ĐHĐCĐ GC Food: Mục tiêu tự chủ 30% vùng nguyên liệu nha đam trong năm 2023, trọng điểm đầu tư nhà máy nước giải khát ở Ninh Thuận
Chấp nhận giảm biên lợi nhuận trong nửa đầu năm
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Thực phẩm G.C (GC Food, Mã: GCF) sáng ngày 7/4, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT, chia sẻ tương tự hầu hết các công ty F&B khác, GC Food cũng bị thu hẹp tỷ suất lợi nhuận do chi phí sản xuất, bao gồm giá nguyên vật liệu và giá dầu thô tăng, dẫn đến chi phí đóng gói và vận chuyển tăng.
Hầu hết các thương hiệu F&B đều tăng giá bán lẻ 4-10% trong năm 2022 nhưng mức này vẫn không đủ bù đắp hoàn toàn phần chi phí tăng, được thể hiện qua kết quả kinh doanh của công ty trong năm 2022.
Cụ thể, công ty đạt gần 431 tỷ đồng doanh thu thuần và 26,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 29% về doanh thu nhưng giảm 17% lợi nhuận so với cùng kỳ. Với hai mặt hàng chủ lực gồm nha đam và thạch dừa, công ty đạt kim ngạch xuất khẩu 9.000 tấn trong năm 2022, tăng 12%, tương ứng doanh thu 177 tỷ đồng.
HĐQT trình và đã được cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2023 với doanh thu thuần hơn 523 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 26,9 tỷ đồng; tăng 21,3% về doanh thu và tăng nhẹ về lợi nhuận so với kết quả đạt được trong năm 2022. Cổ tức dự kiến 8% bằng tiền mặt. Đối với mảng kinh doanh quốc tế, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 30%.
Theo ông Phạm Hợp Phố, Tổng Giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bản Việt (VietCapital) - cổ đông lớn sở hữu hơn 19% vốn của GC Food, doanh thu kế hoạch năm nay của công ty tăng khá tốt, lợi nhuận gộp tăng 18 tỷ đồng nhưng bị bào mòn bởi chi phí hoạt động 16 tỷ đồng nên kết quả chung lợi nhuận chung chỉ đi ngang. Đại diện VietCapital mong muốn ban điều hành chia sẻ thêm về nội dung này.
Tương tự, một cổ đông khác nêu ý kiến trong năm 2022, GC Food đạt tỷ suất lợi nhuận 6%, trong kế hoạch 2023 doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm xuống. Cổ đông đặt vấn đề: Việc tăng quy mô nhưng giảm lợi nhuận thì có nên đầu tư không?
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food, thông tin HĐQT trình kế hoạch doanh thu tăng trưởng dựa trên khách hàng đã có và công ty dự kiến giao hàng trong năm 2023.
90% sản phẩm GC Food đang bán hiện nay là bán cho khách sỉ (B2B) và hầu hết đã ký được hợp đồng hoặc thương lượng với khách hàng vào những tháng cuối 2022, đầu năm 2023, từ đó ban điều hành có thể đưa ra con số doanh thu sát với thực tế.
Liên quan đến chi phi hoạt động, Chủ tịch GC Food cho biết công ty đã đầu tư vào vùng nguyên liệu và dự kiến tự chủ nguyên liệu khoảng 30% trong năm 2023. Trong quá trình đầu tư giai đoạn 2020-2022, công ty mở rộng khá nhiều, ở thời điểm cao nhất công ty đã phát triển 50 ha cây nha đam.
Tuy nhiên, cuối năm 2022 ở Ninh Thuận có một đợt mưa kéo dài đã làm ảnh hưởng đến việc phát triển vùng nguyên liệu này. Đặc biệt, ở những vườn GC Food đang trồng, đáng lẽ có thể thu hoạch từ quý I/2023 nhưng hiện nay sản lượng rất ít, chưa đạt được như kế hoạch.
Chính vì thế, chi phí mua nguyên liệu của GC Food hiện khoảng 4.000 đồng/kg, cao hơn so với những năm trước là 2.500 đồng/kg để duy trì mối quan hệ với khách hàng lâu dài, cung cấp không bị gián đoạn, chấp nhận giảm biên lợi nhuận trong hai quý đầu năm nay.
Mục tiêu tự chủ 30% vùng nguyên liệu
Chủ tịch HĐQT GC Food đánh giá lợi nhuận kế hoạch 26 tỷ đồng là con số khá thận trọng và ban điều hành kỳ vọng vùng nguyên liệu sẽ phát triển tốt hơn, cùng với diện tích GC Food đang trồng cho sản lượng thu hoạch tăng lên vào quý III-IV/2023, qua đó kéo giảm giá nguyên liệu về mức trung bình 2.500 đồng/kg.Riêng trong quý đầu năm nay, GC Food đạt 9 tỷ đồng lợi nhuận.
Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch GC Food, “với 2.500 đồng/kg, người nông dân đã có thu nhập khá tốt với khoảng 20 triệu đồng/5 sào/tháng. Do vậy, việc kéo giảm giá nguyên liệu không ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân.
Cây nha đam nhìn bề ngoài rất dễ trồng, ai trồng cũng được nhưng để trồng cây nha đam công nghiệp quy mô lớn lại là bài toán thách thức, cây vẫn sống nhưng không có sản lượng cho thu hoạch. GC Food hiện sản xuất hàng trăm tấn lá nha đam mỗi ngày.
Tính đến nay, chúng tôi đã nghiên cứu được 80-90% để đảm bảo có thể trồng nha đam quy mô công nghiệp 50-100 ha trong giai đoạn 2023-2024, tiến đến tự chủ 30% nguyên liệu theo đúng kế hoạch đề ra.
Trong trường hợp chúng tôi kéo giảm được giá nguyên liệu nha đam vào quý III-IV/2023, lợi nhuận có thể cao hơn khoảng 20% so với kế hoạch hiện tại”.
Ngoài ra, các chi phí còn lại nhằm duy trì hoạt động của một công ty đại chúng (chi phí kiểm toán, chi phí duy trì các ban để trao đổi với cổ đông và đáp ứng các tiêu chí trên thị trường chứng khoán, chi phí lương,…) và chi phí phát triển đội ngũ dự án.
“Đối với GC Food, các hoạt động đầu tư được thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 được kỳ vọng mang lại doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng trong những năm tiếp theo chứ không chỉ duy trì hoạt động như hiện tại.
Chính vì vậy, GC Food mới có tham vọng niêm yết trên thị trường chứng khoán, thu hút thêm nhà đầu tư để bổ sung thêm nguồn lực. Tỷ suất lợi nhuận những năm sau không phải theo xu hướng giảm, có thể đạt khoảng 10% vào năm 2024”, Chủ tịch GC Food thông tin đến cổ đông.
Trọng điểm đầu tư nhà máy nước giải khát ở Ninh Thuận
Ông Nguyễn Văn Thứ cho biết trọng điểm năm nay GC Food sẽ đầu tư vào công ty mới là CTCP Nước giải khát Sài Gòn Nhiệt đới - Saigon Tropical Drinks. Công ty này đã làm giấy phép đầu tư, thành lập doanh nghiệp từ năm ngoái với vốn điều lệ 50 tỷ đồng và GC Food góp 40%. Trong tương lai, GC Food có thể tăng tỷ lệ sở hữu tại đơn vị này lên 90%.
Dự kiến đến tháng 4/2023, công ty sẽ hoàn tất thủ tục thuê khu đất 2,7 ha ở Khu công nghiệp Thành Hải, tỉnh Ninh Thuận để xây dựng nhà máy chuyên sản xuất nước giải khát từ nha đam, thạch dừa, kết hợp các loại trái cây nhiệt đới tại địa phương như táo; định hướng 70-80% sản lượng phục vụ xuất khẩu.
Theo kế hoạch, nhà máy được đầu tư ba năm (2023-2025) với tổng vốn 150 tỷ đồng, trong đó vốn của GC Food khoảng 70 tỷ đồng. Nhà máy được kỳ vọng đạt công suất 36 triệu chai/năm trên diện tích 1,5 ha, doanh thu bình quân hàng năm 200 tỷ đồng, ROI đạt 20%.
GC Food đang mời gọi đối tác trong và ngoài nước cùng tham gia đầu tư, phát triển nhà máy. Theo Chủ tịch GC Food, nhà đầu tư phải đáp ứng đồng thời cả ba tiêu chí.
Thứ nhất, họ là những người có kinh nghiệm trong ngành sản xuất nước uống, quy mô lớn, chất lượng và thương hiệu đã được khẳng định trên thị trường.
Thứ hai, họ đã có sẵn kênh phân phối. Đối với đối tác nước ngoài, việc này có thể giúp công ty kênh phân phối xuất khẩu, đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, hệ thống bán hàng ở các quốc gia. Đối với đối tác trong nước, có thể họ có thương hiệu sẵn hoặc có kênh phân phối sẵn để GC Food đi theo. Có như vậy thì những năm đầu công ty không quá vất vẻ trong vấn đề tìm thị trường đầu ra cho công ty nước giải khát.
Thứ ba, GC Food là công ty non trẻ, tiềm lực tài chính giới hạn nên công ty mong muốn nhà đầu tư là những người góp tiền thật, cùng công ty xây dựng nhà máy chứ không chỉ dừng lại ở việc góp thương hiệu hay kỹ thuật.
Chủ tịch GC Food tiết lộ thêm, công ty đang làm việc với một đối tác nước ngoài và một đối tác trong nước.
Ngoài ra, GC Food đã tìm hiểu, nghiên cứu vùng nguyên liệu xoài ở Cam lâm, Khánh Hòa và vùng nguyên liệu dứa ở Phú Yên. Đây sẽ là những nguyên liệu đầu vào cho nhà máy nước giải khát Saigon Tropical Drinks.
Bổ sung hai Thành viên HĐQT độc lập
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của GC Food đã thông qua việc bầu ông Đinh Thế Hiển và ông Phạm Hợp Phố vào vị trí Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2022-2023. Như vậy, HĐQT GC Food gồm 7 thành viên, trong đó có ba thành viên điều hành.
Ông Đinh Thế Hiển là Kỹ sư máy tính, Tiến sĩ Tài chính. Hiện ông Hiển là Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng; Chủ tịch Ban đại diện Quỹ đầu tư cổ phiếu Manulife.
Ông Phạm Hợp Phố (quốc tịch Mỹ, làm việc tại Việt Nam 15 năm) là Thạc sĩ Quản trị Hành chính công, chuyên ngành Quản trị Công nghệ thông tin và học Cử nhân Khoa học máy tính, Quan hệ Quốc tế, trường Đại học Nam California (Mỹ). Hiện ông Phố là Tổng Giám đốc VietCapital.