EU đồng lòng chống lại Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ
Theo CNBC, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang kiên quyết chống lại Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) của Tổng thống Mỹ Joe Biden. EU lo sợ đạo luật này sẽ gây thiệt hại cho các công ty và nền kinh tế châu Âu.
Các bộ trưởng tài chính của 27 nước thành viên EU đã thảo luận về đạo luật trên vào hôm 8/11. IRA được các nhà lập pháp Mỹ thông qua vào tháng 8, bao gồm khoản chi tiêu kỷ lục trị giá 369 tỷ USD cho các chính sách về khí hậu và năng lượng.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố có những “lo ngại nghiêm trọng” về cấu trúc của các ưu đãi tài chính trong gói này. “Mỗi bộ trưởng đều nhất trí rằng [IRA] là một chủ đề đáng quan tâm ở cấp độ châu Âu và chúng ta cần xem xét cách phản ứng tốt nhất”, một quan chức giấu tên của EU cho biết.
Quan chức này nói thêm rằng “có sự nhất trí về mặt chính trị (giữa 27 bộ trưởng) rằng kế hoạch của Mỹ đe dọa ngành công nghiệp châu Âu”.
Cạnh tranh không công bằng
EU đã liệt kê ít nhất 9 điểm trong Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ có khả năng xâm phạm quy tắc thương mại quốc tế. Điểm đáng chú ý nhất với phía châu Âu là khoản tín dụng thuế cho những loại xe điện được sản xuất tại Bắc Mỹ. Khoản hỗ trợ này có thể mang tới thách thức cho những nhà sản xuất ô tô đang tập trung vào xe điện tại châu Âu như Volkswagen.
Ông Valdis Dombrovskis, Ủy viên Thương mại của EU, tuyên bố: “Những gì chúng tôi tìm kiếm là: EU, với tư cách là đồng minh thân cận của Mỹ, nên ở một vị trí tương tự như Mexico hay Canada”.
Các quan chức Hàn Quốc cũng đã đưa ra những lo ngại tương tự như phía EU. Kế hoạch của Mỹ cũng có thể hạn chế Hyundai và các doanh nghiệp khác kinh doanh tại nước này.
Một quan chức khác cho biết cuộc thảo luận “không quá sâu”, cho thấy sự đồng lòng của các bộ trưởng EU ở cấp độ sâu rộng. Quan chức này cũng nói thêm rằng Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã nói với những người đồng cấp của mình rằng ông không mong muốn một quyết định mạnh mẽ chống lại Mỹ.
Ông Le Maire chỉ yêu cầu một “lời cảnh tỉnh” cho những người đồng cấp tại châu Âu của mình, những người cần bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp châu Âu.
Trước đó, vào hôm 7/11, ông Le Maire nói: “Chúng ta cần hết sức rõ ràng, thống nhất và mạnh mẽ từ đầu để giải thích với những đối tác tại Washington rằng khả năng bảo toàn sân chơi công bằng giữa Mỹ và châu Âu đang bị IRA đe dọa”.
“Sân chơi công bằng là cốt lõi của quan hệ thương mại giữa hai châu lục và chúng tôi không muốn thấy bất cứ quyết định nào có thể gây hại cho sự công bằng này”, ông nói.
Các quan chức Pháp từ lâu đã ủng hộ độc lập về mặt chiến lược, tức là EU cần phải tự chủ hơn khỏi các nước chẳng hạn như Trung Quốc và Mỹ, bằng cách hỗ trợ nền công nghiệp của mình.
Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gợi ý rằng EU nên xem xét một “Đạo luật Mua hàng Châu Âu” nhằm bảo vệ các hãng xe của mình.
“Chúng ta cần một Đạo luật Mua hàng Châu Âu như phía Mỹ, chúng ta cần dành [khoản trợ cấp] cho các nhà sản xuất châu Âu”, ông Macron nói. “Trung Quốc đang tự bảo vệ nền công nghiệp của mình, Mỹ cũng đang tự bảo vệ nền công nghiệp của mình, còn châu Âu thì lại mở rộng cửa”.
Một nhóm quan chức châu Âu và Mỹ đã vừa có cuộc họp đầu tiên về chủ đề này vào tuần trước, và sẽ nhóm họp hàng tuần để tìm cách giải quyết những mối quan ngại của châu Âu về IRA.
Nhà Trắng cho biết ý tưởng của những cuộc họp này là nhằm “tiếp tục thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn nữa về ảnh hưởng của IRA trong việc giảm chi phí cho hộ gia đình, các mục tiêu chung về khí hậu, cơ hội và mối lo ngại của những nhà sản xuất châu Âu”.
Tuy vậy, phía Mỹ đang diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, và IRA đã được ban hành thành luật. Bởi vậy, bất kỳ thay đổi nào trong đạo luật này sẽ diễn ra vào giai đoạn thực hiện.
Ông Fredrik Erixon, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế Châu Âu, nói “rõ ràng EU có những lo ngại chính đáng về IRA và sự phân biệt đối xử trực tiếp, gián tiếp trong đó”.
“Nhiều chính sách của IRA có xu hướng ‘Nước Mỹ là trên hết’ sẽ làm tổn hại tới sự cạnh tranh và các doanh nghiệp EU, đặc biệt trong những lĩnh vực mà EU có khả năng cạnh tranh, bao gồm công nghiệp xanh và công nghệ sạch”, ông cho biết.
“EU có thể tìm đến Tổ chức Thương mại Thế giới để giải quyết những vấn đề trên, nhưng liên minh này quan tâm hơn tới việc dàn xếp song phương”, ông cho hay.