Cổ phiếu của doanh nghiệp giấy tăng gần 180% trong 10 phiên
Cổ phiếu DAP của Công ty cổ phần Đông Á (Mã: DAP) đang gây chú ý tới nhà đầu tư khi tăng 178% từ chỉ trong vòng 10 phiên gần đây với 8 phiên tăng trần và đạt 40.300 đồng/cp kết phiên 22/9.
Vốn hoá thị trường hết phiên 21/9 là gần 68 tỉ đồng. Trong những phiên tăng trần ghi nhận cổ phiếu DAP có thanh khoản đột biến nhưng chỉ ở mức 100 đơn vị, có phiên tăng lên 600, 700 đơn vị. Trước đó, cổ phiếu DAP thường xuyên không có giao dịch.
Cổ phiếu có thanh khoản thấp và thường xuyên không có giao dịch là do DAP chỉ có 1,68 triệu cổ phiếu đang lưu hành.
Bên cạnh đó với cơ cấu cô đặc, hơn 68% cổ phần thuộc về Tổng công ty Khánh Việt (29%), CTCP Thương mại và Đầu tư Việt Khánh (22%) và ông Lê Tiến Anh – cựu Chủ tịch HĐQT (17,08%).
Trong đó, Tổng công ty Khánh Việt là doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh Khánh Hòa do ông Lê Tiến Anh làm Chủ tịch kiêm Giám đốc. Còn Đầu tư Khánh Việt là công ty con của Tổng công ty Khánh Việt.
Cổ phiếu DAP giao dịch UPCoM từ tháng 5/2010. DAP có hoạt động kinh doanh chính là sản xuất bao bì carton, hộp giấy, tem nhãn và các ấn phẩm với năng lực sản xuất trên 35.000 tấn sản phẩm/năm.
Công ty có vốn điều lệ chỉ 16,8 tỉ đồng. Địa bàn kinh doanh chính của DAP là Khánh Hoà và Đà Nẵng.
EPS "khủng", dự kiến huỷ niêm yết năm 2021
Theo thống kê của người viết thì doanh thu của DAP liên tục tăng trưởng 9 năm qua. Còn lợi nhuận sau thuế sau giai đoạn 2013 – 2017 liên tục tăng trưởng thì tới năm 2018 bị gãy đà sau đó lại hồi phục vào năm 2019.
Năm 2017, công ty bị ảnh hưởng bởi mưa bão khi nằm trong cụm công nghiệp Đắc Lộc chịu ảnh hưởng của lũ. Năm 2018 công ty lại chịu tác động từ mưa bão khi toàn bộ nhà xưởng, hàng hoá, máy móc thiết bị bị ngập khiến hoạt động kinh doanh ngừng trệ.
Công ty cho biết tới cuối tháng 6/2020, phía bảo hiểm vẫn chưa giải quyết đền bù thiệt hại hết cho DAP trong các đợt mưa lũ từ năm trước.
Nguồn: H.K tổng hợp từ báo cáo tài chính
Năm 2019, DAP đạt 365 tỉ đồng doanh thu, 12,4 tỉ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt 7% và 8% so với thực hiện năm 2018. Biên lợi nhuận 9 năm trở lại đây dao động quanh 12 - 14%/năm. EPS năm 2019 đạt 6.456 đồng là mức EPS cao so với nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn.
Hiện doanh nghiệp vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quí I, II của năm 2020.
Năm 2020, công ty đặt mục tiêu 350 tỉ đồng doanh thu, 14,7 tỉ đồng lãi trước thuế. Theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2020, 5 tháng đầu năm công ty đạt 129 tỉ đồng doanh thu.
Công ty cho biết dịch COVID-19 bùng phát khiến kế hoạch sản xuất kinh doanh quí I/2020 bị ảnh hưởng nặng, từ sản xuất ba ca giảm xuống hai ca, có thời điểm chỉ sản xuất một ca. Người lao động không có việc làm, doanh thu không có nhưng công ty vẫn phải hỗ trợ lương cho người lao động.
Từ năm 2011 đến năm 2016 với tình hình kinh doanh khởi sắc, theo thống kê của người viết thì công ty luôn duy trì trả cổ tức tiền mặt hàng năm từ 20 – 30%/năm.
Giai đoạn 2017 – 2020, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi mưa lũ nên công ty đã hạ mức cổ tức tiền mặt xuống còn 10 - 15%/năm.
Vài tháng trở lại đây doanh nghiệp cũng không công bố thông tin bất thường gây tác động lên giá cổ phiếu. Nhưng nhìn khái quát ngành thì thời gian gần đây, cổ phiếu ngành giấy như DHC của CTCP Đông Hải Bến Tre, HAP của CTCP Hapaco đã có giai đoạn thăng hoa khi kết quả kinh doanh khởi sắc.
CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định dịch COVID-19 gây ra các gián đoạn lên hệ thống thu gom giấy cũ tại EU, Mỹ và Nhật Bản trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 5/2020, dẫn đến chi phí thùng cacton cũ (OCC) tăng mạnh, và giá bán giấy trung bình giảm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá giấy bao bì bắt đầu phục hồi trong tháng 6/2020 và giá OCC cũng giảm trở lại từ khi các nền kinh tế EU, Mỹ và Nhật Bản mở cửa thì biên lãi gộp của doanh nghiệp giấy sẽ được cải thiện.
Đáng lưu, cũng theo nghị quyết ĐHĐCĐ thì công ty sẽ rút khỏi danh sách công ty đại chúng và sàn giao dịch UPCoM trong năm 2021 và cam kết không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.
DAP cho biết thực tế công ty không có nhu cầu huy động vốn trên thị trường chứng khoán nên muốn khỏi UPCoM.