|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

FPT dự kiến mở thêm chi nhánh ở Mỹ Latinh, Bắc Mỹ, Trung Đông và Đông Âu giai đoạn 2023 - 2025

10:51 | 29/03/2023
Chia sẻ
Với thị trường trong nước, giai đoạn 2023 - 2025, FPT cũng dự kiến tập trung phát triển, cải tiến và bổ sung các dịch vụ và giải pháp ứng dụng công nghệ cho cả nhóm khách hàng doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

Tập đoàn FPT (mã: FPT) mới đây đã công bố báo cáo thường niên năm 2022, trong đó có phần chiến lược phát triển giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, các chương trình, dự án trọng điểm trong toàn Tập đoàn giai đoạn ba năm tới được tổ chức triển khai cân bằng trên cả ba khía cạnh: Kinh doanh - Quản trị - Công nghệ.

FPT công bố kế hoạch phát triển giai đoạn 2023 - 2025 với một số định hướng rõ ràng. (Ảnh: FPT).

Kế hoạch phát triển giai đoạn 2023 – 2025 của FPT

Kinh doanh

Thị trường nước ngoài

FPT sẽ phát triển thêm các chi nhánh tại khu vực Mỹ Latinh, Bắc Mỹ, Trung Đông và Đông Âu với mục tiêu mở rộng năng lực phục vụ 24/7 cho khách hàng toàn cầu và mở ra các tập khách hàng mới.

Nối tiếp thành công trong triển khai các dịch vụ chuyển đổi số, FPT đầu tư các giải pháp chuyển đổi số tập trung các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tài chính - bảo hiểm và sản xuất ô tô. Mặt khác, tập đoàn tiếp tục phát triển các giải pháp Cloud và sản xuất thông minh cho khách hàng toàn cầu.

Thị trường trong nước

Với nhóm khách hàng doanh nghiệp và tổ chức, FPT tập trung phát triển, cải tiến các giải pháp ứng dụng công nghệ và dữ liệu hỗ trợ quản trị bán hàng, chăm sóc khách hàng cũng như các giải pháp quản trị nội bộ.

Với khách hàng cá nhân, FPT cải tiến và bổ sung các dịch vụ mới với định hướng mang lại trải nghiệm tốt nhất trong mỗi điểm chạm. Giai đoạn 2023-2025 hứa hẹn nhiều đổi mới trong dịch vụ đại chúng do FPT cung cấp.

Quản trị

Để nâng cao năng lực quản trị, FPT tập trung triển khai các nhóm chương trình: Đào tạo, quản trị và chuyển đổi số nội bộ, tiếp nối từ giai đoạn 2021-2023. Trong mảng đào tạo, FPT tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động đào tạo nhằm bổ trợ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để CBNV thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường và xã hội.

Về hình thức đào tạo, FPT dự kiến kết hợp đa dạng các hình thức đào tạo từ trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến với phương pháp học kiến tạo xã hội để đem lại hiệu quả cho người học và ứng dụng linh hoạt trong nhiều hoàn cảnh.

Năm 2022, toàn FPT đã hoàn thành 3,4 triệu giờ học, đạt trung bình 81 giờ học mỗi người. Năm 2023, bên cạnh mục tiêu duy trì tỷ lệ học viên tham gia và số giờ học trung bình cao, FPT dự kiến tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ, đặc biệt là các chuỗi hội thảo công nghệ.

Công nghệ

FPT dự kiến tiếp tục đón đầu những xu hướng công nghệ mới trên thế giới, đóng góp vai trò dẫn dắt sự phát triển của thị trường công nghệ trong nước, đáp ứng nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên toàn cầu, đồng thời tạo động lực tăng trưởng cho tập đoàn trong dài hạn.

FPT dự kiến tiếp tục đầu tư, phát triển công nghệ theo một số hướng sau: Phát triển hệ sinh thái công nghệ Made by FPT lấy hạnh phúc của người dùng làm kim chỉ nam, thúc đẩy siêu tự động hóa - Hyper Automation, thay đổi cách mua sắm của mỗi người, gia tăng Cloud hóa và tích hợp AI vào Made by FPT và thúc đẩy DNA công nghệ.

Tiềm năng phát triển của ngành CNTT Việt Nam năm 2023

Theo dự báo mới nhất của Gartner, nhu cầu chi tiêu cho CNTT toàn cầu năm 2023 dự kiến sẽ tăng 5,1%, đạt 4.600 tỷ USD, cao hơn mức tăng trưởng 3% của 2022 nhờ sự gia tăng nhu cầu triển khai các sáng kiến số thúc đẩy kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn cầu để đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế.

Trong đó, mặc dù gặp phải những trở ngại lớn từ những hạn chế của chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát tăng cao, bất ổn địa chính trị, nhưng đầu tư vào chuyển đổi số dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo IDC, chi tiêu cho chuyển đổi số toàn cầu được dự báo sẽ đạt 3.400 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 5 năm là 16,3%. Trong đó, gần 30% chi tiêu chuyển đổi số trên toàn thế giới đến từ các ngành: Sản xuất theo quy trình và phân tách.

Đặc biệt, robot sản xuất, vận hành tự động, tài sản tự phục hồi là các lĩnh vực có nhu cầu tiêu thụ cao nhất. Các ngành trọng điểm có nhu cầu chuyển đổi số cao bao gồm: Dịch vụ chuyên sâu và bán lẻ, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hành chính.

Trong khi đó, lĩnh vực chứng khoán và đầu tư sẽ có tốc độ tăng trưởng chi tiêu chuyển đổi số nhanh nhất với CAGR 5 năm là 20,6%, theo sát là ngân hàng và chăm sóc sức khỏe với CAGR lần lượt là 19,4% và 19,3%.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT (Bộ TT&TT), cho rằng thị trường công nghệ thế giới đang có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, theo báo Chính phủ.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa phân tích, thị trường phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam trong năm 2022 có dung lượng xấp xỉ 2 tỷ USD, tương đương với khối lượng công việc của khoảng 200.000 kỹ sư. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang có hơn 40.000 doanh nghiệp và 550.000 kỹ sư. Đặc biệt, lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp Việt khi đi ra toàn cầu, đó là nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, thị trường trong nước đã quá nhỏ hẹp so với quy mô nhân lực ở thời điểm hiện tại.

Đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh chóng, ông Pavel Poskakukhin, đồng Chủ tịch Tiểu ban kỹ thuật số (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam-EuroCham) nhận định, với dân số trẻ và am hiểu công nghệ, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu, đặc biệt là cung cấp giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Anh Nguyễn