|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Dự án đầu tư (Investment Project) là gì? Đặc trưng và phân loại

14:15 | 04/09/2019
Chia sẻ
Dự án đầu tư (tiếng Anh: Investment Project) là một tập hợp các hoạt động có liên quan với nhau được kế hoạch hóa, nhằm đạt được mục tiêu đã định trong một thời hạn nhất định, thông qua việc sử dụng các nguồn lực nhất định.
Investment-Project

Hình minh họa. Nguồn: bestwritinghelp

Dự án đầu tư (Investment Project)

Định nghĩa

Dự án đầu tư trong tiếng Anh là Investment Project. Dự án đầu tư (DAĐT) là một tập hợp các hoạt động có liên quan với nhau được kế hoạch hóa, nhằm đạt được mục tiêu đã định trong một thời hạn nhất định, thông qua việc sử dụng các nguồn lực nhất định.

Hoặc có thể hiểu theo cách sau:

Dự án đầu tư (DAĐT) là tổng thể các chính sách, hoạt động và chi phí liên quan với nhau, được hoạch định nhằm đạt được những mục tiêu nào đó trong một thời gian nhất định.

Bản chất 

Về hình thức

Dự án đầu tư là một tập hồ sơ tài liệu trình bày một cách chi tiết và có hệ thống các hoạt động và chi phí theo kế hoạch để đạt được những kết quả và thực hiện được những mục tiêu nhất định trong tương lai.

Trên góc độ kế hoạch hóa 

Dự án đầu tư là một công cụ thể hiện kế hoạch chi tiết của một hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, làm tiền đề cho các quiết định đầu tư và tài trợ.

Trên góc độ quản lí

Dự án đầu tư là một công cụ quản lí việc sử dụng vốn, vật tư, lao động (các nguồn lực) để tạo ra kết quả tài chính, kinh tế - xã hội trong một thời gian dài.

Đặc trưng

Những đặc trưng cơ bản của một dự án đầu tư đó là:

- Mục tiêu của dự án: Mỗi dự án luôn gắn với yêu cầu cần mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội và những mục đích cụ thể cần đạt được về mặt tài chính. Nói cách khác: vì mục tiêu và chỉ vì mục tiêu mà có dự án.

- Kết quả của dự án: Đó là những sản phẩm, dịch vụ được tạo ra nhằm thực hiện các mục tiêu của dự án. 

Ví dụ: khối lượng các sản phẩm, dịch vụ được sản xuất tiêu thụ ra thị trường hàng năm khi dự án đưa vào hoạt động.

- Các hoạt động của dự án: Những nhiệm vụ hoặc hành động được thực hiện trong dự án để tạo ta kết quả nhất định. Những nhiệm vụ, hoặc hành động này cùng với một tiến độ thực hiện và trách nhiệm cụ thể của các bộ phận có thể liên quan tạo thành kế hoạch hành động của dự án.

- Nguồn lực thực hiện dự án: Phản ánh qui mô vật tư, lao động và các tài nguyên thiên nhiên khác... cần thiết để thực hiện các hoạt động của dự án. Giá trị các nguồn lực này chính là vốn đầu tư cần thiết cho dự án.

Phân loại

Căn cứ vào mục đích, các dự án đầu tư có thể được chia thành:

- Dự án đầu tư mới tài sản cố định

- Dự án thay thế nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cắt giảm chi phí.

- Dự án mở rộng sản phẩm (hoặc thị trường) hiện có sang sản phẩm (hoặc thị trường) mới.

- Dự án an toàn lao động, hoặc bảo vệ môi trường

- Dự án khác

Căn cứ vào mối quan hệ giữa các dự án, có thể chia dự án đầu tư thành:

- Dự án đầu tư độc lập: là loại dự án mà khi chấp thuận thực hiện hay loại bỏ nó thì không ảnh hưởng đến các dự án khác đang được xem xét.

Ví dụ: dự án mua một số xe ô tô tải dùng chuyên chở vật tư, hàng hóa và dự án trang bị hệ thống máy tính dùng cho bộ máy quản lí công ty.

- Dự án đầu tư loại trừ nhau (dự án xung khắc): là những dự án không thể được chấp nhận đồng thời, nghĩa là chỉ được chọn một trong số các dự án đó mà thôi.

Nói cách khác, khi dự án này được thực hiện thì những dự án khác còn lại sẽ bị loại bỏ. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp cân nhắc việc mua hệ thống máy in vi tính của hãng HP hay Canon... sẽ tạo nên các dự án loại trừ nhau.

- Dự án phụ thuộc: là loại dự án mà việc chấp nhận một dự án phụ thuộc vào việc chấp nhận một dự án khác. Hai dự án này được gọi là dự án phụ thuộc.

Ví dụ như dự án xây cầu và dự án xây đường dẫn đến cầu. Nếu không xây cầu thì cũng không cần đến dự án đường dẫn đến cầu.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính)

Minh Lan

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.