CII muốn huy động 4.500 tỷ đồng trái phiếu
Ngày 23/12, Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Mã: CII) đã thông qua nội dung tờ trình để trình ĐHĐCĐ về việc đầu tư/tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư “Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận” (tên dự án có thể thay đổi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Đây là dự án đầu tư theo phương thức PPP (hợp đồng BOT), không có vốn ngân sách Nhà nước tham gia. Tuyến cao tốc dài khoảng hơn 91 km kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM; các tỉnh miền Đông Nam Bộ; sân bay Long Thành và các cảng biển trọng yếu của miền nam.
CII đã tham gia đầu tư (nắm giữ 89%) dự án BOT Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận. Do đó, công ty kỳ vọng việc tiếp tục tham gia đầu tư vào dự án này sẽ đảm bảo danh mục đầu tư dài hạn trong các năm tới.
Cùng với đó đó, Hội đồng quản trị cũng thông qua phương án phát hành hai gói trái phiếu chuyển đổi ra công chúng để trình ĐHĐCĐ, bao gồm gói 1 với tổng giá trị phát hành (theo mệnh giá) tối đa 2.000 tỷ đồng và gói 2 với tổng giá trị phát hành (theo mệnh giá) tối đa 2.500 tỷ đồng.
Trái phiếu có lãi suất kết hợp giữa lãi suất cố định và lãi suất thả nổi. Cụ thể, đối với 4 kỳ tính lãi đầu tiên, lãi suất trái phiếu được áp dụng cố định là 8%/năm. Đối với mỗi kỳ tính lãi tiếp theo, lãi suất trái phiếu là lãi suất thả nổi với mức lãi suất bằng tổng của 3,5%/năm và lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó.
Lãi suất tham chiếu ở đây là lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, kỳ hạn 12 tháng, được công bố tại ngày xác định lãi suất (là ngày làm việc thứ 7 trước ngày đầu tiên của mỗi kỳ tính lãi) trên trang thông tin điện tử chính thức của Vietcombank.
Kỳ hạn trái phiếu là 10 năm. Giá chuyển đổi là 12.281 đồng mỗi cổ phần phổ thông. Gốc và lãi trái phiếu có thể được ngân hàng bảo lãnh thanh toán hoặc không có bảo lãnh thanh toán.
Cuộc họp bất thường dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2025.
Trước đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình từng chia sẻ đối với các dự án PPP, theo quy định, dự án có 11% từ vốn chủ sở hữu, và 89% từ vốn vay. Như vậy, hệ số nợ phải lên đến 9 lần. Thời điểm tháng 5, hệ số nợ của CII chỉ 3 lần, được xem là thấp, an toàn trong đầu tư PPP. Khi đầu tư lĩnh vực khác, hệ số này có thể xem là cao, nhưng PPP thì khác.
“Đặc thù các dự án PPP là doanh thu luôn luôn có sự tăng trưởng, vì có sự tăng trưởng lưu lượng xe, đi cùng với tăng trưởng nền kinh tế. Thêm vào đó là tăng trưởng giá vé, theo cam kết của cơ quan quản lý Nhà nước. Thứ ba là cam kết về lợi nhuận thu được từ nguồn vốn bỏ ra từ cơ quan quản lý nhà nước.
Như vậy, khoản đầu tư, khoản vay để đầu tư vào PPP được đánh giá là cực kỳ an toàn. Đó là trước đây. Tuy nhiên, sắp tới, theo Luật PPP, Nhà nước không còn đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư nữa. Do đó, nhà đầu tư PPP phải theo nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”, phụ thuộc vào lưu lượng, giá cước thu phí. Các dự án trong tương lai không thể có tỷ lệ nợ 9:1 hay 8:1 được, mà tối đa là 1:1.
Khi đó, hệ số nợ của CII chỉ loanh quanh 1-2 lần, nếu vượt trên 2 lần có thể gặp rủi ro. Để đón trước sự thay đổi của luật đầu tư hình thức PPP, trong năm 2023, CII đã triển khai hai đợt tăng vốn chủ sở hữu và sắp tới sẽ tiếp tục triển khai. CII bắt buộc phải tăng vốn để thực hiện các dự án PPP theo mô hình mới”, ông Bình nói.