|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FiinGroup: Kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục sôi động năm 2021

15:51 | 16/02/2021
Chia sẻ
Theo FiinGroup, kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ là một sự lựa chọn mang tính chiến lược về vốn của cả các doanh nghiệp niêm yết và các doanh nghiệp chưa niêm yết nói chung. Tuy nhiên, với những yêu cầu khắt khe hơn trong các quy định phát hành riêng lẻ, kênh huy động bằng trái phiếu có thể sẽ không đạt được quy mô như năm 2020.

Nhu cầu vốn vay của doanh nghiệp ngày càng tăng mạnh khi dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền hoạt động ngắn hạn trong khi mô hình kinh doanh về dài hạn và vị thế vẫn rất tốt. 

Trong bối cảnh tiêu chuẩn cho vay đang bị thắt chặt, đặc biệt với các ngành bị hạn chế cấp tín dụng như bất động sản, BOT giao thông và hạ tầng, và đại đa số các doanh nghiệp đều không có tài sản thế chấp để có thể vay vốn trực tiếp từ ngân hàng, kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã và đang trở thành một kênh huy động vốn thay thế.

FiinGroup: Hoạt động phát hành riêng lẻ có thể kém sôi động hơn trong năm 2021 - Ảnh 1.

Báo cáo về triển vọng thị trường trái phiếu năm 2021 của FiinGroup nhận định do dòng tiền trong ngắn hạn của doanh nghiệp bị suy yếu bởi tác động của dịch bệnh, doanh nghiệp cần thêm thời gian và vốn để hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tái cấu trúc nợ.

Sử dụng chỉ số lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) để đánh giá dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có thể thấy, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến dòng tiền ngắn hạn của doanh nghiệp là khá lớn, với mức giảm trung bình 26% trong 9 tháng 2020 so với cùng kỳ.

FiinGroup: Hoạt động phát hành riêng lẻ có thể kém sôi động hơn trong năm 2021 - Ảnh 2.

Xét trên mặt bằng chung, khả năng chi trả lãi vay của doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng đáng kể, với mức trung bình 4 lần trong các năm trước xuống chỉ còn 3 lần tại quý III/2020. Doanh nghiệp vẫn cần thêm thời gian để có thể khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng như vốn để tái cấu trúc nợ.

FiinGroup: Hoạt động phát hành riêng lẻ có thể kém sôi động hơn trong năm 2021 - Ảnh 3.

Tuy đã có một số tín hiệu tích cực nhưng vẫn đang có sự phân hóa lớn về khả năng hồi phục giữa các ngành. Có thể thấy, những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành du lịch và giải trí, dầu khí, bất động sản hay dịch vụ công nghiệp đang phải chịu tác động tiêu cực nhất khi dòng tiền kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. 

Đây cũng là những nhóm doanh nghiệp có nhu cầu vốn trung và dài hạn khá lớn để phục vụ đầu tư các dự án đòi hỏi quy mô lớn. FiinGroup cho rằng nhu cầu huy động vốn từ các doanh nghiệp trong các nhóm ngành này sẽ được tăng mạnh hơn nữa dòng tiền ngắn hạn bị ảnh hưởng, trong khi mô hình kinh doanh về dài hạn và vị thế của họ trong ngành vẫn rất tốt.

Môi trường lãi suất thấp sẽ tiếp tục làm tiền đề cho kênh huy động qua TPDN

FiinGroup nhận định tín dụng ngân hàng trung và dài hạn khó có dư địa tăng trưởng mạnh để đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp. Do đó, việc tiếp tục tìm kiếm đến nguồn vốn dài hạn từ kênh trái phiếu là điều sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2021.

Trong xu hướng chung nhằm đảm bảo an toàn và sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, mức tăng trưởng tín dụng dự kiến năm 2021 sẽ tiếp tục duy trì ở mức 12-14% như trong 3 năm qua. 

Theo đó, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn nhiều hơn còn kênh tín dụng trung và dài hạn sẽ hướng đến kênh trái phiếu doanh nghiệp và phát hành trên thị trường cổ phiếu.

Theo FiinGroup, trong bối cảnh nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp rất lớn và thị trường cổ phiếu nhiều biến động, kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ là một sự lựa chọn mang tính chiến lược về vốn của cả các doanh nghiệp niêm yết và các doanh nghiệp chưa niêm yết nói chung. 

Hơn nữa, theo số liệu từ 29 ngân hàng thương mại chiếm 86% dư nợ toàn hệ thống thì cơ cấu dư nợ dài hạn chiếm 31% tương đương 2,2 triệu tỷ đồng (khoảng 94 tỷ USD). Với quy mô phát hành mới 429,5 nghìn tỷ đồng năm 2020 (khoảng 18,5 tỷ USD) chiếm 19,5% dư nợ dài hạn vào cuối tháng 9/2020, sẽ rất khó để năng lực cho vay dài hạn của các ngân hàng thương mại có thể đáp ứng.

Mặc dù các ngân hàng thay vì đẩy mạnh cho vay dài hạn thì cũng đã gia tăng danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tuy nhiên các quy định mới gần đây của ngân hàng nhà nước cũng đã làm hạn chế hoạt động này. Thực tế, tỷ trọng danh mục đầu tư TPDN tại tháng 9/2020 chiếm 7,12% dư nợ cho vay tín dụng của ngân hàng và đang có xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay hiện đang ở mặt bằng thấp và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm 2021, đặc biệt là với lãi suất huy động hiện ở mức 5- 5,5% cho kỳ hạn dài trên 12 tháng thì kênh đầu tư trái phiếu với lãi suất 8-12% sẽ vẫn thu hút vốn của công chúng nói chung và người gửi tiền nói riêng, Fiin Group cho hay. 

Hoạt động phát hành riêng lẻ có thể kém sôi động hơn trong năm 2021

Báo cáo của FiinGroup cũng cho biết Nghị định 153/2020 mặc dù gỡ bỏ các điều kiện phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp nhưng lại giới hạn đối tượng mua trái phiếu là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với điều kiện cụ thể. 

Điều này sẽ giảm mức hấp thụ của kênh phát hành riêng lẻ trong ngắn hạn và do đó, ở góc độ "ép cầu" thì hoạt động phát hành riêng lẻ có thể kém sôi động hơn trong năm 2021.

Theo FiinGroup, việc chuẩn hóa về yêu cầu và quy trình cho phát hành ra công chúng sẽ giúp kênh huy động này diễn ra sôi động hơn trong năm 2021 dù các thủ tục và yêu cầu cao hơn về xin phê duyệt, công bố thông tin, và xem xét xếp hạng tín nhiệm độc lập cho nhà phát hành và trái phiếu chào bán. 

Do đó, tổ chức này tin rằng hoạt động của thị trường TPDN năm 2021 vẫn sẽ sôi động, nhưng về quy mô thì sẽ khó đạt được giá trị phát hành như năm 2020 vừa qua. 

Các hoạt động phát hành riêng lẻ vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn, nhưng các hoạt động phát hành ra công chúng sẽ được chú ý và chiếm tỷ trọng lớn hơn trong thời gian tới, thay vì chỉ chiếm 6,5% tổng giá trị phát hành như trong năm 2020.

FiinGroup: Hoạt động phát hành riêng lẻ có thể kém sôi động hơn trong năm 2021 - Ảnh 4.

FiinGroup: Hoạt động phát hành riêng lẻ có thể kém sôi động hơn trong năm 2021 - Ảnh 5.

Nguồn: FiinGroup

 

Hoàng Kiều

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.