Trái phiếu doanh nghiệp - Thông tin phát hành trái phiếu mới nhất
Tin tức phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2020, các loại trái phiếu niêm yết được phát hành trên thị trường. Có nên đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các rủi ro có thể gặp phải khi giao dịch qua lăng kính chia sẻ các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước và khu vực.
Huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đạt đến 250 nghìn tỉ trong năm 2019. Con số này được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong năm 2020.
Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Trái phiếu doanh nghiệp là trái phiếu do các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phấn, doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn phát hành với mục đích gia tăng tài chính phục vụ cho một số các hoạt động đang diễn ra, mở rộng công ty hoặc M&A. Thời gian nợ của trái phiếu sẽ dài hơn, thời gian đáo hạn ngắn nhất là một năm.
So sánh trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu
Người mua trái phiếu chỉ là chủ nợ của công ty, doanh nghiệp cho vay tiền. Mua trái phiếu khác so với mua cổ phiếu. Người sở hữu cổ phiếu có quyền sở hữu doanh nghiệp.
Tiền lãi từ trái phiếu là một khoản tiền cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp buộc phải thanh toán các khoản lãi cho chủ trái phiếu trước, sau đó số lãi còn lại mới chia cho các cổ đông.
Có thế thấy, đối với các nhà đầu tư thì trái phiếu ổn định, ít rủi ro hơn cổ phiếu. Trái phiếu doanh nghiệp cũng là một hình thức chứng khoán được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Phân loại trái phiếu doanh nghiệp
Phân loại trái phiếu theo lợi tức
Trái phiếu có lãi suất cố định: lợi tức được ấn định theo một tỷ lệ (%) cố định dựa trên mệnh giá
Trái phiếu có lãi suất biến đổi: lãi suất có sự biến đổi dựa theo một lãi suất tham chiếu. Lợi tức thu được tại các kì có sự khác nhau.
Trái phiếu có lãi suất bằng không: người mua không có lãi nhưng được mua chiết khấu với mệnh giá thấp hơn. Khi đáo hạn được hoàn trả bằng với mệnh giá của trái phiếu hiện hành.
Phân loại trái phiếu theo mức độ đảm bảo thanh toán
Trái phiếu bảo đảm: doanh nghiệp phát hành sử dụng tài sản có giá trị để đảm bảo cho việc phát hành. Nếu như doanh nghiệp không có khả năng thanh toán thì nhà đầu tư có quyền bán tài sản đó để thu lại số tiền nợ. Trái phiếu bảo đảm được chia ra làm hai loại là: Trái phiếu có tài sản cầm cố và Trái phiếu bảo đảm bằng chứng khoán ký quỹ.
Trái phiếu không đảm bảo: đảm bảo bằng uy tín của doanh nghiệp, không có tài sản làm vật đảm bảo.
Phân loại dựa trên tính chất trái phiếu
Trái phiếu chuyển đổi: phát hành bởi công ty cổ phần. Trái chủ có quyền chuyển sang cổ phiếu của doanh nghiệp đó.
Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu: trái phiếu khi mua có kèm phiếu cho phép trái chủ có quyền mua một số lượng nhất định cổ phiếu công ty.
Trái phiếu có thể mua lại: doanh nghiệp được quyền mua lại toàn bộ hoặc một phần trước khi trái phiếu đến hạn thanh toán.