ĐHĐCĐ GC Food: Quý I lãi trước thuế gần 29 tỷ đồng, đã chốt được giá chào bán 30.000 đồng/cp cho nhà đầu tư chiến lược

Sáng ngày 10/4, CTCP Thực phẩm G.C (GC Food, Mã: GCF) tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên 2025. Đại hội có sự tham gia của 43 cổ đông (bao gồm tham dự trực tiếp và ủy quyền), đại diện gần 30 triệu cổ phần, chiếm 97,67% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. (Ảnh: Nguyên Ngọc).
Quý I lãi trước thuế 29 tỷ đồng, quan sát thêm tác động từ chính sách thuế quan đối ứng
Theo báo cáo của bà Bùi Thị Mai Hiên, Thành viên HĐQT, trong năm 2024, công ty đạt doanh thu thuần gần 579 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 64 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp được cải từ 29% lên 35%. Với kết quả này, công ty dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 16% bằng tiền mặt, tương đương hơn 51 tỷ đồng.
Công ty đặt kế hoạch kinh doanh 2025 với doanh thu thuần hơn 716 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 90 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 41% so với kết quả đạt được trong năm 2024. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 10% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.
Để đạt được các mục tiêu trên, công ty sẽ tập trung mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế; đầu tư vào thương mại điện tử, liên kết với các nền tảng để tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng; tăng hiện diện tại hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi; cải thiện hiệu quả quản lý chi phí và chuỗi cung ứng.
Ngoài các sản phẩm như hiện nay, công ty sẽ nghiên cứu mở rộng hơn các sản phẩm không chỉ từ nha đam mà còn các sản phẩm từ các nguồn nguyên liệu khác như nho, táo, dứa… theo đặc thù địa phương tại tỉnh Ninh Thuận, Bến Tre… để góp phần phát triển kinh tế địa phương, nơi có vùng nguyên liệu sản xuất.

“Mục tiêu 2025 mang tính thách thức nhưng khả thi với đà tăng trưởng doanh thu và kiểm soát chi phí. Biên lợi nhuận gộp có thể giảm nhẹ do phần lớn doanh thu đến từ khách hàng B2B và phần lớn tệp khách hàng mong muốn giữ giá nguyên liệu đầu vào, tăng sản lượng nên giá bán có thể không đổi, trong khi các chi phí khác từ hoạt động sản xuất tăng.
Chúng tôi xây dựng kế hoạch kinh doanh 2025 từ cuối tháng 12/2024, đến nay đã hết qúy I và đã có nhiều sự thay đổi lớn, đặc biệt là chính sách thuế quan từ Mỹ. Tuy GC Food không bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều từ chính sách thuế quan này nhưng có bị ảnh hưởng gián tiếp bởi nhiều khách hàng mua sản phẩm của GC Food và xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU…
Thế nhưng đến nay vẫn chưa có những ảnh hưởng rõ ràng, chính thức nên chúng tôi vẫn giữ kế hoạch kinh doanh này và tiếp tục quan sát, nếu có điều chỉnh kế hoạch sẽ được thực hiện sau khi kết thúc quý II và công bố vào đầu quý III.
Trong ba tháng đầu năm nay, công ty đạt gần 150 tỷ đồng doanh thu, tăng 24% so với cùng kỳ; lãi trước thuế 29 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ. Kết quả này tương đương 21% kế hoạch doanh thu và 25% kế hoạch lợi nhuận năm”, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT, cho hay.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food, báo cáo tại đại hội
Chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, giá tối thiểu 30.000 đồng/cp
GC Food dự kiến chào bán hơn 7 triệu cổ phiếu với giá tối thiểu 30.000 đồng/cp cho nhà đầu tư chiến lược là CTCP Nguyên liệu Á Châu AIG. Thời gian thực hiện trong năm 2025.
HĐQT cũng xin ý kiến của cổ đông về việc để AIG không phải chào mua công khai. Nếu đợt phát hành diễn ra thành công, AIG sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại GC Food từ 42,43% lên 52,87%.

Biến động giá cổ phiếu GCF. (Nguồn: Wichart.vn).
CTCP Thực phẩm Cô Cô sở hữu nhà máy thạch dừa Vinacoco chuyên sản xuất thạch dừa và gia công các mặt hàng nông sản khác, cung cấp ra thị trường hơn 12.000 tấn mỗi năm.
CTCP Thực phẩm Cánh Đồng Việt (Vietfarm) sở hữu Nhà máy Vietfarm chuyên sản xuất thạch nha đam và các sản phẩm về nha đam, năng lực sản xuất trên 30.000 tấn thạch/năm.
Ước tính số tiền tối thiểu có thể huy động được từ đợt chào bán hơn 214 tỷ đồng. Công ty sẽ dùng số tiền này để góp vốn vào CTCP Thực phẩm Cô Cô (80 tỷ), góp vốn cho CTCP Thực phẩm Cánh Đồng Việt (50 tỷ), trả nợ vay ngắn hạn (40 tỷ) và bổ sung vốn lưu động (hơn 44 tỷ).
Thông qua các hoạt động góp vốn, hai công ty con là CTCP Thực phẩm Cô Cô và CTCP Thực phẩm Cánh Đồng Việt (Vietfarm) sẽ bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị tại các nhà máy sản xuất, trả nợ vay ngắn hạn cho các ngân hàng và bổ sung vốn lưu động.
Giai đoạn năm 2024 - 2025 và các năm tiếp theo, G.C Food tập trung đầu tư các dự án nhằm nâng công suất gấp đôi đối với hai nhà máy của CTCP Thực phẩm Cô Cô Việt Nam và Thực phẩm Cánh Đồng Việt với công suất dự kiến lần lượt là 40.000 tấn và 60.000 tấn. Mục tiêu doanh thu 500 tỷ vào năm 2027 đối với nhà máy Vinacoco và 1.000 tỷ vào năm 2028 đối với nhà máy Cánh Đồng Việt.
Kết quả kinh doanh của hai công ty con


(Nguồn: GC Food).
Tùy tình hình thực tế và nhu cầu sử dụng vốn tại thời điểm chào bán, ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định việc thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán với giá trị thay đổi nhỏ hơn 50% số tiền thu được từ đợt chào bán.
Ngoài ra, HĐQT GC Food trình phương án phát hành gần 4 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 10% cho cổ đông hiện hữu. Nguồn vốn thực hiện từ llợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm ngoái. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2025, sau khi hoàn tất việc phát hành riêng lẻ.

Phiên thảo luận
Cổ đông: Công ty dự kiến tăng năng suất, sản lượng gấp đôi của hai nhà máy. Tương lai hai nhà máy này đóng góp bao nhiêu vào doanh thu? Sau khi hoàn thành, bao lâu thì nhà máy sẽ full công suất?
Chủ tịch Nguyễn Văn Thứ: Theo thiết ké ban đầu, nhà máy thách dừa sản xuất được 1.000 tấn/năm. Trong năm 2024, nhà máy đã vượt công suất với sản lượng trung bình trên 1.000 tấn/năm.
2/2025 là tháng cao điểm, nhà máy sản xuất được 1.500 tấn thành phẩm/tháng. Từ tháng 10/2024 đến tháng 6/2025, nhà máy thách dừa đã tăng sản lượng gấp đôi lên 2.000 tấn/tháng, tương đương 24.000 tấn/năm. Dự kiến đến tháng 6/2025, nhà máy thách dừa sẽ full công suất.
Hiện tại, công ty đang nhập khẩu thêm máy móc phục vụ xuất khẩu Nhật, Trung, Hàn… Nhà cung cấp đã làm xong nhưng công ty có sự thận trọng nhất định nên cử nhân sự sang Trung Quốc trong tháng 4 để kiểm tra, chạy thử, dự kiến tháng 6 sẽ lắp đặt hoàn chỉnh và vận hành. Khi có giàn máy này, công suất sẽ tăng lên gấp đôi. Đã có một số khách trong và ngoài nước đặt hàng bao bì mới (khối lượng 200 kg/túi).
Với 2.000 tấn/tháng, nhà máy Vinacoco có thể full công suất vào năm 2026 và sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng tại chỗ, chủ yếu là sắp xếp lại layout và bổ sung máy móc.
Với nhà máy nha đam, năm 2024 đạt 15.000 tấn/năm và kế hoạch tăng gấp đôi lên 30.000 tấn/năm. Không chỉ đầu tư máy móc mà chúng tôi còn tập trung phát triển vùng nguyên liệu.
Trong năm 2025, dự kiến nhà máy nha đam sản xuất khoảng 18.000 tấn thành phẩm, tương đương 75% công suất sau khi đầu tư. Trong năm 2027, khả năng nhà máy sẽ full công suất với 25.000 – 30.000 tấn/năm.
Nhà máy nha đam tăng trưởng chậm hơn do phụ thuộc vào vùng nguyên liệu và đơn đặt hàng, còn nhà máy thách dừa chúng tôi tự chủ được nguyên liệu và quá trình khai thác nhanh hơn.
Hiện tại chúng tôi đã có thể ước tính được doanh thu quý II từ các hợp đồng đã ký từ tháng 12/2024.

Chủ tịch Nguyễn Văn thứ điều hành phiên thảo luận.
Cổ đông: Công ty mong muốn năm 2025 có thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc trong khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên đang căng thẳng. Chiến lược và giải pháp rủi ro như thế nào từ tình huống này?
Chủ tịch Nguyễn Văn Thứ: Hiện nay, Vietfarm đang xây dựng tiêu chuẩn để đáp ứng điều kiện xuất khẩu vào Mỹ và châu Âu. Năm 2024, xuất khẩu tại thị trường Mỹ đạt kết quả rất khiêm tốn, chỉ với một vài đơn hàng ban đầu nhằm thử nghiệm, thăm dò phản ứng của người tiêu dùng. Thị trường Mỹ chiếm 1 - 2% trên tổng doanh thu.
Chúng tôi đang cố gắng làm việc với các đối tác trong 90 ngày hoãn thuế sắp tới. Các khách hàng mua sản phẩm của công ty để xuất khẩu vào Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, bản thân khách hàng nội địa cũng bị ảnh hưởng.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng thị trường Mỹ chưa chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng doanh thu của GC Food. Chắc chúng ta phải làm quen với việc Mỹ sẽ áp thuế đối với một số mặt hàng nhưng có một số sản phẩm sẽ không cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ thì sẽ chịu thuế thấp.
Một trong biến số rủi ro là thuế quan của Mỹ, không có cách nào khác là chúng tôi phải luôn quan sát và cập nhật để có giải pháp đối ứng kịp thời. Còn bài toán quản trị rủi ro cho trung – dài hạn chỉ mới là một khung chung, chúng ta không thể cố định mà cần phải linh hoạt.
Cổ đông: Công ty đánh giá mức độ rủi ro khi bố trí nhà máy va vùng nguyên liệu cùng một chỗ? Công ty không lo về vùng nguyên liệu vậy có lo lắng về thị trường tiêu thụ không?
Chủ tịch Nguyễn Văn Thứ: Nhà máy ở trong vùng nguyên liệu có điểm lợi về vận chuyển và bảo vệ chất lượng vùng nguyên liệu tươi tốt hơn. Nhiều lô sản phẩm nha đam được sản xuất trong vòng 12 tiếng.
Về mặt quản lý rủi ro khi tập trung quá nhiều vào vùng nguyên liệu, kinh doanh phải chấp nhận rủi ro ở mức độ vừa phải (động đất, thiên tai…). Ninh Thuận đã từng có những trận lụt ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu tuy nhiên ở quy mô nhỏ.
Ninh Thuận gần như không có bão, nền đất chắc, đó là lý do vì sao Chính phủ chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở đây. Vùng nguyên liệu cách nhà máy điện hạt nhân khoảng 35 - 40 km, trong mức độ an toàn.
Hiện chúng tôi đã mở rộng vùng nguyên liệu ra 5 huyện ở Ninh Thuận, thay vì 1 – 2 huyện như trước đây. Sản lượng nguyên liệu ở các vùng mới rất cao.
Nói không lo về vùng nguyên liệu là chúng tôi chia sẻ tình hình thực tế tại đại hội với cổ đông, đội ngũ cũng phải chạy hết tốc lực để đạt được “không lo”. Việc mở rộng nhà máy tạm thời thuận lợi khi có cổ đông chiến lược và ngân hàng hỗ trợ vốn. Chúng tôi ưu tiên sử dụng vốn tự có hơn là vốn vay.
Về hạ tầng, trước kia khi mới đặt nhà máy ở Ninh Thuận thì đúng là có nhiều khó khăn như thời gian di chuyển từ TP HCM ra đến Ninh Thuận khoảng 8 tiếng. Hiện nay, cao tốc đã hoàn thành và thời gian di chuyển từ TP HCM đến Ninh Thuận được rút ngắn một nửa, chỉ còn 4 tiếng. Nếu đi từ TP HCM vào lúc 6 giờ sáng thì 10 giờ đã đến nơi, có thể làm việc với đối tác và quay về vào buổi chiều.
Một container xuất phát từ Ninh Thuận với một container xuất phát từ Đồng Nai, Bình Dương có giá cước như nhau bởi vì khu vực Đồng Nai, Bình Dương có rất nhiều trạm thu phí, còn phía Ninh Thuận rất ít.
Bà Bùi Thị Mai Hiên, Thành viên HĐQT, phụ trách thị trường nội địa: Về thị trường tiêu thụ, với kết quả kinh doanh 2024 tăng trưởng vượt kế hoạch, các khách hàng lớn tiếp tục ký hợp đồng năm 2025 khoảng 50%. Khách hàng mới tập trung ở khu vực miền Bắc. Trong khi những năm trước, hai tháng đầu năm là mùa thấp điểm thì năm nay lại tăng trưởng: Tháng 1 tăng trưởng 20%, tháng 2 tăng trưởng 50% so với cùng kỳ. Doanh thu thị trường nội địa trong quý I vượt kế hoạch khoảng 10%.
Ông Nguyễn Diệp Pháp, Phó Tổng Giám đốc phụ trách thị trường xuất khẩu: Doanh thu xuất khẩu quý I/2025 tăng trưởng trên 15% so với cùng kỳ. Từ khi lập kế hoạch vào cuối năm ngoái, chúng tôi đã có lường trước được một số biến động. Với chính sách thuế đối ứng gần nhất, chúng tôi sẽ quan sát thêm hành động chi tiết từ phía Mỹ và những điều này không dự đoán được.
Chúng tôi không hướng đến Mỹ là thị trường chiến lược. Trong năm nay, chúng tôi tập trung thị trường đông dân, có sức tiêu thụ lớn như Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ… thay vì các thị trường phương Tây.
Cổ đông đề nghị công ty lựa chọn đơn vị kiểm toán thuộc big4
Đại diện CGF: Hội đồng quản trị chúng tôi đã có thảo luận về vấn đề này rồi và chúng tôi thống nhất định hướng năm nay sẽ chuyển đổi sang kiểm toán ở nhóm big4. Chúng tôi đồng ý với cổ đông rằng big4 ngoài việc bảo chứng thông tin, họ còn đưa ra những đề xuất về việc chuẩn chỉnh quy trình cho phòng kế toán và tài chính, điều này sẽ mang lại nhiều giá trị cho GC Food. Tuy nhiên, chi phí cũng là một vấn đề rất quan trọng.
Công ty luôn luôn quan tâm đến chuyện sẽ phải tiết kiệm chi phí. Chúng tôi đã có cân nhắc vấn đề này trong cuộc họp hội đồng quản trị. Chi phí kiểm toán nhóm big4 sẽ cao hơn so với các công ty kiểm toán Việt Nam.
Vừa rồi khi trao đổi với đối tác chiến lược AIG (do nhóm big4 kiểm toán), chúng tôi sẽ cố gắng kết hợp với AIG để làm sao có được thương thảo thật là tốt về gói và chi phí dịch vụ phù hợp với GC Food.
Cổ đông: Thông tin chi tiết về việc phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược?
Chủ tịch Nguyễn Văn Thứ: Chúng tôi có kế hoạch huy động thêm vốn từ AIG nhưng do thời điểm đó phải thực hiện thủ tục phát hành ESOP nên kế hoạch này tạm hoãn lại.Chúng tôi ưu tiên việc phát hành cho cổ đông chiến lược trước.
Sau cuộc họp này, chúng tôi xúc tiến để đợt phát hành được diễn ra sớm nhất có thể, mục tiêu đủ nguồn vốn đáp ứng việc mở rộng, nâng gấp đôi công suất tại hai nhà máy giai đoạn 10/2024 - 6/2025. Hiện nay, chúng tôi đang ứng tiền và huy động thêm một số khoản vay ngân hàng để đầu tư trước. Trong khi khoản tiền AIG cam kết đầu tư vào GC Food lại chưa sử dụng được. Dự kiến việc này sẽ được thực hiện trong quý III.
AIG sẽ mua với giá dự kiến là 30.000 đồng/cp. Thực ra là hai bên đã chốt luôn với nhau mức giá 30.000 đồng/cp. Lúc trước chúng ta dự kiến là 27.000 - 28.000 đồng/cp nên hai bên có thương lượng lại là AIG sẽ được hưởng phần 10% phát hành thêm.
Đại hội thông qua tất cả các tờ trình.