả thập kỷ để thành công.

Tesla vạ lây vì cuộc tiếp quản Twitter của Elon Musk. Cổ phiếu Tesla lao dốc trong tuần qua sau khi Musk nói với các nhân viên Twitter rằng ông đã phải bán bớt cổ phiếu để “cứu” mạng xã hội này. Một nhà phân tích Phố Wall nhận định rằng Twitter là rủi ro kinh doanh của Tesla và sau đó đã xóa tên hãng xe điện này khỏi danh sách những cổ phiếu đáng đầu tư nhất.

Musk và Zuckerberg đều đã biến công ty của họ thành những đế chế nghìn tỷ USD (dù Musk không phải người sáng lập ra Tesla). Nhưng giờ đây, cả Tesla lẫn Facebook đều đã đánh mất vị thế công ty vốn hóa nghìn tỷ USD bởi hàng loạt yếu tố - từ môi trường kinh tế vĩ mô cho đến các quyết định của nhà lãnh đạo.

 

 Thừa nhận sai lầm 

Các nghiên cứu thị trường chỉ ra rằng theo thời gian, các nhà sáng lập có thể sẽ trở thành rủi ro tài chính tới giá trị của công ty.

Theo nghiên cứu hoạt động tài chính của hơn 2.000 công ty đại chúng do Harvard Business Review thực hiện, trong những năm đầu, các công ty được dẫn dắt bởi nhà sáng lập thường vượt trội so với những công ty khác.

Nhưng ba năm sau cuộc IPO, sự khác biệt biến mất. Và sau khoảng thời gian đó, các nhà sáng lập kiêm CEO “sẽ bắt đầu làm giảm giá trị doanh nghiệp”.

Giáo sư Sonnenfeld cho biết các tay chơi lớn trong thương vụ Twitter của Elon Musk bao gồm Fidelity Investments và Brookfield Asset Management đều không tham gia vào HĐQT của Twitter hay có tiếng nói trong suốt giao dịch.

Do đó, thương vụ này không được ai giám sát. Musk hiện phải phân bổ thời gian cho 6 công ty: Tesla, SpaceX, SolarCity/Tesla Energy, Twitter, Neuralink và The Boring Company.

Các công ty được dẫn dắt bởi những thiên tài đơn độc trước hết cần có hệ thống quản trị mạnh mẽ. Ông Sonnenfeld nói rằng việc xây dựng các cơ chế phân chia quyền lực và HĐQT có kinh nghiệm thực tế, năng lực giám sát và can gián CEO là điều tối quan trọng để những công ty này giảm nguy cơ mắc phải các sai lầm tốn kém.

Nhưng điều này không có nghĩa là thị trường không cần các thiên tài. Ông Sonnenfeld nói: “Thế giới tốt đẹp hơn khi có Elon Musk và Mark Zuckerberg. Nhưng chúng ta không thể để mặc họ”.

Trong những sự vụ gần đây, những nhà lãnh đạo này cũng đã tự phê bình bản thân. Sáng 10/11, một ngày trước khi FTX nộp đơn phá sản, Bankman-Fried đã gửi lời “xin lỗi” trên Twitter, thừa nhận đã “mắc sai lầm thậm tệ” và “lẽ ra phải làm tốt hơn”.

Trong thông báo sa thải 11.000 nhân viên, Zuckerberg nói: “Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định này. Tôi là người sáng lập và CEO, tôi chịu trách nhiệm về sức khỏe và định hướng của công ty, cũng như điều hành công ty...”

Elon Musk viết tweet: “Xin hãy lưu ý rằng Twitter sẽ làm rất nhiều việc ngu ngốc trong những tháng tới”.

Nhưng ông Sonnenfeld nói rằng thay vì xin lỗi hay thừa nhận các hành động "ngu ngốc", những nhà lãnh đạo trên nên cho phép người khác chỉ trích họ thường xuyên hơn và mau chóng hơn.

Ông nói tiếp: “Các thiên tài cần được quản lý, họ phải được hướng dẫn và có một HĐQT giúp họ phát huy tốt nhất khả năng của bản thân và ngăn họ hình thành cảm giác bất khả chiến bại như vua chúa”.

Giang