Thị trường trái phiếu Chính phủ tăng trưởng nhanh, đồng bộ
Chiều 5/12, Bộ Tài chính tổ chức “ Hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ” nhằm đánh giá kết quả đạt được 10 năm hoạt động thị trường và định hướng phát triển tới năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng khẳng định: Trong những năm qua, thị trường trái phiếu Chính phủ đã có sự tăng trưởng nhanh và đồng bộ, giúp Chính phủ, chính quyền địa phương huy động vốn cho đầu tư phát triển ở trung ương, địa phương và các ngân hàng chính sách huy động vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của nhà nước.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong phát triển thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Khi mới đi vào hoạt động, thị trường trái phiếu Chính phủ có rất ít sản phẩm, cho đến nay đã có đầy đủ các kỳ hạn từ dưới 1 năm đến 30 năm.
Bên cạnh đó, có các sản phẩm phái sinh trái phiếu Chính phủ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư là ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp bảo hiểm. Bảo hiểm tiền gửi và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tạo dựng đường cong lợi suất làm tham chiếu chuẩn trên thị trường.
Ông Nguyễn Anh Phong, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết: Chất lượng thị trường từng bước phát triển theo chiều sâu, thanh khoản trái phiếu tăng mạnh, từ mức khiêm tốn chỉ 365 tỷ đồng/phiên vào năm 2009 đã tăng lên khoảng 11.200 tỷ đồng/phiên vào năm 2024, giá trị giao dịch Repo (hợp đồng mua lại) tăng từ mức 6,5% năm 2009 lên mức 40% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Tại hội nghị các đại biểu cũng đánh giá cao vai trò và những thành tựu mà thị trường trái phiếu Chính phủ mang lại cho nền kinh tế. Theo đó, hệ thống khung pháp lý cho thị trường trái phiếu Chính phủ đã được hoàn thiện đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Các quy định chuẩn hóa quy trình phát hành, đấu thầu, tính giá, niêm yết và giao dịch đã tạo nền tảng cho một thị trường trái phiếu hiện đại, minh bạch và hiệu quả.
Đặc biệt, các sản phẩm trái phiếu Chính phủ đã được đa dạng hóa với đầy đủ kỳ hạn (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn), phương thức trả lãi linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.
Một trong những thành tựu nổi bật là khả năng huy động vốn hiệu quả để tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ. Đến tháng 11/2024, kỳ hạn còn lại của danh mục nợ đạt 9,05 năm, trong khi lãi suất phát hành giảm mạnh từ mức 6-8% (trước năm 2014) xuống chỉ còn 2-4% hiện nay. Điều này không chỉ giảm áp lực trả nợ cho ngân sách mà còn góp phần nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia, được các tổ chức như S&P và Fitch đánh giá ở mức BB+.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Để đạt được điều này, dư nợ thị trường trái phiếu cần đạt tối thiểu 58% GDP; trong đó trái phiếu Chính phủ tiếp tục đóng vai trò chủ lực.
Nhu cầu vốn giai đoạn tới được dự báo tăng mạnh, đặc biệt để thực hiện các dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, với tổng mức đầu tư 1,7 triệu tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, dự án này cần huy động khoảng 170 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn tổng thể dự kiến tăng từ 500-600 nghìn tỷ đồng hiện nay lên 700-800 nghìn tỷ đồng/năm trong giai đoạn tới, phụ thuộc vào tiến độ giải ngân đầu tư công.
Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 cũng như triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, nhu cầu huy động vốn trong giai đoạn tới là rất lớn. Với chủ trương phát huy nội lực để phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới, đặt ra yêu cầu phải phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ cả về quy mô, tính thanh khoản và chủ động hội nhập với thị trường quốc tế.
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết các giải pháp tiếp tục tập trung thực hiện gồm, phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ làm nòng cốt để phát triển thị trường trái phiếu, đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2025-2030.
Đối với thị trường sơ cấp trái phiếu Chính phủ, phát hành đều đặn các sản phẩm trái phiếu gắn với tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ theo hướng bền vững, đảm bảo có đầy đủ kỳ hạn trái phiếu từ 3 - 30 năm.
Đối với thị trường thứ cấp trái phiếu Chính phủ, tiếp tục cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch; cải tiến chế độ thông tin, báo cáo giao dịch, tiến tới xây dựng một đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường tài chính.
Đồng thời, nâng cao vai trò của nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ trên thị trường sơ cấp và thứ cấp; mở rộng cơ sở nhà đầu tư, khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng đó, tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong điều hành thị trường tài chính, thị trường trái phiếu. Phát triển đồng bộ các cấu phần của thị trường tài chính như thị trường phái sinh, thị trường tiền tệ, ngoại hối để hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ và thêm kênh đầu tư cho các nhà đầu tư trên thị trường; tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác với các tổ chức quốc tế, kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút tham gia vào thị trường Việt Nam.