|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tại sao chứng khoán Mỹ sa sút trong những tháng đầu năm 2022?

07:47 | 13/05/2022
Chia sẻ
Bước sang năm 2022, chứng khoán Mỹ sụt giảm với tốc độ lịch sử do ảnh hưởng từ các quyết định của Fed, lợi suất trái phiếu tăng và các cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên toàn cầu.

Theo Reuters, chỉ số S&P 500 trong quý I đã mất 13,3%, là mức giảm cao nhất kể trong quý đầu tiên của năm kể từ 1989. Vào tháng 5, chỉ số này tiếp tục rơi và đến cuối phiên ngày 12/5, đã mất đi 18% giá trị so với đầu năm.

S&P 500 ngày càng tiến gần tới mức sụt giảm 20% mà nhiều nhà đầu tư coi là xác nhận thị trường gấu. Chỉ số Nasdaq Composite, có thành phần gồm nhiều cổ phiếu công nghệ hơn, đã mất đi tới 25% giá trị.

Từ đầu năm 2022, cả hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều đồng loạt sụt giảm.

Nhân tố ảnh hưởng

Đến cuối năm 2021, chỉ số S&P 500 có giá trị gấp đôi so với thời điểm thấp nhất vào tháng 3/2020. Tuy nhiên, đợt tăng giá này ngay lập tức đảo ngược vào năm 2022.

Các nhà đầu tư và phân tích cho rằng sự thay đổi chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là nhân tố chính khiến cho thị trường yếu đi. Khi dịch COVID hoành hành, ngân hàng trung ương Mỹ đã tiến hành các biện pháp khẩn cấp nhằm ổn định nền kinh tế. Theo các nhà đầu tư, những chính sách này cũng khuyến khích việc mua cổ phiếu và những tài sản rủi ro khác.

Nhưng vào đầu năm 2022, Fed đưa ra tín hiệu sẽ chuyển sang chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm ngăn chặn tình trạng lạm phát, khiến môi trường đầu tư bị thay đổi rõ rệt.

Trong tháng 3/2022, Fed lần đầu tiên tăng lãi suất 25 điểm cơ bản kể từ năm 2018. Đầu tháng 5, ngân hàng trung ương lại tiếp tục nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, động thái mạnh mẽ nhất trong vòng 22 năm. Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell gợi ý sẽ còn có những đợt tăng tương tự.

 Lạm phát tại Mỹ đang ở vùng đỉnh 40 năm. 

Quyết định của Fed có ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán theo vài cách. Trước đây, cũng có những lần mà cổ phiếu tăng trong chu kỳ nâng lãi suất của Fed. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư lo ngại rằng lạm phát và giá hàng hóa cao có thể khiến ngân hàng trung ương Mỹ mạnh tay thắt chặt hơn, ảnh hưởng tới tăng trưởng và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Đồng thời, kỳ vọng về chính sách thắt chặt của Fed đã thúc đẩy lợi suất của Trái phiếu Kho bạc 10 năm của Mỹ tăng gần gấp đôi, lên tới 3% trong năm nay. Đây là lần đầu tiên trái phiếu này đạt mức lợi suất cao như vậy kể từ năm 2018 khi Fed chuẩn bị kết thúc chu kỳ thắt chặt.

Lợi suất tăng khiến trái phiếu trở thành kênh đầu tư cạnh tranh hơn so với cổ phiếu. Lợi suất của Trái phiếu kho bạc 10 năm hiện đang cao gấp đôi so với tỷ suất cổ tức của chỉ số S&P 500. 

Lợi suất trái phiếu trung hạn của Mỹ đang đang ở mức khoảng 2,8% vào tháng 5.

Lợi suất trái phiếu cao ảnh hưởng đặc biệt tiêu cực tới cổ phiếu công nghệ và những ngành tăng trưởng nhanh khác. Cổ phiếu của những lĩnh vực trên thường được định giá bằng dòng tiền tiềm năng và sẽ mất sức hút khi lợi suất trái phiếu tăng.

Bất ổn khác

Ngoài những thay đổi trong chính sách của Fed, cuộc xung đột tại Ukraine đã tạo thêm bất ổn kinh tế. Tình trạng hỗn loạn đã gây ra một cú sốc, đẩy giá dầu và các loại hàng hóa khác lên cao, đồng thời nền kinh tế Châu Âu xuất hiện những lo ngại đặc biệt.

Việc kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát COVID cũng là một trong những nguyên nhân góp phần khiến cổ phiếu biến động.

Nhà đầu tư có thể chú ý tới thời điểm lạm phát tại Mỹ đạt đỉnh, từ đó suy ra lúc Fed có thể tiến hành nới lỏng chính sách. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 4 đã giảm nhẹ, xuống còn 8,3%. 

Những nhà đầu tư khác đang quan sát các chỉ báo kỹ thuật, ví dụ như liệu S&P 500 có thể giữ mốc 4.000 hay không, những phiên "bán tháo" hoặc chỉ số biến động CBOE đạt một mức độ nào đó.

Minh Quang