Khả năng chứng khoán Mỹ hồi phục ngắn hạn sau đợt giảm sốc
Hồi phục sau khi quá bán
Phiên cuối tuần vừa qua (13/5), chỉ số S&P 500 hồi phục lên trên ngưỡng 4.000 điểm sau khi chạm đáy ngắn hạn 3.858 điểm trong phiên 12/5, rất gần với vùng đáy 3.800 – 3.850 điểm mà các nhà phân tích kỹ thuật đã dự báo.
Theo CNBC, thị trường có thể tăng điểm tạm thời nhưng các chuyên gia kỹ thuật cho rằng S&P 500 có thể kiểm định lại vùng đáy nói trên trong tương lai.
Ông Scott Redler, Giám đốc chiến lược của T3Live.com, nhận xét: “Có phải đáy của năm đã xuất hiện rồi hay không? Có lẽ là không, nhưng có thể sắp tới sẽ xảy ra một đợt bật tăng do tình trạng quá bán (oversold), đưa chỉ số S&P 500 kiểm định lại vùng 4.100 – 4.200 điểm. Trong thị trường giá lên vẫn có những giai đoạn chỉ số sa sút hàng tuần liền, còn trong thị trường giá xuống vẫn có những đợt hồi do quá bán”.
Ông Redler cho rằng nhà đầu tư sẽ bán khi thị trường hồi phục. Phiên 13/5, Nasdaq Composite bật tăng 3,8%, Dow Jones và S&P 500 tăng lần lượt 1,47% và 2,39%.
- TIN LIÊN QUAN
-
Chứng khoán Mỹ vọt tăng, S&P 500 tránh khỏi thị trường gấu 14/05/2022 - 07:53
Tuy nhiên nếu tính chung cả tuần vừa qua, Dow Jones vẫn sụt 2,14%, lần đầu tiên ghi nhận chuỗi tụt dốc 7 tuần liên tiếp kể từ năm 2001. S&P 500 mất 2,4%, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2011. Nasdaq cũng sụt 2,8% trong tuần qua.
“Thị trường hiện nay có đủ các thành phần cho một đợt hồi kéo dài hơn một tuần. Tôi nghĩ đợt hồi này sẽ được dẫn dắt bởi tất cả những cổ phiếu đã lao dốc 70-80% từ đỉnh. Nói vậy không có nghĩa là bạn nhắm mắt mua cũng thắng, trong đợt hồi này không phải cổ phiếu nào cũng như nhau”, ông Redler nhận xét.
Bà Katie Stockton, Nhà sáng lập công ty phân tích kỹ thuật Fairlead Strategies, cho rằng thị trường có thể ổn định trong khoảng hai tuần tới, có khả năng hồi phục hoặc đi ngang. “Đây không phải là tín hiệu mua, tôi không khuyến nghị mọi người mua”. Thị trường có thể phục hồi vì tình trạng quá bán, “và chúng tôi thường sử dụng đợt phục hồi này để giảm quy mô danh mục”.
Trong cuộc họp chính sách tháng 3 và tháng 5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất điều hành thêm lần lượt 0,25 và 0,5 điểm %. Dự kiến từ tháng 6 tới, Fed sẽ hút bớt 95 tỷ USD thanh khoản bằng cách giảm quy mô bảng cân đối kế toán. Cuộc họp gần nhất của Fed sẽ diễn ra vào ngày 14-15/6.
- TIN LIÊN QUAN
-
Fed sẽ làm gì để hút bớt 95 tỷ USD thanh khoản mỗi tháng? 12/05/2022 - 08:47
Việc Fed không họp trong vài tuần tới có thể là nhân tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu vì nhà đầu tư không phải đón nhận thêm tin tức về thắt chặt tiền tệ. Thị trường đang lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất mạnh tới mức gây ra suy thoái kinh tế nhằm hạ nhiệt lạm phát đang ở vùng đỉnh 40 năm.
Trong tuần 16-20/5, nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm những thông tin mới về kế hoạch tăng lãi suất của Fed thông qua các báo cáo số liệu kinh tế và bình luận của quan chức Fed.
CNBC cho biết Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phát biểu tại một cuộc hội thảo do Wall Street Journal tổ chức vào chiều 17/5. Các chuyên gia Phố Wall dự báo Fed sẽ tăng lãi suất trong tất cả 5 cuộc họp còn lại của năm 2022. Nhiều khả năng trong cuộc họp tháng 6 và tháng 7, Fed đều sẽ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm %.
Nhà đầu tư càng cắt lỗ, thị trường càng giảm
Cuối phiên bán tháo 12/5, chỉ số S&P 500 dừng ở 3.858,87 điểm, sụt 19,55% so với đỉnh lịch sử và rất sát với ngưỡng giảm 20% của một thị trường gấu. Biểu đồ bên dưới cho thấy chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đã rơi vào thị trường gấu từ lâu, mất 24,5% so với đầu năm và giảm 26,5% so với đỉnh lịch sử vào phiên 19/11 năm ngoái.
CNBC dẫn lời ông Sean Corrigan, Giám đốc công ty tư vấn Cantillon Consulting nhận định: “Mọi người luôn nói rằng thị trường xuống dốc vì hành động chốt lãi, thực ra là thị trường giảm điểm vì cắt lỗ. Người bán ở trên đỉnh sẽ chuyển cổ phiếu cho những người đến sau, những người này nhận thấy tình hình không ổn nên sẽ bán tiếp cho người sau. Nếu những người này dùng đòn bẩy thì thị trường sẽ gặp rắc rối lớn”.
Ông còn cảnh báo thêm về hiện tượng “nhổ hoa trồng cỏ” khi nhà đầu tư bị gọi ký quỹ (margin call): “Nhà đầu tư phải bán những cổ phiếu khác để có tiền nộp vào những cổ phiếu bị gọi ký quỹ … tức là đà giảm có thể lan rộng và chúng ta rõ ràng đang ở trong giai đoạn này”.
Trong bối cảnh giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu như năng lượng và thực phẩm tăng phi mã, các gia đình đang phải căng mình để đáp ứng những nhu cầu căn bản nhất. Vì vậy, nhiều loại sản phẩm từng được ưa chuộng trong thời kỳ phong tỏa nay đã bị “thất sủng”.
Ông Sean Corrigan nói: “Chúng ta đang gặp nhiều vấn đề với năng lượng, với lương thực, với những hàng hóa thiết yếu trong cuộc sống. Đây có phải là lúc chi 2.000 USD để mua một chiếc máy đạp xe tại nhà không? Chắc chắn là không, đó là lý do cổ phiếu Peloton rớt thảm”.
Peloton là nhà sản xuất dụng cụ thể thao tại nhà. Trong hai năm đầu đại dịch, nhu cầu với sản phẩm của Peloton lên cao đột biến và giá cổ phiếu này cũng thăng hoa. Nhưng từ đầu 2022 đến nay, cổ phiếu Peloton đã mất 60% giá trị. Thống kê dưới đây cho thấy các cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ, viễn thông là nhóm lao dốc mạnh nhất kể từ đầu năm.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu năng lượng là nhóm duy nhất đi lên. Nhóm tiêu dùng thiết yếu và tiện ích căn bản chỉ giảm rất ít.
Về phần lạm phát, ông Corrigan cho rằng tình hình chưa thể sớm cải thiện đáng kể. Ngày 11/5, Cục Thống kê Lao động Mỹ thông báo tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng tháng 4 là 8,3%, thấp hơn tỷ lệ 8,5% của tháng 3 nhưng vẫn ở vùng đỉnh 40 năm.
Cứ khi nào tình trạng lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt chút ít là một số nhà đầu tư sẽ coi đó là cơ hội để mua, nhưng thị trường chứng khoán có thể biến thành “cối xay thịt” nghiền nát hy vọng của nhà đầu tư, Giám đốc công ty tư vấn Cantillon Consulting nhận định.