|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Trương Gia Bình: Tôi tự tin khẳng định FPT đã hoàn thành cam kết với cổ đông, EPS đạt 4.429 đồng/cp, tăng 22,4%

08:58 | 01/04/2023
Chia sẻ
Nói về kế hoạch trong thời gian tới, ông Trương Gia Bình cho biết FPT muốn trở thành tổ chức kiến tạo hạnh phúc, đưa 1 triệu nhân viên chuyển đổi số.

Trong báo cáo thường niên 2022, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT, cho biết bước sang năm 2023, FPT đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 18,8%, đạt 52.289 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 18,2%, đạt 9.055 tỷ đồng.

Tập đoàn công nghệ còn đặt mục tiêu cao hơn, đó là trở thành “tổ chức kiến tạo hạnh phúc” với chiến lược FPT 2023-2025 được mang tên DC5-135.

Ông Bình giải thích DC5 là viết tắt của Digital Conglomerate 5.0 là tổ hợp số nhằm kiến tạo hạnh phúc cho mỗi con người, thành công cho mỗi tổ chức và mang lại giá trị cho cổ đông. Trong đó, con người cảm thấy hạnh phúc khi được thấu hiểu và được chăm sóc chu đáo. 

 Đồ hoạ: FPT.

“Thành công của mỗi tổ chức gắn liền với thành công của chuyển đổi số. Như vậy DC5 mở ra một tương lai không giới hạn cho FPT, mang lại lợi ích cho mỗi người và tất cả mọi người, mang lại thành công cho mỗi tổ chức và mọi tổ chức”, ông Trương Gia Bình lý giải.

Ngoài ra, theo vị chủ tịch, FPT cũng đặt mục tiêu đầy tham vọng - mục tiêu 135. Trong đó, 13 năm sau, vào năm 2035, FPT sẽ có một triệu nhân viên chuyển đổi số tại Việt Nam và thế giới.

“Tia nắng giữa mùa đông ảm đạm”

Nói về năm 2022 vừa qua, ông Bình cho biết thời điểm đó vẫn được coi là mùa đông ảm đạm của nền kinh tế thế giới. Bình quân ba năm 2020-2022, tăng trưởng kinh tế thế giới được đạt khoảng từ 1,6% đến 1,8%, giảm một nửa so với bình quân của giai đoạn trước.

Theo báo cáo “Liệu cuộc suy thoái toàn cầu sắp xảy ra” của Ngân hàng thế giới (WB) phát hành vào tháng 9/2022, hơn 90% các nền kinh tế phát triển, 80% các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đều bị hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2022 và 2023. Tại Việt Nam, hàng chục triệu người dân phải đối mặt với việc giá cả hàng hóa leo thang, năng lượng thiếu hụt, nguy cơ giảm thu nhập, thất nghiệp…

Tuy nhiên, theo ông Bình, giữa mùa đông ảm đạm của nền kinh tế và thị trường lao động, kết quả kinh doanh của FPT “góp những tia nắng ấm áp”: Doanh thu đạt 44.010 tỷ đồng, tăng 23,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 7.662 tỷ đồng, tăng 20,9%.

 

Trong đó, với doanh thu lần đầu vượt 1 tỷ USD, khối Công nghệ của FPT đã đóng góp 58,5% doanh thu và 44% lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn, tăng trưởng lần lượt 23,4% và 22,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Lần đầu tiên, doanh số ký mới của FPT tại nước ngoài đạt 1 tỷ USD sau 23 năm toàn cầu hóa. Ông Bình cũng cho biết bản thân hãnh diện khi FPT ra mắt dòng chip vi mạch - hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn.

 

“Tôi có thể tự tin khẳng định, năm 2022, FPT đã hoàn thành tốt các mục tiêu cam kết với Quý cổ đông, EPS đạt 4.429 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 22,4%. FPT giữ vững vị thế thương hiệu công ty công nghệ có giá trị nhất Việt Nam và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế”, ông Trương Gia Bình nói.

Diễn biến giá cổ phiếu của FPT. (Nguồn: TradingView). 

Đức Huy