Ngành giấy dư thừa 30% công suất, vì sao Đông Hải Bến Tre vẫn quyết xây nhà máy mới?
Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (Mã: DHC) vừa thống qua mục tiêu tổng doanh thu giảm 9% về 3.275 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 242 tỷ đồng, đi ngang năm trước.
Quý I ước lãi 75 tỷ đồng
Theo Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, ban lãnh đạo tiết lộ lợi nhuận công ty mẹ khoảng 67 tỷ đồng trong quý đầu năm và lợi nhuận hợp nhất gần 75 tỷ đồng, thực hiện khoảng 31% kế hoạch.
Con số này tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ công ty chủ động về nguồn nguyên vật liệu, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tiết giảm được nhiều chi phí sản xuất.

Chỉ tiêu kinh doanh của Đông Hải Bến Tre. Nguồn: HL tổng hợp.
Cổ đông công ty còn thống nhất huỷ bỏ các phương án huy động vốn bao gồm phát hành tối đa 3 triệu cổ phiếu ESOP và phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu hơn 8 triệu cổ phiếu đã được thông qua năm ngoái.
Theo công ty, việc huỷ bỏ kế hoạch phát hành căn cứ vào tình hình thị trường không thuận lợi cho việc triển khai và có thể ảnh hưởng đến lợi ích của công ty, quyền lợi cổ đông. Đông Hải Bến Tre sẽ sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế còn lại, đảm bảo đủ vốn cho các dự án.
Về phân phối lợi nhuận, công ty quyết định chia cổ tức 30% cho năm 2024, bao gồm 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu (tương đương phát hành gần 16,1 triệu cổ phiếu mới).
Giải thích về quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu, ban lãnh đạo công ty nói cần dành tiền mặt chi đầu tư vào nhà máy giấy Giao Long 3 vì đã có kế hoạch sẽ rót vốn vào cuối năm nay, đồng thời vay ngân hàng tài trợ dự án tỷ lệ 70-30.
Đầu tư mới dù ngành giấy dư thừa công suất
Dự án Nhà máy Giao Long 3 đã được thông qua đầu tư từ 2022, đến nay đã được giao đất (thủ tục về đất đai phức tạp nên chậm hơn so với đơn vị khác). Công ty hưởng chính sách ưu đãi, được đóng tiền thuê đất hàng năm và dự án được miễn tiền thuê đất 9 năm đầu.
Công ty có kế hoạch triển khai xây dựng và lắp đặt vào quý IV và dự kiến chính thức khai thác nhà máy từ quý II/2028 với công suất 390.000 tấn/năm, cao hơn tổng công suất hiện hữu.

Đông Hải Bến Tre vẫn quyết đầu tư nhà máy Giao Long 3 để nâng gấp đôi tổng công suất, dù ngành giấy đang thừa cung. Ảnh: DHC.
Cổ đông chất vấn tính khả thi của việc xây nhà máy mới trong bối cảnh ngành giấy đang dư thừa 35% công suất. Lãnh đạo công ty cho biết hiện nhà máy giấy Giao Long 1 và 2 đã hết công suất và nhà máy bao bì tăng trưởng gần 12%.
"Ngành giấy dự kiến tăng trưởng trên 10% trong 3 năm nữa nên nhu cầu sẽ tăng cao. Một số nhà máy không đạt tiêu chuẩn môi trường sẽ phải ngưng sản xuất", đoàn chủ tọa bổ sung.
Phía doanh nghiệp khẳng định nhà máy Giao Long 3 sẽ sản xuất cả 2 sản phẩm testliner và kraftliner, nên dự kiến tỷ suất lợi nhuận tương đối cao.
Theo kế hoạch năm nay, công ty sẽ bán ra khoảng 10.000 tấn giấy kraft, số lượng này theo nhận định của đoàn chủ tọa là không nhiều. Công ty mở nhà máy bao bì và Trung Quốc sử dụng nhiều giấy kraft nên sản phẩm này rất có tiềm năng.
Hiện Đông Hải Bến Tre đã rót 360 tỷ đồng vào nhà máy Giao Long 3 và dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 2.250 tỷ đồng để nâng công suất lên 390.000 tấn/năm, tiến độ góp vốn sẽ theo kế hoạch đề ra.
Công ty còn có kế hoạch phát triển thêm 1 nhà máy bao bì và phát triển mặt hàng in offset để phục vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Dự án nhà máy bao bì quy mô 250 tỷ đồng trên diện tích 3ha.
Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã thông báo về kế hoạch áp thuế đối ứng với các nước trên thế giới, trong đó Việt Nam có thể chịu mức thuế cao đến 46%. Việc áp thuế đang được tạm hoãn 90 ngày để các bên có thể thương lượng.
Giải đáp lo ngại của cổ đông, lãnh đạo Đông Hải Bến Tre dự đoán nếu Mỹ đánh thuế Việt Nam thì ngành bao bì ảnh hưởng khoảng 5% và ngành giấy chịu ảnh hưởng 10%. Công ty vẫn duy trì và phấn đấu đạt kế hoạch 2025.