|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ FPT: Chưa có định hướng cho IPO quốc tế, lợi nhuận quý I ước tăng trưởng trên 18%

14:50 | 06/04/2023
Chia sẻ
Ông Trương Gia Bình, người đứng đầu Tập đoàn FPT nhìn nhận chưa thấy những lợi ích rõ ràng trong việc IPO ở nước ngoài nên hiện không có kế hoạch cho hoạt động này.

 Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2022. (Ảnh: FPT).

Chiều ngày 6/4 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của CTCP FPT (Mã: FPT). 

Tính tới 14h, buổi họp có sự tham gia của 923 cổ đông (trực tiếp và trực tuyến), tương đương hơn 69% số cổ phần có quyền biểu quyết.

 Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT. (Ảnh: FPT).

Chia sẻ về những định hướng năm nay, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT nhận định 2023 là một năm vô cùng bất định trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

CEO FPT cho biết năm 2023, khối công nghệ phấn đấu chinh phục hợp đồng vài chục tới hàng trăm triệu USD ở thị trường Nhật, Mỹ và châu Âu. Dự kiến, FPT có thể chi từ 30-50 triệu USD cho M&A để mở rộng độ phủ, thiết lập đồng minh trên toàn cầu. M&A sẽ tập trung chủ yếu ở các khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ La tinh.

Ở mảng viễn thông, FPT sẽ trọng tâm đầu tư vào hệ thống cáp quang biển. Còn mảng giáo dục không chỉ phát triển ở Việt Nam mà FPT còn dự kiến sẽ mở rộng quy mô ra toàn cầu.

Năm 2023, FPT đặt kế hoạch doanh thu 52.289 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.055 tỷ, tăng lần lượt 18,8% và 18,2% so với kết quả năm 2022. Nếu đạt được, đây sẽ là năm thứ 5 liên tiếp cả doanh thu và lợi nhuận của FPT cùng tăng trưởng.

 

 

Trong cơ cấu doanh thu năm 2023, FPT kỳ vọng khối công nghệ sẽ đem về doanh thu 31.150 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ và chiếm 59,5% tổng doanh thu. Khối viễn thông dự kiến thu về 16.739 tỷ, tăng 13,6%. Còn mảng giáo dục, đầu tư và khác có thể mang về 4.400 tỷ, tăng 25,1% so với năm 2022.

Về cơ cấu lợi nhuận, mục tiêu lợi nhuận trước thuế khối công nghệ là 4.166 tỷ, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Khối viễn thông dự kiến đạt 3.230 tỷ lãi trước thuế, tăng 14,6% so với năm ngoái. Còn mảng giáo dục, đầu tư và khác có thể ghi nhận 1.659 tỷ lãi trước thuế, tăng 12,2%.

 

 

Về phương án chia cổ tức, FPT dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20% tiền mặt (2.000 đồng/cp) và 15% bằng cổ phiếu (cổ đông cứ sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 15 cổ phiếu mới).

Trong đó 10% bằng tiền đã được chi trả trong năm 2022. Cổ tức tiền mặt 10% còn lại sẽ được thanh toán trong quý II/2023, cùng thời gian với đợt trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% sau khi được ĐHĐCĐ phê duyệt.

Năm 2023, FPT dự kiến tiếp tục duy trì cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20% tức mỗi cổ phiếu sẽ nhận về 2.000 đồng/cp. HĐQT sẽ căn cứ kết quả kinh doanh thực tế để quyết định tạm ứng các đợt cổ tức trong năm. Mức chia cổ tức bằng tiền cả năm 2023 sẽ được ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 quyết định.

Ngoài ra, tập đoàn cũng được thông qua phương án phát hành cổ phần cho người lao động (ESOP) cho những cán bộ xuất sắc với giá 10.000 đồng/cp. Tổng số lượng phát hành hằng năm không quá 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm phát hành.

Thời điểm phát hành ESOP được chia làm ba đợt là trong năm 2024, 2025 và 2026, diễn ra ngay sau khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm liền trước. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm. 

Về kế hoạch đầu tư, FPT dự kiến dùng 1.800 tỷ đồng để đầu tư cho khối công nghệ, bao gồm việc đầu tư các khu tổ hợp văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM,... cũng như đầu tư vào hạ tầng công nghệ.

Với khối viễn thông, FPT sẽ dành ra 2.300 tỷ đồng để đầu tư các trục cáp chính, cáp biển, nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống trung tâm dữ liệu.

Với khối giáo dục, tập đoàn dự định đầu tư 1.700 tỷ để mở rộng các khuôn viên tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, song song đó là mở rộng thêm 7 điểm trường phổ thông mới tại các tỉnh thành.

Phần thảo luận:

Chia sẻ về kết quả kinh doanh sơ bộ trong quý I/2023 của FPT?

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng Giám đốc: Doanh thu của tập đoàn ước tính tăng trưởng 18%, còn lợi nhuận có thể tăng trưởng hơn 18% trong quý I. Riêng mảng xuất khẩu phần mềm ước tính tăng trưởng trên 25%.

Tuy nhiên mảng kinh doanh trong nước hoặc đi ngang hoặc giảm trong quý I trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.

Vì sao hai tháng đầu năm, doanh thu chuyển đổi số chỉ tăng 8%?

Ông Nguyễn Thế Phương: Dù tăng chậm trong hai tháng đầu năm song dự kiến trong quý I, doanh thu chuyển đổi số tăng trưởng xấp xỉ 30%, song vẫn chưa đạt như kỳ vọng của tập đoàn. Dự kiến năm nay, doanh thu chuyển đổi số của FPT có thể tăng trưởng 35 - 40%.

Vì sao biên lợi nhuận của mảng viễn thông giảm trong hai tháng đầu năm?

Ông Nguyễn Thế Phương: Biên lợi nhuận giảm do chi phí nội dung mua bản quyền truyền hình và chi phí mảng viễn thông vẫn chưa được tối ưu. Ông Phương chia sẻ, công ty sẽ phấn đối tối ưu các chi phí để duy trì biên lợi nhuận mảng này trong năm nay tương đương năm 2022.

Khi nào sẽ hợp nhất Intertec vào báo cáo tài chính?

Ông Nguyễn Thế Phương: Tháng 3 sẽ hợp nhất Intertec  vào báo cáo tài chính của FPT.

Cuối tháng 2, FPT công bố thương vụ mua lại toàn bộ mảng Dịch vụ Công nghệ (IT Services), đây là một trong những mảng kinh doanh chiến lược của Intertec International - Mỹ (Intertec). Thương vụ này là một phần trong chiến lược mở rộng các trung tâm dịch vụ công nghệ toàn cầu của FPT.

Mối liên kết của hai bên khởi đầu từ khoản đầu tư của FPT vào Intertec năm 2021. Năm 2023, cùng với thương vụ này, FPT mở rộng sự hiện diện tại Costa Rica, Colombia và Mexico. Đây cũng là ba nước có trung tâm sản xuất công nghệ của Intertec.

Thị trường chip điện tử có quy mô hàng nghìn tỷ USD, FPT đã đi đến đâu trong hành trình sản xuất chip và dự định tương lai chiếm bao nhiêu % thị phần thị trường này?

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT: Việt Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất chip của thế giới. Đây là cơ hội của lịch sử.

Vừa qua, Hiệp hội Công nghệ bán dẫn của Mỹ (SIA) tới thăm Việt Nam và đánh giá Việt Nam là chỗ tốt nhất để làm chip trong sự lựa chọn với Malaysia, Indonesia ở khu vực Đông Nam Á. 

Hiện thách thức lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực. Theo kế hoạch Thủ tướng sẽ tới thăm FPT và giao nhiệm vụ cho tập đoàn đào tạo nhân lực cho việc phát triển chip. Ở Mỹ, Chính phủ đã dành 500 triệu USD để đầu tư vào các trường đại học cho việc sản xuất chip.

Nói về chip của FPT, tập đoàn đã bán được 25 triệu sản phẩm. Điều quan trọng của sản xuất chip là làm xong có bán được không?

Rất may FPT là công ty cung cấp phần mềm cho các đơn vị liên quan tới lắp ráp, điện tử tức FPT có mạng lưới khách hàng lớn và dễ bán hàng nhất.

"Nếu Việt Nam có nhiều công ty sản xuất chip, chúng tôi hứa với Chính phủ sẽ bày cho các bạn làm chip và nếu các bạn làm ra thì FPT sẽ bán cho các bạn", ông Trương Gia Bình khẳng định.

Với những chiến lược phát triển của tập đoàn, trong tương lai FPT có cần nguồn vốn quốc tế hay IPO quốc tế không?

Ông Trương Gia Bình: Về IPO quốc tế, ông đánh giá không rõ lắm về lợi ích.

"Người ta IPO quốc tế vì muốn khẳng định họ là công ty quốc tế nhưng không ai nghi ngờ chúng tôi cả, chúng tôi vẫn cứ ký hợp đồng với nước ngoài liên tục nên FPT không cần IPO ở Mỹ để người ta nói chúng tôi là công ty quốc tế. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu của Ấn Độ hiện cũng chưa niêm yết quốc tế".

Lợi ích thì chưa rõ ràng nhưng thực tế có thể nhìn thấy để IPO quốc tế thì thủ tục làm rất kinh hoàng. Để niêm yết ở Mỹ thì thủ tục rất tốn kém, vất vả. Vì vậy, ông nhìn nhận không biết có nên đánh đổi những vất vả đấy cho mục tiêu không rõ không hay không. "Nếu một ngày thấy rõ thì chúng tôi sẽ làm", ông Trương Gia Bình khẳng định.

Chia sẻ về kế hoạch đưa mảng giáo dục ra đa quốc gia, định hướng cụ thể trong tương lai gần?

Ông Trương Gia Bình: Ý tưởng có một trường đại học ở Pháp, Úc, Mỹ là điều FPT đã theo đuổi hàng chục năm. Vừa qua, có thông tin một trường học ở Mỹ có lịch sử trên một trăm năm, đóng cửa vì nợ chính phủ Mỹ 12 triệu USD.

FPT đang xác nhận thông tin và đây có thể là cơ hội của FPT. Bên Mỹ thì thừa nhưng Việt Nam đang thiếu, FPT có rất nhiều ý tưởng.

Thực tế FPT đã mở trường ở Nhật nhưng chỉ đào tạo tiếng Nhật cho kỹ sư Việt Nam.

Ông Bình chia sẻ việc mở rộng mảng giáo dục ra toàn cầu là nắm bắt các cơ hội chứ không phải bằng mọi giá.

Khả năng tăng trưởng thị phần ở mảng internet băng thông rộng?

Lãnh đạo FPT: Thị trường Việt Nam có khoảng 26 triệu hộ gia đình và con số tới hết năm 2022 có khoảng 21 triệu hộ gia đình sử dụng internet băng thông rộng cố định. 

Thị trường internet băng thông rộng ở Việt Nam bắt đầu bão hoà. Trong bức tranh đó, hiện có ba nhà cung cấp dịch vụ internet với thế chân vạc gồm FPT Telecom, VNPT, Viettel.

Về cơ bản, thị phần của ba nhà cung cấp này trong ba năm vừa rồi biến động không đáng kể và cạnh tranh nhau rất gay gắt.

Lãnh đạo FPT đánh giá vẫn có tiềm năng tăng trưởng thị phần internet băng thông rộng cố định. Tuy nhiên rất khó đột biến. Do đó, FPT sẽ tập trung vào khai thác hiệu quả những khách hàng đang có bằng việc sáng tạo công nghệ mới, đưa ra sản phẩm dịch vụ có giá trị đến khách hàng.

Qua đó, tăng được doanh thu trên một đầu khách hàng. Đây là chiến lược của tập đoàn đã, đang và sẽ làm trong thời gian tới.

Hoàng Kiều