Dow Jones vọt lên 1.200 điểm, Nasdaq tăng 7,4%: Chứng khoán Mỹ bùng nổ khi lạm phát thấp bất ngờ
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 1.201 điểm, tương đương 3,7%, và kết phiên ở 33.715 điểm. Theo CNBC, đây là phiên bứt phá mạnh nhất của chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này kể từ hố sâu đại dịch đầu năm 2020.
Chỉ số S&P 500 bật tăng 5,54% lên 3.956 điểm, ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Tương tự, Nasdaq Composite vọt lên 7,35% và kết phiên ở 11.114 điểm, đánh dấu phiên tích cực nhất kể từ tháng 3/2020.
Sáng 10/11, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,4% so với tháng liền trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Con số 7,7% này là tỷ lệ lạm phát thấp nhất kể từ tháng 1/2022 và thấp hơn đáng kể so với mức 8,2% của tháng 9.
Các số liệu lạm phát tháng 10 nói trên đều thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự báo CPI tháng 10 tăng tới 0,6% so với tháng trước và 7,9% so với cùng kỳ 2021.
Nếu không kể giá lương thực và năng lượng, chỉ số CPI lõi tăng 0,3% so với tháng trước và 6,3% so với một năm trước, cũng đều thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế.
Mặt bằng lợi suất lao dốc sau báo cáo CPI. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm rơi khoảng 30 điểm cơ bản (bps) xuống còn 3,81% khi các nhà giao dịch tin tưởng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ, bớt áp lực với thị trường chứng khoán. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm cũng giảm 30 bps xuống còn 4,32%.
Một nhân tố tiêu cực với cổ phiếu trong những tháng gần đây là đồng USD cũng ghi nhận phiên giảm sút mạnh nhất kể từ năm 2009 so với một rổ gồm 6 loại ngoại tệ mạnh.
CNBC dẫn lời ông Tim Courtney, Giám đốc Đầu tư tại công ty quản lý tài sản Exencial Wealth Advisors, nhận định: “Lãi suất vẫn đang quyết định mọi thứ trên thị trường. Với con số lạm phát giảm xuống như hôm nay, thị trường đang đánh cược khá rõ ràng rằng giai đoạn lãi suất tăng đang dần đi đến hồi kết. Vậy nên những cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất đã đi lên rất, rất mạnh”.
Cổ phiếu công nghệ là nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi lạm phát cao và lãi suất tăng. Phiên 10/11, công nghệ là nhóm dẫn dắt đầ tăng của thị trường, như thể hiện ở biểu đồ bên trên. Cụ thể: Amazon vọt lên 12,2%, Apple và Microsoft cùng thêm hơn 8%, Meta hồi phục hơn 10%, Tesla tăng 7%.
Cổ phiếu ngành bán dẫn cũng diễn biến tích cực với Lam Research tăng 12% và Applied Materials thêm 115. KLA tăng 9%.
Giáo sư Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton nhận định: “Lạm phát đang thấp hơn nhiều so với Fed nghĩ” và “Làn sóng lạm phát về cơ bản đã kết thúc và Fed không cần phải nâng lãi suất lên cao tới mức như các nhà đầu tư lo sợ”.
Bà Loretta Mester, Chủ tịch chi nhánh Cleveland của Fed, cho biết bà cảm thấy vui mừng về số liệu CPI mới nhất nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để hạ áp lực lạm phát trong nền kinh tế Mỹ.
“Lạm phát hiện nay vừa cao, vừa lan rộng, vừa dai dẳng. Vì vậy tôi cho rằng chính sách tiền tệ sẽ cần phải thắt chặt hơn và duy trì tính thắt chặt trong một khoảng thời gian để đưa lạm phát vào con đường bền vững về mức mục tiêu 2%”.