‘Ông chủ’ FTX đã lừa cả thế giới tiền mã hoá và thậm chí lừa chính bản thân mình như thế nào?
Trước khi thế giới bắt đầu biết sự thật về Sam Bankman-Fried (SBF), trước sự hoảng loạn, những cuộc điều ra và sự sụp đổ, dấu hiệu của cơn khủng hoảng đã bắt đầu lan toả trong đế chế tiền mã hoá của anh, theo Bloomberg.
Ở FTX, sàn giao dịch đã biến cái tên SBF trở thành một biểu tượng của sự giàu có và quyền lực, một câu hỏi liên tục được nhắc lại: SBF đang ở đâu?
Theo nhiều nhân viên và cựu nhân viên FTX, SBF dường như đã biến mất. Và rồi, không một lời giải thích, một phòng ban suýt chút nữa không nhận được lương hồi tháng 10. Điều gì đó không ổn đang diễn ra.
Thế nhưng chỉ gần đây, quy mô của sự bất ổn này mới dần lộ diện rõ ràng. Hôm 11/11, “đế chế” tiền mã hoá của SBF, bao gồm hơn 130 công ty, trượt dần vào tình trạng phá sản. Sự kiện này không khác gì một cú đấm vào ngành công nghiệp tiền mã hoá khi SBF vẫn được ví như J.P. Morgan của thời đại này.
Khi FTX đệ đơn xin bảo hộ phá sản hôm 11/11, nhiều câu hỏi đã được đưa ra, trong đó có những câu hỏi lớn như: Liệu 1 triệu khách hàng của FTX có thể lấy lại được tiền? Một số nhà đầu tư đã cảm nhận được rắc rối từ trước và đã nhanh chóng rút chân ra khỏi cuộc chơi. Cùng thời điểm, nhiều cái tên lớn ở Thung lũng Silicon từng đầu tư vào SBF đang đứng trước những khoản lỗ lớn.
Cho tới thời điểm hiện tại, nhiều câu chuyện về SBF đã được chia sẻ. Thế nhưng, khi thực hiện phỏng vấn với hàng chục nhân viên, cựu nhân viên và các nguồn tin thân cận khác, Bloomberg nhận thấy bức tranh u ám hơn cả những gì mọi người đã biết.
Mối liên quan mật thiết
Gần hai tháng trước khi vụ việc vỡ nở, SBF gặp khó khăn khi trả lời câu hỏi mà hầu hết mọi người đều cảm thấy rất đơn giản: Anh đang sống ở đâu?
“Xin lỗi, tôi do dự vì tôi chủ yếu ngủ trong túi”, anh nói. SBF tham gia một cuộc họp qua Zoom và trả lời các câu hỏi từ một nhóm phóng viên về lằn ranh giữa FTX và Alameda Research, công ty giao dịch mã hoá hoạt động như văn phòng gia đình của anh.
Trước đó, SBF được cho là sống trong một căn hộ ở Bahamas với bạn cùng phòng bao gồm cả những người lãnh đạo Alameda.
Điều SBF cũng không nói vào thời điểm đó là không có nhiều ranh giới giữa 2 công ty. SBF có thời điểm hẹn hò với Caroline Ellison, CEO của Alameda, theo CoinDesk.
Mối liên hệ giữa FTX và Alameda là tâm điểm của sự sụp đổ của SBF. Uỷ ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) đang điều tra về sự liên quan giữa 2 công ty này và liệu FTX có đang đối xử thiếu hợp lý với tiền của khách hàng hay không.
Hai công ty đóng các vai trò khác nhau: FTX cung cấp dịch vụ giao dịch, cho phép khách hàng nộp tiền và mua hơn 300 token khác nhau, sử dụng các khoản vay lớn để đặt cược lớn và rủi ro. Đó cũng là thương hiệu chính của SBF.
Mô hình kinh doanh rủi ro
Ngược lại, Alameda phần lớn hoạt động một cách âm thầm. Nó chỉ có khoảng 30 nhân sự nhưng mang về 1 tỷ USD lợi nhuận trong năm ngoái. SBF sáng lập Alameda trước vào năm 2017 sau khi rời một công ty đầu tư tại Phố Wall. Mãi phải 2 năm sau đó FTX mới được thành lập.
Ghép cặp một công ty giao dịch và một sàn giao dịch là một phi vụ kinh doanh đầy rủi ro. Để đảm bảo an toàn cho tiền của khách hàng, 2 pháp nhân này thường hoạt động độc lập ở các thị trường được quản lý chặt chẽ, điều vốn không tồn tại ở mảng tiền số.
Đối với một số người, việc FTX và Alameda có mối quan hệ tài chính phức tạp là một bí mật công khai. Một người từng nhận được tiền đầu tư từ Alameda Ventures (công ty đầu tư mạo hiểm của Alameda) cho biết thực tế lại nhận được đầu tư từ FTX.
Mối liên hệ với Alameda được xem là thứ đã đưa “đế chế” của SBF vào chảo lửa.
Một số báo cáo nói rằng bảng cân đối tài chính của Alameda cho thấy dư nợ lớn đối với FTX thông qua đồng token của FTX là FTT đã khiến các nhà đầu tư cảm thấy bất an. Sự hoảng loạn dâng lên đỉnh điểm khi Changpeng Zhao (CZ), CEO của Binance, chia sẻ trên Twitter về việc Binance đã bán hết số FTT nắm giữ, trị giá hơn 500 triệu USD.
Hôm 8/11, Zhao đưa ra đề nghị mua lại FTX để cứu lấy sàn giao dịch này song “quay xe” chỉ 1 ngày sau đó.
“Vấn đề nằm ngoài kiểm soát và khả năng trợ giúp của chúng tôi”, ông nói. CZ gọi nó là “một ngày buồn” kèm theo emoji mặt khóc.
Dấu hiệu của rắc rối
Mặc dù các vấn đề của FTX chỉ được biết đến rộng rãi vài ngày trở lại đây, hành động của SBF đã khiến nhiều nhân viên cảm thấy lo lắng suốt nhiều tuần.
Bên trong FTX, SBF không gặp các nhân viên cao cấp vốn báo cáo trực tiếp cho ông trong ít nhất 1 tháng. Một phòng ban gặp rắc rối trong việc nhận lương cách đây vài tuần và không được giải thích lý do.
Đây không phải lần đầu tiên điều này xảy đến. Vấn đề với việc trả lương đã xuất hiện từ đầu năm nay khi các khoản thưởng được chi trả chậm trễ. Đây cũng là thời điểm một số scandal của ngành công nghiệp tiền mã hoá nổ ra như sự sụp đổi của TerraUSD, quỹ phòng vệ Three Arrows Capital và nền tảng cho vay Celcius.
Một cách đột ngột, FTX đưa ra đề nghị chi trả bằng cổ phần FTX, vốn gần như không có giá trị lúc này.
Dấu hiệu của khủng hoảng thanh khoản thậm chí xuất hiện sớm hơn trước đó khi một số nhà đầu tư hay quỹ phòng vệ bắt đầu rút hàng triệu USD khỏi FTX, theo nguồn tin thân cận với vấn đề.
Một nguồn tin nói rằng một dấu hiệu báo động báo khác là các khoản rút tiền vốn chỉ mất vài giây để thực hiện thì nay cần đến vài giờ. Dù vậy, vẫn có nhiều cổ đông lớn chưa nắm được tình hình. Nhiều nhà đầu tư thừa nhận họ chỉ biết tới các vấn đề của FTX cho tới gần đây.
Ngay cả khi sự việc giữa Binance và FTX xảy ra, một số nhà đầu tư và nhân viên vẫn đủ lạc quan về tương lai của FTX đến mức họ từ chối bán cổ phần cho những người mua quan tâm. Đầu tuần này, nhiều người mua quan tâm đến FTX vẫn không tìm được người bán trên các sàn giao dịch thứ cấp.
Sự lạc quan bốc hơi
Sự lạc quan nhanh chóng biến mất khi token FTT bước vào giai đoạn giảm 80% giá trị chỉ trong 24 giờ tiếp theo. Sequoia Capital, một trong những nhà đầu tư nổi tiếng nhất của FTX, tuyên bố xoá bỏ giá trị khoản đầu tư vào FTX trên Twitter.
Giống khách hàng, nhân viên FTX nói rằng nội bộ công ty cũng có sự hỗn loạn. Một người nói rằng các bảng cân đối tài chính họ được xem không có vấn đề thanh khoản. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng FTX có những hồ sơ, sổ sách khác.
SBF từng nhấn mạnh hay yếu tố quan trọng của ngành tiền mã hoá là minh bạch và phi tập trong. Song những gì đang xảy ra khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về những gì họ thực sự biết vì anh ta.
Gần đây, câu hỏi SBF đang ở đâu cũng bắt đầu có câu trả lời.
SBF đã dành thời gian ở Trung Đông để cố gắng gọi vốn vào cuối tháng 10. Anh đã có các cuộc gặp với quỹ đầu tư nhà nước Ả-rập Xê-út và công ty Mubadala Investment Co.
Anthony Scaramucci, người bán một phần công ty SkyBridge Capital cho FTX Ventures vào tháng 9 năm nay, là người giúp SBF gọi vốn. Thế nhưng, thảo luận đầu tư không có kết quả.
Khi lãnh đạo không có mặt, một số nhân sự của FTX tự tìm cách giải quyết vấn đề và kêu gọi đầu tư. Một số nhà đầu tư không nghe điện thoại và rút chân ra khỏi bàn đàm phán. Mọi thứ quá rủi ro, đặc biệt là khi hồ sơ phá sản đã được đặt trên bàn hổi tuần này.
Mùa hè năm nay, 2 thành viên thân cận của SBF ở Alameda và FTX.US rời công ty thu hút sự chú ý nội bộ.
SBF, người điều hành cả Alameda và FTX cho tới năm ngoái, đã trao quyền lại cho Ellison và Sam Trabucco đồng lãnh đạo vào tháng 10/2021.
Thế nhưng Trabucco đã rời công ty hồi tháng 8 mà không đưa ra nhiều lời giải thích. Brett Harrison, lãnh đạo FTX.US, cũng rời công ty một thời gian ngắn sau đó mà không chia sẻ về điểm đến tiếp theo.
Giờ thì sao?
Hôm 11/11, sự sụp đổ của SBF đi đến hồi kết. Anh từ chức CEO FTX Group sau khi đệ đơn phá sản. Từng có giá trị ước tính 15,6 tỷ USD hồi đầu tuần, giá trị các tài sản chính của SBF giờ gần như bằng 0, theo Bloomberg.
“Nhiều người so sánh điều này với Lehman Brothers nhưng tôi so sánh nó với bê bối Enron”, ông Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Ngân khố Mỹ, nói với Bloomberg. “Không chỉ là sai lầm tài chính mà còn có dấu hiệu lừa đảo”, ông nhận định.
Gần 1 triệu khách hàng của FTX đặt ra câu hỏi liệu họ có lấy lại được tiền của mình.