|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

11.000 tỷ USD bị thổi bay khỏi chứng khoán toàn cầu, nhà đầu tư đỏ mắt chờ ngày gió đổi chiều

11:03 | 16/05/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia từ Morgan Stanley và Citigroup dự doán chứng khoán vẫn sẽ chịu áp lực khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Nhiều chỉ báo kỹ thuật quan trọng cho thấy thị trường vẫn còn cách xa đáy.

Nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Reuters). 

Thị trường chứng khoán toàn cầu đang phải đối mặt với một loạt tin xấu, đơn cử như dòng tiền ồ ạt tháo chạy, 11.000 tỷ USD bị xóa sổ và chuỗi lao dốc tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Đáng ngại hơn là cú sốc này có thể vẫn chưa chấm dứt.

Cuộc bán tháo trong chỉ số MSCI All Country World Index (ACWI) đã làm giảm đáng kể định giá của các doanh nghiệp từ Mỹ đến châu Âu. Tuy nhiên, loạt chuyên gia từ Morgan Stanley đến Citigroup vẫn dự đoán rằng chứng khoán sẽ tiếp tục cắm đầu đi xuống giữa lo ngại về lạm phát, chính sách tiền tệ bị thắt chặt và tăng trưởng kinh tế giảm tốc, đặc biệt là ở Mỹ.

Theo Bank of America, tiền đang tiếp tục rời bỏ mọi loại tài sản và cuộc tháo chạy ngày càng trầm trọng hơn với việc nhà đầu tư từ bỏ các "hầm trú ẩn" như Apple.

Các mốc chỉ báo kỹ thuật quan trọng đối với S&P 500 cho thấy chỉ số này vẫn còn phải rơi tiếp 14% thì mới chạm ngưỡng hỗ trợ chính. Trong khi đó, tỷ lệ các công ty rơi xuống đáy một năm vẫn kém xa con số trong cơn hoảng loạn về tăng trưởng (growth scare) từng vùi dập thị trường năm 2008, theo tờ Bloomberg

Ông Andreas Lipkow, chuyên gia tại Comdirect Bank, cho biết: “Nhà đầu tư đang tiếp tục giảm vị thế, đặc biệt là trong cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng. Nhưng tâm lý của nhà đầu tư cần phải xấu đi hơn nữa thì thị trường mới có thể tạo đáy”.

Thị trường chứng khoán có vẻ càng bị đè nặng khi những bàn tán về suy thoái lan rộng ra. Nhưng ngay cả khi nỗi lo về tăng trưởng lớn dần thì quyết tâm chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác khiến nhà đầu tư không còn có thể trông chờ vào môi trường tiền tệ đã giúp duy trì thị trường giá lên trong thời gian qua.

Chỉ số MSCI ACWI đã giảm trong 6 tuần liên tiếp, Stoxx Europe 600 mất 6% kể từ tháng 3, còn S&P 500 giảm mạnh gấp đôi. Dưới đây là một số thước đo chính thể hiện nguy cơ suy giảm của thị trường.

Giảm sâu hơn nữa

Chỉ số S&P 500 vẫn còn cao hơn 14 % so với đường MA 200 tuần, mức đóng vai trò là đáy trong hầu hết thị trường gấu lớn trước đây, trừ bong bóng công nghệ và khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Canaccord Genuity nói rằng thị trường chứng khoán Mỹ có thể giảm sâu hơn nữa trong phiên đầu tuần này bởi nhà đầu tư bị buộc phải bán giải chấp tài khoản (force sell) do vi phạm margin. 

 

Căng thẳng

Bất chấp những rung lắc gần đây – khi chỉ số S&P 500 giảm hơn 13% từ đỉnh 29/3 – các chỉ báo về mức độ căng thẳng của thị trường vẫn chưa tụt xuống ngưỡng được ghi nhận trong những lần bán tháo trước đó.

Chưa đến 30% cổ phiếu thuộc S&P 500 rớt xuống đáy một năm. Trong đợt growth scare năm 2018 và khủng hoảng tài chính toàn cầu, con số này lần lượt là 50% và 82%. Thêm vào đó, chỉ số sức mạnh tương đối RSI 14 ngày cũng báo hiệu S&P 500 chưa xuống đáy. Tuy chỉ số Stoxx Europe 600 đã rơi vào vùng quá bán vào tuần trước, chỉ số của Mỹ vẫn chưa đạt đến mức đó.  

 

Thế thủ

Cổ phiếu phòng thủ đang được ưa chuộng khi bóng ma suy thoái dìm sâu các cổ phiếu nhạy cảm với chu kỳ kinh tế. Chỉ số Stoxx 600 Defensives không đổi so với đầu năm 2022, trong khi đó nhóm cổ phiếu chu kỳ giảm tới 15%. Giới chuyên gia tại Barclays và Morgan Stanley dự kiến xu hướng đó sẽ tiếp diễn.

Tại UBS Wealth Management, Giám đốc đầu tư cổ phiếu Claudia Panseri nhận thấy chênh lệch giữa hiệu suất nhóm chu kỳ so với phòng thủ đang phản ánh “một cuộc suy thoái nhẹ”.

Từ kinh nghiệm quá khứ, nhóm cổ phiếu phòng thủ vẫn còn tiềm năng đi lên. Mức tăng tương đối so với thị trường chung vẫn thua kém năm 2016, với yếu tố tiêu cực là sự giảm tốc của Trung Quốc và nỗi lo Brexit, và trong giai đoạn đầu của đại dịch năm 2020.

 

Rẻ đi

Định giá cổ phiếu công nghệ đã giảm rõ rệt, với chỉ số Nasdaq 100 hiện có giá gấp 20 lần thu nhập dự phóng của doanh nghiệp trong ngành, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn dự đoán nhóm công nghệ sẽ tiếp tục gặp áp lực bởi sự thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương.

Theo Bank of America, cổ phiếu công nghệ vừa trải qua tuần bị bán tháo mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Ông Valerie Gastaldy, nhà phân tích kỹ thuật tại Day By Day SAS nói thêm rằng bất chấp cú lao dốc nặng nề, nhóm công nghệ vẫn có nguy cơ giảm thêm 10% nữa trước khi tìm thấy đáy.

 

Ông Dan Boardman-Weston, Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản BRI Wealth Management nhận định: “Tuần vừa qua cực kỳ thảm khốc, và tâm lý nhà đầu tư đã vỡ tan thành nhiều mảnh, đặc biệt là trong ngành công nghệ. Chúng ta sẽ còn chật vật trong nhiều tuần và vài tháng tới”.

Giang

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.