Đồng USD mạnh lên làm nền kinh tế toàn cầu thêm khổ sở
Theo Bloomberg, chỉ số sức mạnh của đồng bạc xanh đã tăng 7% kể từ tháng 1 và đạt mức cao nhất trong vòng hai năm khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) liên tục nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Các nhà đầu tư đã coi USD như một kênh trú ẩn an toàn giữa lúc nền kinh tế đầy biến động.
Đồng tiền mạnh sẽ giúp Fed hạ nhiệt giá cả và hỗ trợ nhu cầu hàng hóa nhập khẩu của người Mỹ. Tuy nhiên, tỷ giá USD cao cũng làm tăng giá nhập khẩu của các nền kinh tế khác, thúc đẩy lạm phát và làm hao hụt nguồn vốn của những nước này.
Vấn đề này đặc biệt đáng lo ngại với các nền kinh tế mới nổi, hiện đang phải lựa chọn giữa việc để đồng nội tệ mất giá, can thiệp để tránh trượt dốc hoặc tăng lãi suất nhằm củng cố tỷ giá hối đoái.
Ấn Độ và Malaysia đã bất ngờ tăng lãi suất vào tháng 5. Chính phủ Ấn Độ cũng đã can thiệp vào thị trường nhằm vực dậy tỷ giá hối đoái.
Những nền kinh tế phát triển cũng không thể thoát khỏi việc bị đè bẹp bởi USD. Trong tuần vừa qua, EUR chạm mức thấp nhất trong vòng 5 năm, franc Thụy Sĩ tụt xuống ngang bằng với USD và Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) buộc phải can thiệp để bảo vệ mức neo tỷ giá. Yen Nhật gần đây cũng chạm mức thấp nhất trong vòng hai thập kỷ.
Bà Tuuli McCully, trưởng ban kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng Scotiabank cho biết: “Tốc độ tăng lãi suất chóng mặt của Fed đang khiến các nền kinh tế khác phải đau đầu, chảy máu dòng vốn và mất giá tiền tệ”.
Việc nền kinh tế Mỹ chậm lại cũng như dự báo lạm phát hạ nhiệt cuối cùng sẽ kéo USD xuống thấp, giúp các ngân hàng trung ương toàn cầu giảm áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, sẽ phải mất hàng tháng để tìm ra điểm cân bằng mới này.
Ít nhất cho tới thời điểm hiện tại, các nhà giao dịch vẫn chưa muốn dự đoán đỉnh của cuộc tăng giá USD. Vào cuối năm 2021, nhiều người đã sai lầm khi đánh cược rằng các đợt tăng lãi suất đã được tính sẵn vào giá của đồng bạc xanh, và USD sẽ khó lòng đạt đỉnh mới.
Mất cân đối tiền tệ
Theo ông Clay Lowery, cựu thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế, nay là phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài chính Quốc tế (IIF), các nền kinh tế đang phát triển đối mặt với mối nguy từ sự “mất cân đối tiền tệ”, xảy ra khi chính phủ, tập đoàn và định chế tài chính vay tiền bằng USD và cho vay lại bằng đồng nội tệ.
Theo IIF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đi ngang trong năm nay khi mà Châu Âu rơi vào suy thoái, Trung Quốc giảm tốc rõ rệt và các điều kiện tài chính tại Mỹ thắt chặt đáng kể.
Khi lãi suất tiếp tục tăng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, từ cuộc xung đột Ukraine tới phong tỏa COVID tại Trung Quốc, các nhà đầu tư đã tìm nơi trú ẩn an toàn.
Các nền kinh tế có thâm hụt tài khoản vãng lai càng chịu nhiều rủi ro bất ổn. Ông Lowery nói: “Mỹ luôn là một nơi trú ẩn an toàn. Với việc cả Fed và thị trường đều tăng lãi suất, càng nhiều vốn sẽ chảy vào Mỹ. Hiện tượng này sẽ hủy hoại các nền kinh tế mới nổi”.
Dòng vốn trị giá 4 tỷ USD đã chạy khỏi thị trường chứng khoán của các nền kinh tế mới nổi trong tháng 4, theo dữ liệu từ IIF. Các đồng nội tệ của những nền kinh tế mới nổi đang mất giá, trái phiếu mới nổi của khu vực Châu Á đã sụt giảm 7% trong năm 2022, cao hơn cả khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm 2013.
“Chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ sẽ có ảnh hưởng lan tỏa tới phần còn lại của thế giới”, ông Rob Subbaraman, trưởng phòng nghiên cứu thị trường tại Nomura Holdings. “Sự trớ trêu ở đây là đa số nền kinh tế còn lại đều có vị thế yếu hơn Mỹ rất nhiều”.
Triển vọng kém khả quan
Nhiều nhà sản xuất cho biết chi phí cao làm triệt tiêu đi nhiều lợi ích của việc đồng tiền trượt giá. Toyota đã dự đoán sụt giảm 20% lợi nhuận trong năm tài chính này mặc dù số lượng xe bán ra tăng mạnh. Công ty viện dẫn mức tăng "chưa có tiền lệ” của chi phí logistics và vật liệu thô. Hãng xe nói rằng mình không mong đợi việc đồng yen yếu có thể cải thiện tình hình.
Nhân dân tệ đã sụt giảm khi dòng vốn chạy khỏi thị trường Trung Quốc lên kỷ lục. Hiện tại, Bắc Kinh vẫn phần nào tránh được tác động của đồng USD mạnh khi lạm phát trong nước vẫn ở mức thấp giúp chính quyền có thể tập trung vào các biện pháp kích thích tăng trưởng.
Tuy nhiên việc Trung Quốc tập trung thúc đẩy tăng trưởng cũng gây thêm một nguồn bất ổn cho các quốc gia đang phát triển vốn đã quen với việc sử dụng đồng nhân dân tệ mạnh như một cái neo an toàn.
“Nguyên nhân sự dịch chuyển đột ngột trong xu hướng của đồng nhân dân tệ gần đây phần nhiều do triển vọng kinh tế đang suy giảm của Trung Quốc chứ không phải vì chính sách của Fed”, ông Alvin Tan, chiến lược gia của Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) tại Singapore cho biết. “Nhân dân tệ yếu đã tạo tiền đề khiến những đồng tiền khác ở Châu Á nhanh chóng mất giá đồng loạt trong một tháng qua”.
Ở các nền kinh tế phát triển, đồng nội tệ yếu tạo ra tình huống “tiến thoái lưỡng nan trong chính sách” cho các cơ quan như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh, theo một báo cáo của ông Dario Perkins, nhà kinh tế tại công ty TS Lombard.
Thành viên Hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương Châu Âu, ông Francois Villeroy de Galhau nói rằng “một đồng Euro quá yếu sẽ đi ngược lại mục tiêu ổn định giá cả của EU”.
“Tỷ giá hối đoái yếu đi đã làm gia tăng sức ép lên giá nhập khẩu, khiến lạm phát tăng cao hơn nhiều so với mức trung bình 2% mà các ngân hàng trung ương thường nhắm đến”, ông Perkins viết trong báo cáo.
“Thắt chặt chính sách tiền tệ có thể phần nào giảm bớt lạm phát, tuy nhiên cái giá phải trả là các vấn đề kinh tế nội địa sẽ càng nhức nhối thêm”.